Mô hình kinh tế Lạm Dụng Phân Bón Gây Nhiều Hệ Lụy

Lạm Dụng Phân Bón Gây Nhiều Hệ Lụy

Publish date Tuesday. July 15th, 2014

Sự phát triển đáng nể của ngành nông nghiệp trong hơn 2 thập niên qua, với hàng loạt mặt hàng nông sản top đầu thế giới cả về sản lượng, năng suất như lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, khoai mì (sắn) khiến nhiều nước vừa kinh ngạc, vừa khâm phục.

Sự phát triển vượt bậc này, bên cạnh yếu tố con người, việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, trong đó có phân bón đã góp phần đáng kể vào những thành tựu này. Thế nhưng, mặt trái của nó là chất lượng và sự lạm dụng phân bón gây ra nhiều hệ lụy.

Chất lượng thả nổi

Theo Bộ Công thương, hiện cả nước có khoảng 500 cơ sở sản xuất với trên 2.000 chủng loại phân bón khác nhau, trong đó, khoảng 1.700 loại là phân bón hỗn hợp NPK. Nếu phần lớn các loại phân bón hóa học (đơn hoặc kép) như N, DAP, K trong nước sản xuất hay nhập khẩu, nhìn chung có chất lượng thì với các loại phân bón hỗn hợp NPK, phân bón hữu cơ sinh học, hữu cơ khoáng lại có vấn đề gây lo lắng cho người tiêu dùng, trong chừng mực nào đó, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả năng suất cây trồng và môi trường; tạo sự bát nháo trên thị trường làm nông dân hoa cả mắt khi không biết sản phẩm nào uy tín vì có quá nhiều nhãn hiệu.

Chỉ riêng một địa phương thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong “mùa tiếp thị” đã có hơn 70 đơn vị đến đăng ký để được xếp lịch hội thảo.

Liên tục được mời tham dự hội thảo nên nông dân cũng phải “chạy sô”. Trong khi nhiều lãnh đạo xã hay ấp không còn lạ khi có DN mới đến đặt vấn đề mà hỏi thẳng, có tính chuyện làm ăn lâu dài hay chủ yếu đến bán hàng kém chất lượng rồi biến mất.

Vì vậy, bên cạnh việc lo ngại về các loại dịch bệnh cây trồng, nông dân còn thêm nỗi lo chất lượng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là ở vùng sâu những tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ.

Bởi tình trạng phân bón nhái nhãn mác nhập khẩu, nguyên liệu chủ yếu là đất sét, bột cao lanh, bột gạch, bột đá… hàm lượng Kali, SA, DAP rất thấp so với các thông số ghi trên bao bì.

Vì điều này, Hiệp hội Phân bón Việt Nam các năm qua đã nhiều lần cảnh báo, không ít DN lợi dụng việc giới thiệu từ các hội, đoàn thể trung ương, tỉnh để về địa phương tổ chức “hội thảo tại quán cà phê”, biếu mỗi người đến dự vài túi phân bón mẫu về dùng, nhưng khi mua nhiều thì cà phê, hồ tiêu, bắp rụng lá chết hàng loạt.

Trưởng thôn Suối Tre, xã Ea po, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông, anh Nguyễn Văn Hài bức xúc cho biết, nhiều DN qua giới thiệu Hội Nông dân tỉnh về các xã tổ chức hội thảo, mỗi năm lên đến hàng chục đơn vị, đến mức bà con không còn muốn tham gia trong khi nông dân thật sự có nhu cầu mua các loại phân bón và thuốc chất lượng, hiệu quả.

Đồng tâm trạng này, anh Nguyễn Hữu Châu, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk cho biết, sự bát nháo trong tiếp thị các loại phân hữu cơ hay phân bón lá làm người dân hoang mang vì quá nhiều trường hợp bị lừa đảo. Trở thành nỗi bức xúc của người dân nông thôn.

Trước tình trạng này, những DN làm ăn lâu dài không còn mặn mà với việc “hội thảo” nữa mà âm thầm xây dựng mô hình trên các loại cây trồng ở nhiều địa phương, hướng dẫn sử dụng hợp lý không chỉ phân bón mà cả việc quản lý quy trình cây trồng sao cho hiệu quả nhất để nông dân có thể “mắt thấy” trên đồng ruộng hơn là chỉ có “tai nghe” mấy lời giới thiệu. Nhưng những trường hợp này chưa nhiều.

Con dao hai lưỡi

Theo tổ chức Lương Nông của Liên hiệp quốc - FAO, phân bón quyết định 50% tổng lượng nông sản tăng thêm, ở Việt Nam, trung bình phân bón làm tăng 35% tổng lượng nông sản.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cho biết, bón phân cân đối, hợp lý còn làm tăng chất lượng nông sản, như tăng hàm lượng chất khoáng, protein, đường và vitamin cho sản phẩm.

Những thành tựu đáng kể của ngành trồng trọt nhờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là phân bón đã giúp nông dân có cuộc sống khá hơn, đặc biệt là nông dân trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu… Thế nhưng, phân bón như con dao hai lưỡi.

Nếu thiếu chất dinh dưỡng hoặc bón quá nhiều hay bón không cân đối cũng làm giảm năng suất và chất lượng nông sản. Nói cách khác, bón phân không hợp lý, không đúng kỹ thuật có thể làm đất xấu đi hoặc gây ô nhiễm môi trường. Phân hữu cơ tạo ra nhiều các chất như Metan (CH4), Carbonic (CO2), Nitrat Amonium NH3NO3; phân vô cơ tạo ra nhiều đạm thể khí làm đất trở nên độc với cây trồng và ô nhiễm không khí, nguồn nước.

Hiện nay việc sử dụng phân bón ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết và hạn chế. Đó là sự lãng phí lớn lượng phân bón do nông dân lạm dụng quá mức cần thiết làm chi phí giá thành đội lên; trong khi đó, do khả năng hấp thụ của các loại cây trồng với phân bón còn nhiều hạn chế. 40% lượng phân đạm, 50% phân Kali và 60% lượng phân lân khi bón vào cây bị rửa trôi theo dòng nước.

Nếu độc canh hay thâm canh mà lạm dụng phân bón hóa học lâu dài sẽ làm đất bị suy thoái, gây ra hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất do kỹ thuật canh tác chưa hợp lý. Hơn nữa, việc quay vòng cây trồng quá nhiều trong năm khiến cho đất không có thời gian “nghỉ ngơi” nên mất cân bằng dinh dưỡng… điều này dẫn đến tình trạng trong đất xuất hiện các triệu chứng về nguyên tố dinh dưỡng giới hạn, có thể là giới hạn thiếu hay giới hạn thừa.

Việc sử dụng quá nhiều phân đạm (N) làm tăng dần sự mất cân đối giữa các dưỡng chất trong đất, dẫn đến việc hạn chế năng suất và chất lượng nông sản. Hơn nữa, việc sử dụng quá cao lượng phân đạm sẽ gây khó khăn trong việc bảo quản nông sản, cũng như việc tích lũy hàm lượng NO3 trong rau và các loại cây thực phẩm sẽ là nguy cơ đe dọa đến sức khỏe con người, vật nuôi.


Related news

noi-niem-tren-dat-ca-phe Nỗi Niềm Trên Đất Cà… ho-tro-lai-suat-den-100-nham-giam-ton-that-trong-nong-nghiep Hỗ Trợ Lãi Suất Đến…