Lai tạo giống lợn kháng virut gây hội chứng hô hấp và sinh sản
Virut gây Hội chứng hô hấp và sinh sản (PRRS) đã được phát hiện đầu tiên ở Mỹ vào năm 1987. Các con lợn mắc bệnh gần như không thể sinh sản, không tăng cân và có tỷ lệ chết cao. Cho đến nay, không có chủng vắc-xin nào đem lại hiệu quả và căn bệnh này gây thiệt hại cho nông dân Bắc Mỹ hơn 660 triệu USD mỗi năm. Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Missouri và Đại học bang Kansas đã lai tạo ra giống lợn kháng lại bệnh này.
Prather Randall, Giáo sư Khoa học động vật nổi tiếng tại Trường Nông nghiệp, Lương thực và Tài nguyên thiên nhiên cho biết: “Khi virut này xâm nhập vào bên trong cơ thể lợn, nó cần sự hỗ trợ của một loại protein gọi là CD163. Chúng tôi có thể tạo ra giống lợn không có loại prô-tê-in này và kết quả là virut không lây lan. Khi những con lợn tiếp xúc với PRRS, chúng không hề bị bệnh và tiếp tục tăng cân bình thường”.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã và đang cố gắng để xác định virut này lây nhiễm ở lợn như thế nào và làm thế nào để ngăn chặn nó. Trước đây, các nhà nghiên cứu tin rằng virut lây nhiễm vào lợn do lợn hít phải vào phổi, nơi nó được gắn vào một prô-tê-in được gọi là sialoadhesin trên bề mặt của tế bào bạch cầu trong phổi.
Tuy nhiên, hai năm trước nhóm nghiên cứu Prather cho thấy việc loại bỏ sialoadhesin đã không ảnh hưởng gì đến hoạt động của PRRS. Loại protein thứ 2 được gọi là CD163 cho phép virut lây nhiễm vào bên trong cơ thể lợn. Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu Prather tìm cách ngăn chặn những con lợn sản sinh ra CD163.
Kristin Whitworth, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã điều chỉnh gien tạo nên prô-tê-in CD163, do đó những con lợn không tạo ra loại protein này nữa. Sau đó, chúng tôi cho những con lợn lây nhiễm virut PRRS. Những con lợn không có protein CD163 không bị nhiễm bệnh. Khám phá này có thể có ý nghĩa to lớn cho các nhà lai tạo giống lợn và ngành công nghiệp thực phẩm khắp nơi trên thế giới”.
Trong khi những con lợn không tạo ra protein CD163 không bị ốm, các nhà khoa học cũng quan sát thấy không có sự thay đổi trong sự phát triển của chúng so với những con lợn tạo ra prô-tê-in này.
Kết quả ban đầu của nghiên cứu này rất khả quan. Đại học bang Missouri đã ký thỏa thuận giấy phép toàn cầu độc quyền về giống lợn kháng virut PRRS này.
Kevin Wells, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Khám phá này có thể cứu ngành chăn nuôi lợn trị giá hàng trăm triệu đô la mỗi năm. Nó cũng có thể giúp con người giải quyết các bệnh ở các vật nuôi khác”.
Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Công nghệ Sinh học Tự nhiên tháng này.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao