Lãng phí đất trồng cao su
Theo quy hoạch, đất trồng cao su trên địa bàn huyện Đông Giang có hơn 13 nghìn héc ta. Đến nay chỉ có mỗi Công ty CP Đầu tư và sản xuất Việt Hàn triển khai trồng cao su tại các xã Ba, Tư, Ating (huyện Đông Giang). Năm 2008, chủ trương của địa phương phát triển mạnh cây cao su, doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân về đất trồng cây.
Do tin vào tương lai đẹp của “vàng trắng” mà người dân đã nhường đất, nương rẫy cho doanh nghiệp trồng cao su. Tuy nhiên, hơn 7 năm nay, nhiều diện tích giao cho doanh nghiệp hiện vẫn bỏ hoang. Hàng trăm héc ta đất rẫy rất màu mỡ của đồng bào Cơ Tu đã bị thu hồi và giao lại cho Công ty CP Đầu tư và phát triển Việt Hàn trồng cao su.
Trồng rồi phá, phá lại trồng cao su đã trở thành “điệp khúc” ở các địa phương miền núi. Rừng cao su trên địa bàn xã Ba hơn 3 năm tuổi mới cao chưa quá đầu người. Những năm gần đây, mủ cao su rớt giá thê thảm, doanh nghiệp rất thận trọng trong bỏ vốn đầu tư. Không ít diện tích bỏ hoang đã bị người dân lấn chiếm để trồng trọt.
Ông Lê Vinh Nhật - Phó phòng Kế hoạch Công ty CP Đầu tư và sản xuất Việt Hàn cho biết, vì đất đai quy hoạch trồng cao su không liền vùng, liền thửa nên việc quản lý rất khó khăn, đã xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm để trồng keo.
Trong khi đó, người dân địa phương bảo, phần lớn các hộ trước đây giao đất cho công ty đều rơi vào tình cảnh thiếu tư liệu sản xuất, không có công ăn việc làm ổn định. Ông Đinh Xuân Bin, người dân ở xã Ba nói: “Bây giờ bà con tôi chỉ mong muốn công ty cao su trả lại diện tích đất không đầu tư.
Dân muốn trả tiền lại (mỗi héc ta 12 triệu đồng - PV) cho công ty”. Theo người dân, nếu doanh nghiệp thuê họ làm việc như đã từng cam kết thì họ không lâm vào cảnh trắng tay như hiện nay. Nghịch lý ở xã Ba là doanh nghiệp nhiều năm trời bỏ đất hoang, trong khi bà con lại không có đất sản xuất. Mặt khác do doanh nghiệp quản lý lỏng lẻo, một số đồng bào Cơ Tu trở lại nương rẫy trước đây từng canh tác để gieo trồng.
Nhiều diện tích đất quy hoạch cho trồng cao su tại xã Ba (Đông Giang) bỏ hoang nhiều năm nay.
UBND tỉnh vừa phê duyệt vùng quy hoạch phát triển cây cao su đến năm 2020 với tổng diện tích lên đến hơn 30.428ha. Theo đó, tăng diện tích 893ha cây cao su tại xã Phước Hòa (huyện Phước Sơn), đồng thời bổ sung nhiệm vụ phát triển cao su trên địa bàn tỉnh từ 29.534,74ha lên 30.428,17ha trong giai đoạn 2011-2020. Để tổ chức thực hiện, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện.
Theo ông Phan Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Ba, diện tích bỏ hoang trên địa bàn hơn 200ha, cây cao su phát triển kém. Đồng bào giao đất trồng cao su, song thực tế chưa giải quyết công ăn việc làm cho họ.
Tìm hiểu chúng tôi biết, năm 2008, dự án trồng mới, chăm sóc cây cao su ở huyện Đông Giang do Công ty CP Đầu tư và sản xuất Việt Hàn làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư 640 tỷ đồng, triển khai tại các xã Ba, Tư và Ating với tổng diện tích đất sử dụng 4.115ha .
Tuy nhiên, thời điểm này công ty mới triển khai được 600ha; diện tích còn lại bị quy hoạch treo.
Hệ lụy của việc triển khai quá chậm gây xáo trộn cuộc sống người dân miền núi. Các địa phương có dự án cao su hiện nay rất lúng túng trong việc tìm quỹ đất sản xuất cho đồng bào, cũng như giải bài toán thoát nghèo bền vững.
Chính quyền địa phương từng đề xuất thu hồi đất dự án để cấp lại cho dân theo quy định của Luật Đất đai…
Tại huyện Thăng Bình, từ đầu năm đến nay hầu như chính quyền không thể vận động người dân trồng cao su do giá thấp. Việc trồng cao su đại điền, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam vẫn triển khai, nhưng đầu tư rất hạn chế.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao