Mô hình kinh tế Làm Gì Để “Vực” Nghề Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Quảng Trị?

Làm Gì Để “Vực” Nghề Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Quảng Trị?

Publish date Wednesday. November 14th, 2012

Bao đời nay đời sống của người dân tại các vùng ven biển Quảng Trị nói chung và xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong nói riêng chủ yếu dựa vào nghề biển. Từ năm 2008, khi phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng rộ lên với nhiều gia đình trúng tiền tỷ từ con tôm thì giấc mơ đổi đời từ tôm đã có sức hút mạnh mẽ đối với người dân. Nhiều gia đình đã bỏ nghề đi biển để đầu tư tiền bạc, công sức vào nuôi tôm. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi tôm cũng chỉ trúng vài vụ đầu, đến nay do dịch bệnh tràn lan đã khiến hàng trăm hộ gia đình nơi đây lâm vào cảnh nợ nần.

“Treo” hồ, “ôm” nợ vì tôm

Từ năm 2008, sau khi một số hộ dân trong và ngoài xã đầu tư nuôi thí điểm tôm thẻ chân trắng trên 6 hồ với diện tích khoảng 2,5 ha đã thu được lợi nhuận lên đến hàng tỷ đồng/năm/hộ đã khiến phong trào nuôi tôm ở xã Triệu Lăng rộ lên. Cũng từ thời điểm này, người dân trong xã đã bắt đầu ồ ạt đổ xô theo “cơn sốt tôm thẻ chân trắng”. Hàng loạt gia đình quyết định “treo” thuyền bè, ngư lưới cụ, bỏ đi biển để đầu tư tiền của đào hồ, kéo lưới điện và mua các dụng cụ để nuôi tôm, bất chấp sự khuyến cáo, lo ngại của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Từ 6 hồ nuôi tôm ban đầu vào năm 2008 đã tăng vụt lên lên 90 hồ vào năm 2010 rồi tiếp tục tăng lên 130 hồ vào năm 2011...

Số diện tích hồ nuôi tôm tăng nhanh khiến không khí nuôi tôm ở các làng chài trở nên sôi động nhưng cũng ẩn chứa nhiều bất ổn, lo lắng. Được biết, trong tổng số khoảng 1.200 hộ dân của toàn xã Triệu Lăng thì chỉ có 223 hộ nghèo không có khả năng nuôi tôm mới đành đứng ngoài cuộc còn phần lớn những hộ còn lại đều đổ xô tham gia nuôi tôm thẻ chân trắng. Trước hấp lực “siêu lợi nhuận” từ nghề nuôi tôm, nhiều gia đình đã bất chấp rủi ro khi bằng mọi giá vay mượn tiền, hùn hạp vốn với bà con, bạn bè từ nơi khác, thậm chí thế chấp sổ đỏ, vay “nóng” với lãi suất cao để có tiền nuôi tôm...

Những vụ đầu mới nuôi nhiều gia đình đã trúng đậm, thu tiền tỷ từ con tôm. Tỷ lệ hộ nuôi tôm thu lãi hàng trăm triệu đồng từ nuôi tôm cũng chiếm phần lớn đã khiến người dân tin tưởng rằng nghề nuôi tôm sẽ giúp họ đổi đời. Thế nhưng không đơn giản như suy nghĩ của nhiều người, nghề nuôi tôm cũng bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn, thử thách.

“Đầu năm 2010 phong trào nuôi tôm của xã rất rầm rộ, ai cũng hào hứng và tin tưởng nuôi tôm sẽ thắng lợi lớn nhưng đến cuối năm thì tôm cũng bắt đầu ngã bệnh hàng loạt. Nhiều gia đình mất trắng chỉ sau một đêm bởi tôm mắc bệnh chết nhiều. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng và khuyến cáo người dân nên tuân thủ đúng quy trình nuôi, nhờ người có chuyên môn hướng dẫn nuôi, trị bệnh nhằm hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu cho đến nay”, ông Trần Mai Son, Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng cho biết.

Nguyên nhân tôm bị dịch bệnh cũng được chỉ ra bởi nhiều yếu tố. Đó là việc người dân ồ ạt nuôi tôm trong khi không nhiều người am hiểu về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng, không kiểm định được chất lượng, nguồn gốc con giống, nguồn thức ăn, các biện pháp phòng và trị bệnh cho tôm, vấn đề bảo vệ môi trường hồ nuôi cũng không được coi trọng...

Và hệ quả tất yếu của phong trào nuôi tôm vội vàng, ồ ạt đã khiến người dân phải trả giá. Hàng loạt hồ nuôi tôm trên địa bàn bị dịch bệnh đã phải trắng tay, đồng nghĩa với việc “ôm” nợ số tiền từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng từ việc đầu tư thức ăn, thuốc phòng trị bệnh cho tôm, chi phí đầu tư hồ nuôi... Nhiều gia đình vì không có khả năng trả nợ đã phải “treo” hồ, hoặc gán hồ trả nợ cho các chủ nợ, các đại lý thức ăn... Hàng chục hộ nuôi tôm khác dù không bị gán nợ bằng tài sản nhưng cũng lâm vào cảnh nợ nần từ 30 - 50 triệu đồng, có hộ lên đến 100 - 150 triệu đồng (chủ yếu nợ đại lý thức ăn, ngân hàng và người thân)...

Cũng theo ông Trần Mai Son, Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng thống kê của xã cho thấy, hiện tại chỉ có khoảng 30 - 35%/tổng số 1.000 hộ nuôi là có lãi, còn lại chỉ ở mức hoà vốn và thua lỗ. Qua rà soát, hiện tại trên địa bàn xã đã có khoảng 40% diện tích hồ nuôi tôm đã bị bỏ hoang hoặc bị “treo” nhiều vụ liên tục do thua lỗ.

Tiếp xúc với chúng tôi, anh V.Đ.H ở thôn 2, xã Triệu Lăng buồn bã cho biết: “Năm 2009 gia đình tôi bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 0,5 ha. 3 vụ nuôi đầu gia đình tôi có lãi khoảng 500 triệu đồng. Thấy “dễ ăn”, tôi quyết định đầu tư mở rộng ao hồ nhưng không ngờ lại thất bại do dịch bệnh liên tục xảy ra. Nhìn tôm chết đỏ hồ nhiều lúc cũng muốn bỏ nuôi cho khoẻ nhưng vì gánh nặng nợ nần và đặc biệt là không nỡ nhìn tài sản, công sức đã đầu tư mà giờ bỏ hoang lãng phí nên tôi quyết tâm nuôi thêm để gỡ gạc. Nhưng đâu ngờ 4 vụ nuôi liên tiếp sau đó tôi đều thất bại nên giờ phải “treo” hồ, phải mang máy móc vào phơi nắng mưa còn khoản nợ hơn 50 triệu đồng thì vẫn chưa trả được”. Không riêng gì gia đình anh H., hàng trăm hộ gia đình nuôi tôm thẻ chân trắng nơi đây cũng lâm vào tình cảnh nợ nần.

Thực tế cho thấy vụ nuôi năm 2011, số hộ có lãi trên 100 triệu đồng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, những hộ may mắn hơn thì lãi vài chục triệu đồng hoặc hoà vốn. Còn vụ nuôi năm 2012, tuy vẫn chưa có thống kê cụ thể nhưng tình hình nuôi tôm trên địa bàn vẫn lâm vào cảnh ảm đạm. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đ.V.H, một người nuôi ở thôn 1 xã Triệu Lăng đã may mắn trúng đậm vụ tôm mới đây nhất cho biết: “Vụ vừa rồi tôi nuôi 3 hồ với diện tích khoảng 1,3 ha, nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật, không bị dịch bệnh nên đã thu hoạch được 14 tấn tôm, bán được 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên do chi phí đầu tư quá cao nên cũng chỉ lãi được chừng 200 triệu đồng, chưa đủ trang trải nợ nần những vụ thất bại trước. Như gia đình tôi là may mắn lắm mới được thế, chứ tình hình nuôi tôm hiện giờ rất bấp bênh”. Không riêng gì người dân xã Triệu Lăng, hiện tại nhiều người nuôi tôm ở các xã biển bãi ngang của các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh cũng lâm vào cảnh khó khăn bởi dịch bệnh...

Bao giờ nuôi tôm bền vững?

Nghề nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng cát đã mở ra cơ hội làm giàu chính đáng cho người dân là điều không thể phủ nhận. Và thực tế, đã có thời điểm người dân thu được lợi nhuận rất cao từ con nuôi này vào những vụ đầu. Thế nhưng vì sao việc nuôi tôm ngày càng gặp khó khăn và vấn đề đặt ra là cần phải giải quyết thế nào để việc nuôi tôm thẻ chân trắng mang tính bền vững, lâu dài?

Thực tế, nguyên nhân của việc nuôi tôm thẻ chân trắng bị dịch bệnh hoành hành là điều dễ nhận thấy. Điều này có thể nhận thấy ngay tại các khu hồ nuôi của bà con. Trừ một số khu nuôi tôm lớn của các công ty được đầu tư quy mô, khoa học và có hệ thống xử lý nước thải tốt thì vấn đề môi trường cơ bản được đảm bảo, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm, dịch bệnh còn lại các hồ nuôi nhỏ lẻ, tự phát của người dân thì vấn đề về môi trường không mấy được quan tâm.

Chính vấn đề môi trường không được đảm bảo là yếu tố hàng đầu gây nên dịch bệnh, ủ bệnh và là môi trường lan truyền bệnh nhanh nhất giữa các hộ nuôi.... từ đó gây nên tình trạng dịch bệnh xảy ra hàng loạt, dây chuyền, khó kiểm soát. Đi thực tế tại nhiều khu vực nuôi tôm của người dân, chúng tôi ghi nhận nhiều tuyến kênh mương xả nước thải tại các hồ nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi nồng nặc... đặc biệt, nhiều đường ống, mương xả nước thải được đấu thẳng ra biển. Và vòng tuần hoàn của nguồn nước thải trong hồ nuôi ra biển, sau đó được bơm ngược vào hồ là nguyên nhân gây bệnh cho tôm mà nhiều người không lường hết hậu quả. Chính vì lẽ đó, yếu tố môi trường cần được người dân quan tâm đặt lên hàng đầu.

Về vấn đề con giống và nguồn thức ăn, người dân cần phải thận trọng tìm hiểu kỹ, thông qua các đầu mối tin cậy, đảm bảo vì thực tế vào thời điểm người dân ồ ạt nuôi tôm, có một lượng lớn tôm giống, thức ăn không đảm bảo chất lượng đã được nhập về cung ứng cho bà con. Đây cũng là nguyên nhân của việc phát sinh dịch bệnh cho tôm, gây thiệt hại lớn cho người dân. Vấn đề tập huấn, hướng dẫn người dân trong việc nuôi tôm, phòng trị bệnh cũng cần được cơ quan chức năng hỗ trợ, thực hiện một cách thường xuyên, sát sao, nghiêm túc...

Về lâu dài, để việc nuôi tôm bền vững, thiết nghĩ tại địa bàn tỉnh Quảng Trị cần có một trại trung chuyển giống phù hợp để có thể kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng cũng như thử độ thích nghi của tôm giống đối với đặc điểm từng vùng nuôi của địa phương... Người nuôi tôm cũng cần thực hiện nghiêm túc trong vấn đề đảm bảo môi trường hồ nuôi và khu vực xung quanh cũng như việc liên kết thành lập các tổ, nhóm hộ nuôi để thuận lợi cho việc trao đổi kinh nghiệm nuôi tôm. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu vực nuôi tôm của người dân nhằm hạn chế xảy ra dịch bệnh...

Nếu thực hiện tốt các khâu trên, hy vọng rằng nghề nuôi tôm sẽ sớm được hồi sinh và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng cát vốn còn nhiều khó khăn.


Related news

ca-tra-cham-dut-canh-tha-troi-san-luong Cá Tra, Chấm Dứt Cảnh… da-lat-co-ca-rot-dat-chuan Đà Lạt Có Cà Rốt…