Làm giá thể thủy canh bằng nguyên liệu sẵn có
Thạc sỹ Trần Văn Hải - Trung tâm Đào tạo, Tư vấn và Chuyển giao công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - cho biết, nhiều nguyên liệu sẵn có của chúng ta có thể dùng làm giá thể cho thủy canh.
Hệ thống trồng rau thủy canh sử dụng giá thể hữu cơ của thạc sỹ Trần Văn Hải. Ảnh: Anh Sa
Đọc bài “Vật tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Máng tưới, giá để cây cũng phải nhập khẩu” trên Khoa học và Phát triển số 932, một số độc giả liên hệ với tác giả bày tỏ ý kiến về vấn đề giá thể để trồng rau thủy canh, rằng tại sao Việt Nam có rất nhiều nguyên liệu có thể dùng làm giá thể mà chưa được tận dụng tốt.
Trao đổi về vấn đề này, thạc sỹ Trần Văn Hải - Trung tâm Đào tạo, Tư vấn và Chuyển giao công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - thừa nhận, nhiều nguyên liệu sẵn có của chúng ta có thể dùng làm giá thể cho thủy canh. Tuy nhiên, một số nguyên liệu như xơ dừa, trấu hun, đất nung... khi được dùng làm giá thể cũng bộc lộ nhiều nhược điểm nếu không xử lý tốt.
“Chẳng hạn, trong xơ dừa - một loại giá thể không chứa chất dinh dưỡng cho cây - có dầu và nếu không xử lý tốt thì khi được sử dụng, nó tạo thành màng ngăn cách giữa bề mặt phía trên của nước với phía dưới nước, tạo nên hiện tượng ngăn cách ôxy, khiến cây kém phát triển. Ngoài ra, xơ dừa dễ hoai mục sau vài lần sử dụng, không có tính thoát nước tốt. Thường người ta sử dụng xơ dừa kết hợp với các giá thể khác để tối đa hóa kết quả” - thạc sỹ Hải nói.
Việc vỏ trấu làm giá thể cũng vấp phải thách thức là trong trấu có gai xylic - một chất khó phân hủy. Vấn đề vi sinh vật gần như không xử lý được. Khi cháy, trấu tạo thành tro với hàm lượng kali cao, dễ dẫn tới hiện tượng mất cân đối trong thành phần dinh dưỡng, khiến cây bị phú dưỡng, mắc bệnh.
Còn nếu sử dụng đất nung làm giá thể trồng cây thủy canh, đất sẽ bị nhũn ra, vỡ kết cấu, tạo thành lớp váng bề mặt (trong nông nghiệp gọi là hiện tượng bí cổ rễ) làm cây bị vàng, héo úa và chết do thiếu ôxy.
Là một chuyên gia đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thành công mô hình trồng cây thủy canh hữu cơ, thạc sỹ Hải cho biết, loại giá thể hữu cơ sử dụng trong hệ thống của ông được làm từ phân đại gia súc, có chất độn như mùn cưa (đã xử lý 45 ngày), rơm rạ (đã xử lý 45 ngày), xơ dừa (đã xử lý 45 ngày) và phụ phẩm của quá trình sản xuất nấm (tận dụng các bịch phôi nấm sau khi đã được sử dụng để trồng nấm).
Từng nguyên liệu được trộn với chế phẩm vi sinh rồi đem ủ, sau đó đem ra phối trộn rồi lại ủ thêm một thời gian để tạo ra giá thể, có thể sử dụng trong hệ thống thủy canh. Loại giá thể này có ưu điểm là dẫn nước, hút nước tốt, lúc nào cũng ẩm nên không gây đóng váng, càng để lâu càng hoai mục, tơi xốp và có nhiều giá trị dinh dưỡng.
“Không những thế, giá thành của loại giá thể này vô cùng rẻ, chỉ bằng 50% so với các loại giá thể chuyên dụng, lại góp phần giải quyết bài toán môi trường cho các làng nghề nuôi trồng nấm thương phẩm” - ông Hải nói.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao