Tin thủy sản Làm giàu từ nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi

Làm giàu từ nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi

Author Khánh Phúc, publish date Saturday. March 3rd, 2018

Hầu hết người dân ở vùng nông thôn đều sống dựa vào ruộng vườn là chính. Nhưng để vươn lên làm giàu chính đáng, nhiều người đã mạnh dạn lựa chọn cho mình những hướng đi và lĩnh vực mới để đầu tư phát triển. Ông Nguyễn Hữu Tình (59 tuổi, ngụ thôn Tiến Thắng, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên) đã chọn nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi để phát triển kinh tế và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao của ông Nguyễn Hữu Tình. Ảnh: Khánh Phúc

Trong chuyến công tác về 3 huyện phía Nam, chúng tôi đã tìm về xã Gia Viễn (huyện Cát Tiên) để được tận mắt chứng kiến mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi Đắk Lô của ông Nguyễn Hữu Tình, người duy nhất trong huyện nuôi cá lồng. Cũng vì thế, cái tên ông Tình “cá lồng” là biệt danh mà người dân địa phương hay dùng để gọi ông.  

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình), năm 1988, ông Tình cùng vợ con khăn gói vào xã Gia Viễn (huyện Cát Tiên) lập nghiệp. Đến vùng đất mới Cát Tiên, cũng như bao hộ dân khác, gia đình ông Tình đã chọn nghề trồng lúa để làm kế sinh nhai. Mặc dù Cát Tiên là một trong những huyện vùng sâu, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ tu chí làm ăn nên gia đình ông Tình được liệt vào hộ khá của địa phương. Sống ở một địa phương mà “Lúa gạo Cát Tiên” đã trở thành thương hiệu của cả tỉnh Lâm Đồng, nhưng đối với những người nông dân  như ông Tình thì để làm giàu bằng chính cây lúa không phải là chuyện dễ dàng. Và rồi, “cái duyên” làm giàu từ nghề nuôi cá lồng đã đến với gia đình ông. Ông Tình tâm sự: “Cứ nói đến chuyện phát triển kinh tế gia đình để làm giàu bằng chính đôi tay của mình là tôi ham lắm. Năm 2013, tôi đấu thầu hợp đồng nhận hồ thủy lợi Đắk Lô để trông coi và đánh bắt cá tự nhiên kiếm thêm thu nhập. Suốt thời gian đánh bắt cá tự nhiên ở hồ, tôi nhận thấy nguồn nước ở đây dồi dào, trong mát rất thích hợp để phát triển nghề nuôi cá lồng. Thấy vậy, tôi đã tìm về sông La Ngà (nơi nổi tiếng với nghề nuôi cá lồng ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm.  Khó khăn bước đầu gặp phải  là đơn vị quản lý  hồ Đắk Lô chỉ ký hợp đồng đấu thầu trông coi từng năm một. Để thực hiện dự định, tôi đã làm đơn trình bày nguyện vọng của mình gửi đơn vị quản lý hồ Đắk Lô và UBND xã Gia Viễn xin đấu thầu hồ Đắk Lô thời hạn 10 năm và được chấp nhận”.

Đầu năm 2016, ông Tình quyết định gom góp vốn và vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư hơn 700 triệu đồng nuôi 20 lồng cá các loại như rô phi, diêu hồng, cá chép và cá trê. Sau 6 tháng chăm sóc, ông Tình đã thu hoạch lứa cá đầu tiên, với trọng lượng cá trung bình đạt từ 1 - 1,5 kg/con. Với kết quả đó, cho thấy điều kiện môi trường nước, khí hậu rất thuận lợi mở rộng mô hình nuôi cá lồng. Công việc nuôi cá lồng cứ thế “ăn nên làm ra” đã tạo điều kiện để gia đình ông mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện nay, mô hình nuôi cá lồng của gia đình ông Tình đã phát triển được 40 lồng cá. “Để có cá thịt cung cấp thường xuyên cho thị trường, gia đình tôi đang chăn nuôi theo hình thức “gối đầu”. Với 40 lồng cá hiện có, trung bình mỗi tháng gia đình tôi xuất bán từ 10 - 12 tấn cá thịt các loại, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường. Hàng tuần, cá được gia đình tôi xuất bán cho hàng chục mối tại Cát Tiên, Bình Phước và Đắk Nông. Với giá bán từ 35 - 45 ngàn đồng/kg,  sau khi trừ tất cả các chi phí đầu tư, gia đình tôi thu được từ 500 - 600 tiền lãi mỗi năm từ nghề nuôi cá lồng. Dự tính trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô lên từ 60 - 80 lồng để nâng cao thu nhập” - ông Tình phấn khởi.

Anh Nguyễn Thế Vụ (con trai ông Tình), người trực tiếp cùng ông Tình chăm sóc đàn cá, cho biết: “Mặc dù nguồn nước ở hồ Đắk Lô rất thích hợp để các loại cá phát triển, tuy nhiên, khi thời tiết thay đổi, do lượng phèn và a xít trong nước tăng nên 2 loại cá gia đình tôi đang nuôi là rô phi và diêu hồng vẫn mắc các loại bệnh như nổ mắt và thối mang. Để phòng các loại bệnh này, gia đình tôi phải thường xuyên dùng vôi để khống chế phèn và a xít; đồng thời, bổ sung các loại vitamin và kháng sinh cho cá. Ngoài ra, gia đình tôi còn đầu tư 30 triệu đồng để mua dàn sục  khí để cung cấp oxy cho cá và thay đổi nguồn nước hàng ngày. Nhờ vậy, hiện đàn cá phát triển rất tốt, ít dịch bệnh”.

Ông Trần Quốc Huy, Chủ tịch UBND xã Gia Viễn (huyện Cát Tiên) cho biết: “Hồ thủy lợi Đắk Lô có diện tích hơn 300 ha và độ sâu trung bình từ 10 - 15 mét nên nguồn nước dồi dào quanh năm. Từ mô hình nuôi cá lồng của ông Nguyễn Hữu Tình cho thấy điều kiện nguồn nước, khí hậu hồ Đắk Lô rất phù hợp để khai thác phát triển nghề nuôi cá lồng cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đây là một mô hình mới và vốn đầu tư lớn nên để nhân rộng cho người dân rất cần được sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành chức năng. Thời gian tới, xã sẽ xem xét kiến nghị các cơ quan cấp trên có hướng để hỗ trợ cho các hộ dân khác có nhu cầu nhân rộng mô hình này”.


Related news

phat-trien-nghe-nuoi-ca-long-be-tren-bien Phát triển nghề nuôi cá… trung-quoc-van-la-ngoi-sao-sang Trung Quốc vẫn là “ngôi…