Tin thủy sản Làm gì để thủy sản không phải lo về điện?

Làm gì để thủy sản không phải lo về điện?

Author Bảo Bình - Mai Trường, publish date Thursday. July 13th, 2017

Nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng khi ngành thủy sản ngày càng phát triển. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn điện ổn định cho ngành này hết sức cần thiết.

Thiếu điện, người nuôi tôm phải chạy máy phát   Ảnh: Thanh Ngân

Nỗi lo thiếu điện

Là một trong những tỉnh trọng điểm nuôi tôm khu vực ĐBSCL, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở Sóc Trăng đã tăng đột biến, làm gia tăng nhu cầu sử dụng điện năng lên gấp 5 - 6 lần, gây ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại những vùng nuôi tôm trong tỉnh. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh Sóc Trăng chỉ có 25.600 ha nuôi tôm nước lợ thì đến năm 2016 diện tích thả nuôi tăng lên gần 55.000ha, đẩy nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, gây ra tình trạng nguồn điện thiếu hụt trầm trọng.

Không đủ điện cho sản xuất, nhiều hộ nuôi tôm phải sử dụng máy dầu với chi phí rất cao, nên không ít hộ sử dụng cả đường dây điện sinh hoạt để kéo mô tơ chạy quạt ôxy, làm mất an toàn lưới điện và làm cho tình trạng thiếu điện càng trở nên nghiêm trọng. Ông Tăng Văn Xúa, HTX Nuôi tôm Hòa Nghĩa (thị xã Vĩnh Châu), nhớ lại: “Mấy năm đầu nuôi tôm thẻ khó nhất là không đủ điện để chạy quạt ôxy, phải chạy bằng máy dầu, chi phí tốn gấp 3 - 4 lần, nên nhiều hộ làm liều kéo điện sinh hoạt ra tận ao, khiến các thiết bị sử dụng điện trong nhà gần như không hoạt động được vì không đủ điện”.

Trong chế biến thủy sản, lượng điện tiêu thụ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố: Quy trình chế biến, tuổi thọ của thiết bị, hoạt động bảo trì, mức độ tự động hóa, yêu cầu các loại sản phẩm đang được sản xuất và sự quản lý của mỗi nhà máy. Mức tiêu thụ điện trung bình cho các hoạt động sản xuất trong nhà máy chế biến thủy sản dao động 57 - 2.129 kWh/tấn nguyên liệu và 324 - 4.412 kWh/tấn sản phẩm. Trong đó, mức tiêu thụ điện cho hệ thống lạnh cấp đông là lớn nhất. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) ước tính, mức tiêu thụ điện của ngành chế biến chiếm hơn 1% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước. Cả nước có 633 nhà máy chế biến thủy sản, tính bình quân tổng chi phí năng lượng tiêu thụ của một nhà máy chế biến tôm, cá trong khâu cấp đông, trữ đông và làm đá chiếm trên 70% điện năng. Do đó, trong chuỗi giá trị sản phẩm, chi phí năng lượng đứng hàng thứ 3 sau nguyên liệu và công lao động. Đại diện Công ty CP Thủy sản Minh Hải (Cà Mau) cho biết, hiện nay, chi phí năng lượng sử dụng trong sản xuất chế biến thủy, hải sản, nhất là đối với hệ thống làm lạnh chiếm khoảng 70% tổng năng lượng tiêu thụ của doanh nghiệp. Với 3 nhà máy chế biến tôm của Công ty, tiền điện lên đến gần 1 tỷ đồng/tháng. Vì vậy, nhu cầu đầu tư cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp được đặc biệt chú trọng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng kỹ thuật và ứng dụng, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Cần Thơ cho biết, khảo sát tại 26 doanh nghiệp chế biến thủy sản (gồm 20 doanh nghiệp chế biến cá tra và 6 doanh nghiệp chế biến tôm) trên địa bàn Cần Thơ, mức tiêu thụ năng lượng bình quân để sản xuất 1 kg cá tra là 1,55 kWh; với 1 kg tôm là 1,53 kWh. Tiêu thụ năng lượng điện trong ngành thủy sản như hiện nay là khá cao và điều này phụ thuộc vào công nghệ, cách thức vận hành và quy trình sản xuất.

Cấp bách tìm giải pháp

Do việc mở rộng diện tích nuôi tôm khá lớn cùng với đó là ứng dụng công nghệ mới nên công suất xử dụng điện tăng cao. Theo thống kê, đa số các hộ nuôi tôm công nghiệp hiện nay đang sử dụng chính nguồn điện thắp sáng hoặc dầu để chạy động cơ kéo quạt nước cung cấp ôxy cho con tôm. Việc này sẽ dẫn đến những hệ quả không tốt. Nếu sử dụng nguồn điện sinh hoạt để nuôi tôm sẽ gây quá tải lưới điện khu vực và không đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải của việc nuôi tôm công nghiệp. Nếu sử dụng dầu để chạy động cơ kéo thì sẽ làm tăng thêm giá thành sản xuất so với sử dụng điện.

Đại diện Công ty CP Trường Sơn (Thừa Thiên - Huế) cho biết, đơn vị đã chủ động thực hiện việc tiết kiệm điện trong sản xuất bằng việc sử dụng con lăn cho cánh quạt, giúp toàn bộ quạt nước được nhẹ nhàng hơn, bớt ma sát tới 95% so trước đây; Từ động cơ motor 5HP, chỉ cần sử dụng 3HP sau khi lắp thêm con lăn cho dàn quạt, từ 3HP giảm xuống 2HP. Thực hiện các giải pháp này, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được 10% lượng điện năng tiêu thụ, đồng thời tuyệt đối an toàn và không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh (ECC HCMC), chi phí năng lượng chiếm hơn 9% trong chi phí nuôi tôm (trong đó 90% là từ hệ thống quạt nước) và chiếm 15 - 20% trong chế biến tôm. Giải pháp công nghệ đầu tư hệ thống điện mặt trời là có tiềm năng lớn và được nhiểu chủ hộ nuôi tôm mong muốn lắp đặt. Cùng đó, ECC HCMC cũng đưa ra một số giải pháp tiết kiệm điện như giải pháp chiếu sáng, việc thay đèn T8 bằng đèn Led 18W có thể giúp tiết kiệm 60 - 65% năng lượng, thay đèn compact bằng đèn Led downlight có thể giúp tiết kiệm 50 - 55% năng lượng...; Giải pháp hệ thống lạnh, việc thay thế hệ thống lạnh hiệu suất thấp sang hệ thống lạnh hiệu suất cao có thể giúp tiết kiệm 10 - 30% năng lượng; Giải pháp điều hòa không khí, việc thay thế điều hòa không khí hiệu suất thấp sang điều hòa không khí inverter giúp tiết kiệm 30 - 40% điện năng tiêu thụ,

Để tiết kiệm điện trong sản xuất thủy sản, Công ty Lưới điện cao thế miền Trung (chi nhánh Phú Yên) cũng đưa ra giải pháp “Nâng cao hiệu quả trong việc cung cấp và sử dụng điện tại khu vực đầm, hồ nuôi tôm”; đó chính là việc dùng bộ tụ bù và điều khiển động cơ điện, giúp tích hợp các chức năng kỹ thuật nhằm giảm tiêu hao điện năng, an toàn cho động cơ và người sử dụng. Giải pháp này là sự kết hợp giữa nguồn AC và DC có tụ làm “kho điện tạm thời” để thực hiện việc điều khiển đóng ngắt an toàn cho các động cơ điện 3 pha thông qua nút nhấn bằng contactor. Khi sử dụng contactor điều khiển như giải pháp đề ra, nếu điện lưới bị mất điện rồi có lại sẽ không xảy ra hiện tượng khởi động lại, đồng thời dễ dàng tích hợp bảo vệ để tự động ngắt động cơ ra khỏi lưới khi bị sự số.

>> Để đảm bảo việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng cần áp dụng công nghệ mới trong xử lý ao nuôi theo hướng thân thiện với môi trường. Còn trong chế biến thủy sản, giải pháp được đưa ra như: Thu hồi nhiệt từ hệ thống lạnh để sản xuất nước nóng; Sử dụng trực tiếp nước lạnh thay cho nước đá vảy và nước; Thay thế máy nén lạnh hiệu suất năng lượng cao.


Related news

giai-phap-phong-tru-dich-benh-tren-tom Giải pháp phòng trừ dịch… kinh-nghiem-nuoi-ca-chim-vay-vang Kinh nghiệm nuôi cá chim…