Tin nông nghiệp Làm giàu bằng hệ thống trồng rau thủy canh hồi lưu

Làm giàu bằng hệ thống trồng rau thủy canh hồi lưu

Author Đinh Văn Nhiều, publish date Tuesday. July 31st, 2018

Dù không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng với sự táo bạo, sáng tạo của mình, anh Nguyễn Quốc Phong, sinh năm 1985, ngụ tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã thiết kế thành công mô hình "rau sạch nhà phố", với hệ thống trồng rau thủy canh hồi lưu cho các hộ dân tại thành phố Đà Nẵng.

Anh Nguyễn Quốc Phong kiểm tra một vườn rau thủy canh tại quận Sơn Trà.

Mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu cho bản thân mà còn hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao ngay tại hộ gia đình. 

Từng là một kỹ sư công nghệ thông tin với thu nhập 25 triệu đồng/tháng, năm 2016, anh Phong xin nghỉ việc đã khiến nhiều người bất ngờ. Anh Phong chia sẻ, lúc đầu, nhiều người gọi anh là "Phong khùng" bởi công việc của anh đang là niềm mơ ước của rất nhiều người, trong khi đó sản xuất nông nghiệp có nhiều rủi ro. 

Theo anh Phong, hiện nay, người tiêu dùng đang lo ngại về thực phẩm không an toàn, nhất là tồn dư chất bảo quản thực vật, vì vậy, việc xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao chính là hướng đi tất yếu nhằm tạo ra những mặt hàng an toàn cung cấp đến tận tay người tiêu dùng. Ban đầu, anh Phong có ý tưởng đầu tư mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên những diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang tại Đà Nẵng nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp nên anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu hệ thống trồng rau thủy canh hồi lưu. 

Anh Phong cho biết, thực tế cho thấy, tại Đà Nẵng, quá trình đô thị hóa đã khiến phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nên việc mở rộng mô hình sản xuất này theo hướng trang trại là rất khó, do đó, việc xây dựng hệ thống trồng rau thủy canh hồi lưu trên diện tích nhỏ là ý tưởng khả thi. Sản phẩm được làm ra theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ ngay tại hộ gia đình nên giữ được độ tươi và chất dinh dưỡng của sản phẩm. 

Để thực hiện mô hình này, anh Nguyễn Quốc Phong đã tự tìm tòi thông tin qua mạng và thực hiện nhiều chuyến tham quan các mô hình trồng rau thủy canh tại thành phố Đà Lạt, Tp. Hồ Chí Minh. Từ những chuyến đi thực tế, anh Phong dần nắm được các khâu trong quy trình sản xuất rau sạch: thiết kế nhà lưới; thiết kế bể dinh dưỡng, chọn giống, kỹ thuật chăm sóc; việc điều tiết các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng đến khi cho ra sản phẩm. 

Một vườn rau thủy canh tại quận Sơn Trà do anh Phong thiết kế.

Sau thử nghiệm thành công tại nhà, tháng 9/2016, anh Phong đã bắt tay vào triển khai mô hình "rau sạch nhà phố", với hệ thống trồng rau thủy canh hồi lưu cho hai người bạn thân, trên diện tích gần 10 m2 để trồng những loại rau ngắn ngày như rau xà lách, rau cải... Sau khi lắp đặt, anh Phong tự tay cung cấp giống cây con, kiểm tra dinh dưỡng và bảo trì hệ thống định kỳ cho khách hàng. Chỉ sau hơn 3 tháng thử nghiệm, hai người bạn thân rất hài lòng với mô hình của anh Phong. 

Nói về ưu thế của mô hình này, anh Phong cho biết, rau thủy canh là một sản phẩm nông nghiệp sạch, vì được trồng trong nhà lưới khép kín, chất dinh dưỡng được hòa tan trong nước để cây hấp thụ nên hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc trừ sâu và chất bảo quản thực vật. Trong điều kiện không có sâu bệnh, nguồn dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ, rau sẽ phát triển nhanh và cho năng suất cao. Đặc biệt, rau được trồng trên hệ thống giàn thủy canh và trồng bằng xơ dừa nên rất phù hợp với các hộ gia đình tại các nơi đô thị không có diện tích đất sản xuất.

Bước đầu thành công từ mô hình, cuối tháng 12/2016, anh Phong đã thành lập lên Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp đô thị H2O Farm Việt Nam. Đến nay, anh Phong đã triển khai lắp đặt được trên 40 mô hình "rau sạch nhà phố" và 3 mô hình lớn với diện tích 2.000 m3. Chỉ hơn 1 năm thực hiện mô hình, trừ chi phí anh Phong thu lãi khoảng 300 triệu đồng; đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động, với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. 

Theo anh Phong, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phù hợp hơn với khí hậu khắc nghiệt của miền Trung; đồng thời sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho những người có ý tưởng lập nghiệp bằng mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu. Trước mắt, công ty sẽ khảo sát các diện tích đất trên địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) để xây dựng mô hình điểm để khách hàng đến tham quan tìm hiểu mô hình. 

Về lâu dài, anh Phong sẽ phát triển hệ thống rau sạch trên nền công nghệ IOT (Internet of Things), đưa tính năng theo dõi và chăm sóc rau bằng điện thoại thông minh (smartphone). Thông qua ứng dụng được cài đặt trên hệ điều hành Android hoặc iOS, khách hàng có thể bật, tắt các thiết bị như máy bơm, tưới phun sương, kéo rèm che nắng và theo dõi các thông số như cường độ ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm giá thể, lượng dinh dưỡng chỉ với một vài thao tác trên điện thoại.


Related news

hieu-qua-tu-mo-hinh-chan-nuoi-lon-bang-che-pham-sinh-hoc Hiệu quả từ mô hình… dua-dua-de-trong-nang-suat-cao-khong-phai-lo-dau-ra Dừa dứa dễ trồng, năng…