Tin nông nghiệp Kỳ tích khai phá rốn phèn miền Tây tăng giữ nước, giảm trồng lúa...

Kỳ tích khai phá rốn phèn miền Tây tăng giữ nước, giảm trồng lúa...

Author Huỳnh Xây, publish date Monday. August 1st, 2016

Lúa không còn là lựa chọn hàng đầu

Nhiều chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp ĐBSCL cho biết: TGLX từ một nơi không có lúa trở thành nơi làm lúa 2 vụ rồi 3 vụ, góp phần to lớn làm cho nước ta đứng thứ 1, thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu là một kỳ tích hiếm có.

Tin từ Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, thực hiện chủ trương khai hoang vùng TGLX, từ năm 2001 đến nay, đã có 60 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Kiên Giang thuê gần 6.000ha đất để sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo mô hình kinh tế trang trại.

“Nhiều năm trước đây, lãnh đạo các địa phương vùng TGLX đã có công khai phá và mở rộng diện tích lúa là hợp lý với thời điểm nước ta đang cần lương thực. Theo đó, TGLX đã trở thành vùng trọng điểm lương thực của ĐBSCL và cả nước, trong đó 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang đóng góp nhiều nhất về sản lượng” - ông Trần Hữu Hiệp- Ủy viên chuyên trách kinh tế của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ thông tin.

Tuy nhiên, cũng như các tỉnh, thành vùng miền khác, nhìn chung lợi tức mang lợi cho người nông dân ở ĐBSCL trồng loại cây này vẫn còn thấp, người dân vẫn nghèo, thực tế chứng minh là khi người dân thu hoạch sẽ bán lúa ngay để trả tiền vật tư nông nghiệp và mua giống để chuẩn bị gieo sạ vụ kế tiếp.

GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ cho biết: “Vùng TGLX đi đầu trong trồng lúa và là nơi ghi công đầu tiên trong cung cấp lương thực cho đất nước sau chiến tranh, giúp tránh nạn đói có thể xảy ra. Việc làm mọi cách để có lúa, gạo để ổn định tình hình kinh tế xã hội là một quyết định đúng đắn của Đảng, Nhà nước nói chung và của lãnh đạo các địa phương TGLX nói riêng trong nhiều năm qua”.

Tuy nhiên, GS Xuân cũng phân tích rõ: Thực tế, trồng lúa nhiều vẫn không có lời mà chỉ làm nghĩa vụ quốc tế và vô tình giúp các nước tiên tiến có cơ hội phát triển các ngành khác có thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Trong khi đó, người trồng lúa vùng ĐBSCL vốn đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, El Nino và đặc biệt là hạn, mặn. Hiện nay, trong khi nguồn nước ngọt đang cạn dần, nhiều nơi ở thượng nguồn sông Mekong cũng tranh thủ lấy nước, dịch chuyển dòng chảy.

Vì vậy, theo chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Võ Tòng Xuân, vùng TGLX đã đến lúc phải suy nghĩ lại, phải thay thế cây lúa bằng cây trồng khác hoặc vật nuôi khác trong điều kiện có thể. Mặt khác, trồng lúa cũng là nguyên nhân dẫn đến làm “nóng” khí quyển, là cách làm cho khí hậu nóng lên.

“Thời gian dài người dân sống bằng nghề trồng lúa. Vì vậy, nếu muốn giảm, chuyển đổi sang trồng loại cây trồng, vật nuôi khác thì phải có một giải pháp tổng hợp, lâu dài và cần đặt trong mối quan hệ tổng thể của cả vùng ĐBSCL” - ông  Trần Hữu Hiệp nói về việc có nên giảm hoặc chuyển diện tích lúa của vùng TGLX.

Quy hoạch từng vùng cụ thể

Theo Sở NNPTNT các địa phương vùng TGLX, sau hơn 20 năm được đầu tư khai thác, phát triển, nơi đây đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo lớn nhất khu vực ĐBSCL, với tổng sản lượng đạt gần 5 triệu tấn/năm.

“Vùng TGLX cần có biện pháp tích trữ nước ngọt để sử dụng thông minh trong mùa khô. Đồng thời, điều chỉnh hệ thống đê bao, mương liếp sao cho có thể trồng lúa ở khu vực gần nước ngọt, có phù sa, một số nơi có thể thay lúa trồng hoa màu, khóm hoặc nuôi tôm bán cho những nước giàu cần mua. Tránh tình trạng bị thiếu nước trầm trọng diễn ra mới đây ở những địa phương khác trong vùng ĐBSCL” – GS Xuân đề xuất.

Bên cạnh đó, để phát huy tính hiệu quả bền vững của vùng TGLX, nhiều chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp đưa ra giải pháp: Riêng ở vùng giáp biển cũng phải làm hệ thống thủy lợi tốt để nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, thậm chí là quảng canh. Vấn đề là làm sao Nhà nước và chính quyền địa phương có những quy hoạch, tổ chức cụ thể, bài bản mà không phải là làm manh mún, chụp giật, không để nhân dân tự phát chuyển đổi.

Trao đổi với phóng viên NTNN/Dân Việt về những giải pháp phát triển bền vững vùng TGLX, TS Lê Văn Bảnh – nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL thông tin thêm: Vùng TGXL trước đây là vùng trũng và là túi nước, trữ nước cho cả vùng ĐBSCL. Qua bàn tay của nông dân và chủ trương mạnh mẽ của chính quyền các địa phương đã khai phá, phát triển nhiều diện tích đất nông nghiệp. TS Bảnh cho rằng, về lâu dài, vấn đề quan trọng vẫn là giữ nước, bởi biến đổi khí hậu đã đến và gây tác hại nghiêm trọng qua tình trạng hạn hán khốc liệt vừa qua.

“Vì vậy quy hoạch, tái cơ cấu như thế nào để giữ được nước, đồng thời có cơ cấu giống và mùa vụ sao cho phù hợp, cụ thể từng vùng và không để nhận dân làm tự phát. Ngày xưa có câu “con tôm ôm cây lúa”, nhưng bây giờ con tôm ôm cây lúa thì tôm chết mà lúa cũng chết. Cây lúa sẽ chết khi ao kế bên sử dụng nước mặn nuôi tôm và ngược lại” – TS Bảnh nêu ý kiến.

Còn PGS-TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) nhận định: “Ở ĐBSCL, TGLX và vùng Đồng Tháp Mười là những vùng trữ nước lớn. Vào mùa lũ, nơi đây giữ nước và mùa khô sẽ cung cấp nước cho vùng. Tuy nhiên, do gia tăng sản lượng lúa, xây dựng nhiều hệ thống đê bao đã khiến không gian trữ nước giảm đi rất nhiều. Đây cũng là nguyên nhân khiến mùa khô trở nên khô hạn nặng nề hơn”.

Theo GS-TS Lê Anh Tuấn, phải từng bước khôi phục các vùng chứa nước tự nhiên, giảm bớt diện tích canh tác lúa, tăng các cây trồng ít tiêu thụ nước. Đồng thời, thiết kế các hệ thống thủy lợi lớn theo hướng đa mục tiêu...


Related news

gap-vi-thu-linh-hoi-khong-chem-gio-suong Gặp vị thủ lĩnh hội… tan-bo-truong-chia-se-kho-khan-cua-nganh-nong-nghiep Tân Bộ trưởng chia sẻ…