Tôm thẻ chân trắng Kỹ thuật ương nuôi cá chép từ cá bột lên cá hương

Kỹ thuật ương nuôi cá chép từ cá bột lên cá hương

Publish date Saturday. May 30th, 2015

Tuy nhiên trong quá trình ương cá chép từ cá bột (cỡ 0,6 – 0,8cm) lên cá hương (cỡ 2,5 – 3cm) đạt tỷ lệ cá sống cao người nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Điều kiện ao ương

- Diện tích ao từ 300 – 1.000m2 là phù hợp và dễ cho công tác chăm sóc và quản lý.

- Độ sâu mực nước ao: từ 1,0 – 1,2m; độ dày lớp bùn 15 – 20cm.

- Có nguồn nước không bị ô nhiễm, thuận tiện cho việc cấp và thay nước.

- Bờ ao chắc chắn không bị rò rỉ. Vì khi rò rỉ hình thành dòng nước chảy, cá tập trung nhiều vào đó không kiếm được mồi sẽ gầy yếu, đồng thời cá dữ cũng theo nước chảy lọt vào ao. Những ao bị rò rỉ không chủ động điều tiết mực nước, mất chất màu mỡ, cá sinh trưởng kém và tỷ lệ hao hụt cao.

- Ao cần thoáng để có ánh sáng đầy đủ là điều kiện thuận lợi cho sinh vật phù dù phát triển tạo nguồn thức ăn tốt cho ương cá bột lên cá hương.

2. Chuẩn bị ao ương

- Tát cạn, tạt vôi cho ao nuôi từ 7 – 10 kg vôi bột để tả cho 100m2 diện tích ao nuôi hoặc 30 – 35kg cho 1 sào ao bắc bộ. Tẩy vôi vào những ngày nắng sẽ có tác dụng: Diệt trừ cá dữ, trứng ếch nhái hoặc nòng nọc, một số loại côn trùng có hại, các ký sinh trùng gây bệnh; giải phóng một số chất khoáng bị giữ lại trong bùn; giảm độ chua của ao; giữ độ pH trong ao ổn định.

- Phơi đáy ao 3 – 5 ngày tùy thuộc điều kiện thời tiết.

- Bón phân: sau khi phơi đáy ao, tiến hành bón phân: phân chuồng cần được ủ với 10 – 15% vôi bột trong thời gian 1 tháng. Liều lượng đối với phân chuồng bón bằng cách rải đều khắp ao từ 20 - 30 kg phân còn đối với phân xanh là 50 kg cho 100 mét vuông (loại lá cây thân mềm để làm phân xanh, không dùng những cây có tính đắng, cay…).  Việc bón phân nhằm mục đích tăng cường các chất dinh dưỡng cho đáy ao, gây nuôi các loại sinh vật nổi có kích thước nhỏ bé phát triển làm thức ăn cho cá để sau khi thả là cá đã có sẵn thức ăn ngay. Thời gian bón lót thích hợp nhất là 6 - 7 ngày trước khi thả cá. Bón sớm quá các loại địch hại có thời gian sinh sản phát triển.

- Lấy nước vào ao ngập từ 0,3 - 0,4 mét giúp cho quá trình phân hủy phân bón nhanh hơn, ngâm 2 đến 3 ngày, vớt hết bã xác phân xanh, lấy nước tiếp vào ao đạt độ sâu 1,0 – 1,2 m. Khi màu nước đạt màu vỏ đậu xanh là có thể tiến hành thả cá bột để ương. Lưu ý khi lấy nước vào ao cần lọc qua lưới lọc có kích thước mắt lưới nhỏ để loại bỏ cá tạp, cá dữ đặc biệt là cá rô phi con hoặc các loài địch gây hại cá giống.

3. Mật độ cá thả: 80 – 140con/m2

4. Chăm sóc và quản lý

4.1. Chăm sóc

- Trong quá trình nuôi tiến hành bón phân gây màu nước tạo thức ăn tự nhiên trong ao nuôi: Dùng phân chuồng ủ hoai với 10% vôi, mỗi tuần bón 2lần, mỗi lần bón 6 - 7kg/100 m2 ao. Phân xanh bón 1 tuần 1 lần, mỗi lần khoảng 20 - 25kg/100 m2 ao. Việc bón thêm phân cần căn cứ vào màu nước ao, nếu ao có màu xanh đậm cần giảm lượng phân, nếu ao mất màu cần tăng thêm lượng phân bón và chỉ duy trì lượng phân bón như trên khi nước có màu vỏ đậu xanh.

- Về thức ăn tinh: thường dùng bột mì, bột gạo nghiền, cám nghiền nhỏ, bột đậu tương và lượng thức ăn cụ thể như sau:

+ Từ tuần 1 – 2: lượng thức ăn tinh từ 0,3kg/1vạn cá/ngày. Mỗi ngày cho cá ăn từ 2 – 3 lần, trước khi cho cá ăn thì thức ăn phải được hòa loãng té khắp ao.

 + Tuần thứ 3 - 4: cho ăn 0,4 – 0,5kg/1vạn cá/ngày, thức ăn ở dạng bột khô rải đều khắp ao, mỗi ngày cũng cho cá ăn hai lần vào 8h, 16h.

Lưu ý lượng thức ăn cần phải điều chỉnh phù hợp theo biến đổi của thời tiết, khả năng vận động và bắt mồi của cá.

4.2. Quản lý ao ương

- Hàng ngày phải thăm ao vào sáng sớm, để quan sát hoạt động của cá trong ao, màu nước, bệnh cá, địch hại để xử lý kịp thời.

+ Đối với màu nước:  màu nước ao thường xuyên duy trì màu vỏ đậu xanh là tốt nhất. Nếu ao có màu xanh đậm cần giảm lượng phân bón, cấp thêm nước mới.

+ Cá bơi lờ đơ, tách đàn là có hiện tượng bị bệnh cần trộn tỏi hoặc kháng sinh cho cá ăn phòng.

+ Vào sáng sơm cá có hiện tượng nổi đầu khi có tiếng động như vỗ tay cá không lặn chứng tỏ cá thiếu oxy cần chạy máy tạo oxy hoặc bổ sung thêm nước mới.

- Đối với giai đoạn ương từ cá bột lên cá hương thì một trong những yếu tố quyết định đến tỷ lệ sống của cá là địch hại như bọ gạo, nòng nọc, bắp cày và cá dữ sót lại trong ao. Chính vì vậy cần có biện pháp diệt  như sau:

+ Đối với bọ gạo: do bọ gạo có đặc tính lấy oxy từ khí trời nên diệt bằng cách dùng cây tre hoặc cấy nứa đóng thành khung 4 – 6m2, trong khung đổ dầu hỏa, sau 5 – 10 phút được dịch chuyển 1 lần, khung được dịch chuyển cho đến hết bề mặt ao. Vì khi bọ gạo nhao lên đớp phải dầu hỏa sau thời gian ngắn sẽ chết.

+ Đối với nòng nọc: Hàng ngày kiểm tra quanh bờ ao nếu thấy trứng của ếch, cóc, nhái xuất hiện dùng vợt cá bột vớt hết trứng lên bờ. Dùng lưới cá hương để bắt nòng nọc hoặc dùng dòng nước chảy nhẹ trong ao để hướng nòng nọc tập trung lại rồi vớt bỏ.

+ Đối với cá dữ cần tẩy dọn và phơi ao thật kỹ.

- Trong quá trình ương cá nếu có điều kiện cứ 3 – 5 ngày bổ sung thêm 20 – 30cm nước mới và thay 1 – 2 lần nước cũ, mỗi lần thay 1/3 lượng nước trong ao.

* Sau khi ương nuôi 20 – 25 ngày cá đạt kích cỡ cá hương 2,5 – 3cm. Lúc này có thể tiến hành san ao để nuôi từ cá hương lên cá giống. Tuy nhiên trước khi san cá hoặc xuất bán thì thời gian nuôi ở tuần thứ 5 cần tiến hành đùa luyện cá 2 – 3 lần bằng cách dùng lưới kéo cá sau lại nhả cá ra. Mục đích của luyện cá giúp cá quen với điều kiện môi trường thiếu oxy, kích thích cá hoạt động làm cho khả năng chịu đựng của cá dẻo dai, xáo trộn chất dinh dưỡng giữa tầng mặt và tầng đáy tạo điều kiện cho sinh vật làm thức ăn cho cá phát triển.

Tags: nuoi ca chep, ca bot, ca huong, nuoi trong thuy san


Related news

cp-foods-len-ke-hoach-san-xuat-tom-vo-mem-tom-lot-tai-viet-nam-de-ban-cho-thi-truong-chau-au CP Foods lên kế hoạch… mot-so-bien-phap-giup-nguoi-nuoi-giam-nhe-thiet-hai-trong-nuoi-trong-thuy-san Một số biện pháp giúp…