Tin thủy sản Làm lồng bè, nuôi cá chép giòn trên sông Lam

Làm lồng bè, nuôi cá chép giòn trên sông Lam

Author Thanh Tâm, publish date Thursday. June 6th, 2019

9 xã dọc sông Lam của huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) có tiềm năng phát triển nghề nuôi cá lồng bè. Hiện một số hộ triển khai mô hình nuôi cá trắm, chép giòn trong lồng bè trên sông Lam.

Phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên sông Lam, đoạn qua huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Thanh Tâm

Đầu năm 2018, anh Võ Quang Vận ở xóm 3, xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên) đầu tư 50 triệu đồng làm 70 m2 lồng bè kiên cố để phát triển nghề nuôi cá trên sông Lam.

Lứa đầu tiên anh mua 120 kg giống cá chép và trắm cỏ về thả nuôi theo phương pháp truyền thống. Cá được nuôi trong lồng bè trên sông Lam có nguồn thức ăn tự nhiên là phù du trên sông và được bổ sung thêm cỏ, hèm rượu trộn lẫn với cám ngô, cám gạo nên nhanh lớn. Sau 9 tháng nuôi, trọng lượng cá bình quân đạt 3 kg/con.

Tháng 12/2018, anh Vận thu hoạch được 1.800 kg cá thương phẩm, bán được 180 triệu đồng, trừ tiền giống, thức ăn và khấu hao lồng bè, gia đình anh còn thu lãi gần 100 triệu đồng.

“Trong quá trình tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tôi thấy hiện nay nhu cầu về cá chép, trắm giòn khá lớn và giá thành cũng cao gấp 2-3 lần so với cá truyền thống nên lứa này tôi thử nuôi cá chép giòn. Nếu thành công, sẽ mở ra hướng phát triển mới cho nghề nuôi cá trên sông” - anh Võ Quang Vận cho biết.

Để giúp các hộ nuôi cá lồng bè trên sông nâng cao giá trị sản xuất, năm 2019, UBND huyện Hưng Nguyên đã hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá chép, trắm giòn. Tham gia mô hình, các hộ dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật, hỗ trợ 50% tiền cá giống, tiền thức ăn và thuốc phòng bệnh cho cá.

Cá chép giòn hiện có giá cao gấp 2 - 3 lần so với cá truyền thống. Ảnh: Thanh Tâm

Điểm khác biệt của hình thức nuôi cá truyền thống và nuôi cá chép, trắm giòn chính là thức ăn. Đối với cá chép, trắm giòn, khi cá đạt trọng lượng từ 1 kg trở lên bắt đầu cho cá ăn hạt đậu tằm đã nảy mầm sau khi ngâm 24 giờ trong nước. Đậu tằm có hàm lượng protein đạt 31%, với 8 loại axit amin thiết yếu và 49% hàm lượng tinh bột… Vì vậy, cho cá ăn loại đậu này giúp nâng cao chất lượng, tăng độ dai cơ thịt khiến thịt của cá giòn khác với thịt cá chép bình thường.

Cùng tham gia mô hình nuôi cá trắm, chép giòn trong lồng bè trên sông Lam còn có anh Nguyễn Văn Ngọc ở xóm 9, xã Hưng Lợi có 6 lồng bè nuôi cá với tổng diện tích 180 m2. Hiện nay, trong lồng bè anh Ngọc đang nuôi hàng ngàn con cá trắm đen và chép giòn.

Thời gian đầu thả giống, vẫn được nuôi theo phương thức truyền thống, khi trọng lượng đạt từ 1 kg thì anh Ngọc bắt đầu mua hạt đậu tằm về ủ mầm cho cá ăn để chuyển giòn. Đến nay sau 2 tháng cho ăn đậu tằm trọng lượng cá đã đạt từ 1,5-2 kg/con.

“Tôi thấy cách nuôi này cá rất nhanh lớn, thịt ngon, cá nuôi trong lồng trên sông sẽ ngon hơn nuôi trong ao đất, vì nước luôn chảy nên sạch hơn. Nếu đợt này nuôi thành công, thời gian tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình” - anh Nguyễn Văn Ngọc cho hay.

Hộ nuôi kiểm tra quá trình phát triển của cá chép giòn trên sông Lam. Ảnh: Thanh Tâm

Sau 2 tháng triển khai, đến nay mô hình nuôi cá trắm, chép giòn trong lồng trên sông Lam ở Hưng Nguyên bước đầu đã cho kết quả khả quan. Khoảng 3 tháng nữa các hộ sẽ thu hoạch và xuất bán. 

Bà Bá Thị Dung - Phó trưởng phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: “Địa bàn huyện có 23 km sông Lam chạy qua, để khai thác tốt tiềm năng phát triển nuôi cá đặc sản, năm 2019 huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 mô hình nuôi cá trắm, chép giòn tại xã Hưng Khánh và Hưng Lợi. Mô hình thực hiện thành công huyện sẽ chỉ đạo nhân rộng để tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân".


Related news

cong-bo-nghien-cuu-giai-phap-nuoi-tom-hieu-qua Công bố nghiên cứu giải… guatemala-acuamaya-dat-cuoc-lon-vao-nganh-nuoi-tom-voi-nhung-cai-tien-trai-uong-giong Guatemala Acuamaya đặt cược lớn…