Lãi tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi xen canh tôm và cá chẽm
Dù đã nhiều lần thất bại, nhiều lần cạn kiệt vốn liếng với nghề nuôi tôm nhưng ông Lê Trọng Nghĩa, 48 tuổi, ở ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn kiên trì theo đuổi đến cùng nghề nuôi tôm và thành quả cuối cùng cũng đã đến với người đàn ông giàu ý chí này.
Ông Lê Trọng Nghĩa thu hoạch tôm. Ảnh: baobariavungtau
Trang trại tôm của gia đình ông hiện cho thu nhập khoảng 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng/năm. Năm 2019, ông là nông dân duy nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Đầu những năm 2000, nghề nuôi tôm mới bắt đầu nở rộ tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ. Nhận thấy tiềm năng, ông Lê Trọng Nghĩa cũng quyết định đầu tư hết vốn liếng tích góp được để nuôi tôm. Tuy nhiên, 2 vụ tôm đầu tiên do chưa có kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật chỉ mang lại cho ông thất bại khi tôm chết trắng ao. Không nản chí, ông Nghĩa đăng ký tham gia các lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh; tham khảo thêm sách báo, tài liệu về kỹ thuật nuôi tôm; rồi lặn lội xuống các tỉnh miền Tây Nam Bộ tham quan các mô hình nuôi tôm thành công để học hỏi thêm về kinh nghiệm, kỹ thuật.
Sau đó, ông tìm đến những trung tâm sản xuất giống uy tín tại tỉnh Khánh Hòa mua tôm giống về nuôi. Nhờ đó, những vụ tôm tiếp theo của ông liên tục thuận lợi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Từ số vốn có được, ông Nghĩa tiếp tục mở rộng diện tích, đến nay gia đình ông có khoảng 5 ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Với tổng sản lượng tôm thu được khoảng gần 60 tấn/năm, giá bán từ 110-120 ngàn đồng/kg, ông Nghĩa thu lãi khoảng 1-1,5 tỷ đồng/năm.
Ông Nghĩa cho biết, sau khoảng thời gian thành công liên tiếp từ nuôi tôm, đến năm 2013, không chỉ riêng ông mà một số hộ trong vùng liên tiếp thất bại do tôm bị dịch đốm trắng. Qua nghiên cứu, ông nhận thấy sau nhiều năm, môi trường nước đã không được ổn định như trước. Nhờ kinh nghiệm sau nhiều năm nuôi, cộng với kiến thức đã học được, ông đã tìm ra giải pháp bằng cách nuôi xen canh tôm và cá chẽm. Theo ông Nghĩa, nuôi cá chẽm không có lợi nhuận cao như tôm nhưng ổn định và ít rủi ro nhưng việc xen canh giữa tôm và cá sẽ giúp cải tạo được môi trường nước. Cứ nuôi 1-2 vụ tôm, ông lại chuyển sang thả 1 vụ cá chẽm. Nhờ vậy, rủi ro trong môi trường nuôi tôm của gia đình ông giảm rõ rệt. Hiện, mỗi năm gia đình ông thu hoạch 40-50 tấn cá chẽm, thu lãi khoảng 500-600 triệu đồng.
Ông Lê Trọng Nghĩa chia sẻ ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ là vùng đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy sản, gia đình ông từ xưa cũng nuôi trồng thủy sản nên ông quyết tâm vươn lên, làm giàu từ nghề này. Có làm giàu được cho bản thân, gia đình thì mới có thể giúp được những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình cùng vươn lên phát triển kinh tế gia đình, phát triển kinh tế địa phương.
Từ năm 2007 đến nay, ông Nghĩa liên tục được bằng khen của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”. Không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Nghĩa còn là người rất nhiệt tình tham gia đóng góp các hoạt động, phong trào thiện nguyện ở địa phương, từ góp tiền của cho Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp đỡ con em hội viên nông dân nghèo không có điều kiện tới trường; giúp đỡ vốn, con giống và bỏ công sức tới tận nơi để hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm, cá chẽm cho hội viên nghèo.
Nói về sự đóng góp của ông Lê Trọng Nghĩa, ông Ngô Văn Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An, huyện Đất Đỏ cho biết: Ông Lê Trọng Nghĩa rất thành công với mô hình nuôi trồng thủy sản và đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Không những vậy, hằng năm ông còn đóng góp rất nhiều cho địa phương thông qua các Quỹ khuyến học khuyến tài, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao