Mô hình kinh tế Lao Đao Thủy Sản Thạch Hưng

Lao Đao Thủy Sản Thạch Hưng

Publish date Tuesday. October 22nd, 2013

Do ảnh hưởng của các cơn bão số 10, 11, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) bị thiệt hại nặng nề. Ao hồ sạt lở, hệ thống tiêu thoát bị ảnh hưởng; đặc biệt, nhiều loại thủy, hải sản trong giai đoạn sinh trưởng đều bị trôi theo nước lũ. Không ít mô hình được đầu tư hiệu quả đang gặp khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng và hoàn thiện đề án sản xuất của địa phương.

Hơn 1 tuần nay, công việc chính của ông Lưu Văn Sum và 12 hộ nuôi cá lồng bè tại thôn Tiến Hưng là thu vớt các loại rác rưởi, bèo và nhất là toàn bộ lưới tại bãi nuôi. Sau trận bão số 10, khu vực nuôi cá lồng ven sông trở nên tan hoang với các loại tre, nứa và phao nổi... Do nước to, sóng lớn, cộng với việc xả tràn hồ Kẻ Gỗ nên phần lớn số cá chẽm đều bị trôi ra ngoài hoặc sốc nước chết gần hết. 5 lồng cá, đầu tư trên 20 triệu đồng, thu hoạch chưa được 5 triệu đồng, tất cả đều trôi theo dòng nước… Quấn hết tấm lưới cuối cùng, ông Sum xót xa: Mất thì phải chịu thôi, nhưng càng nghĩ càng tiếc. Đàn bà thì cứ ôm lưới mà khóc vì xót của...

Cũng chẳng khá hơn ông Sum, chống chếnh trên những cái phao rời rạc chưa được gia cố lại vì sóng và gió bão, ông Trương Thế Phương đang kiểm tra số cá được gom lại từ các lồng nuôi của gia đình. Sau bão số 10, hy vọng của gia đình ông là gỡ gạc phần nào từ số cá này. Tuy nhiên, nỗi lo vẫn luôn thường trực bởi chưa khắc phục hậu quả thì ảnh hưởng của trận bão mới cũng lớn không kém…

Ông Phương với bể cá còn sót lại sau bão

Tại khu vục Đồng Hà, chúng tôi gặp ông Lưu Văn Thuận bước thấp bước cao chuẩn bị chèo thuyền kiểm tra các ao nuôi sau trận bão. Ông cho biết, hàng ngàn con cá chẽm bước sang tháng thứ 6, thứ 7 và ao cá giống vừa mới gây dựng... tưởng khả quan thì nay hàng trăm triệu đồng bỗng chốc tan biến.

Còn với ông Nguyễn Chính Lưu, một người có trên 10 năm gắn bó với con tôm, cá, cũng bao phen đánh cuộc được mất với trời từ chuyện nuôi quảng canh đến nuôi công nghiệp... Và giờ đây, ông quyết định chuyển hướng sang nuôi cá chẽm trong ao đất theo chương trình dự án của thành phố. Để đầu tư một cách quy mô và bài bản, trong tổng diện tích 19 ha, riêng máy móc thiết bị, đường điện, các loại cống... cũng đã mất đến 300 triệu đồng. Đó là chưa kể 9 ngàn con giống trị giá trên 120 triệu đồng đang phát triển mạnh, hứa hẹn một nguồn lợi không nhỏ. Tuy nhiên, sau bão số 10, hệ thống cống thoát đều bị sụt lún nghiêm trọng, cá thì trôi theo nước sông...


Ông Nguyễn Văn Quý - Bí thư Chi bộ thôn Tiến Hưng cho biết: Thôn Tiến Hưng có 50 hộ nuôi trồng thủy sản thì phần lớn đều nằm trong vùng bị ảnh hưởng. Điều đáng nói ở đây là những hộ này trước đây vốn quen với nghề đăng đáy trên sông, kiếm sống bằng nghề chài lưới. Thực hiện đề án sản xuất, xây dựng NTM bằng việc tập trung sản phẩm chủ lực của vùng ven đô là nuôi trồng thủy, hải sản, xã Thạch Hưng đã khuyến khích, vận động bà con tập trung đầu tư nuôi cá chẽm trong lồng bè và ao đất. Với những ngư dân này, đây thực sự là việc làm táo bạo với quyết tâm làm giàu để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Thấy được tính hiệu quả của mô hình, cộng thêm các thuận lợi từ cơ chế, chính sách của Nhà nước trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, không ít người dân đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư...

Theo ông Phan Văn Hội - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng cho biết: Việc tập trung xây dựng đề án sản xuất được xem là hướng đi mũi nhọn của các xã ven đô. Thông qua đó để tạo liên kết vùng từ những sản phẩm hàng hóa chủ lực là thủy, hải sản chất lượng cao. Người dân và chính quyền địa phương đã bắt đầu làm quen với tư duy làm ăn mới. Tuy nhiên, chỉ sau một trận bão, thiệt hại lên đến 3 tỷ đồng là một con số không hề nhỏ, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như quyết tâm gây dựng lại của gần 50 hộ nuôi trồng thủy hải sản ở đây.

Dẫu rằng, trong việc nuôi trồng thủy, hải sản, chuyện được thua với trời không còn là chuyện lạ. Ngay cả với những ngư dân ở đây, ít nhiều cũng đã xác định ngay từ những ngày đầu dấn thân làm bạn với con nước. Tuy nhiên, dường như, chuyện thành bại của một đề án sản xuất không đơn thuần chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của riêng người nông dân..


Related news

ca-mau-so-ket-thuc-hien-quyet-dinh-119-va-06-cua-ubnd-tinh-ve-phat-trien-nuoi-tom-cong-nghiep Cà Mau: Sơ Kết Thực… 29-trai-nuoi-ca-tra-tai-viet-nam-da-dat-chung-nhan-asc 29 Trại Nuôi Cá Tra…