Lão nông giàu to nhờ nhãn kháng bệnh chổi rồng
Tuy nhiên, tại “vương quốc trái cây” Bến Tre, như một phép màu, suốt 20 năm nay vườn nhãn chỉ 0,2ha của một nông dân chưa bị bệnh chổi rồng lần nào và cho thu nhập tốt.
Khốn đốn với nhện lông nhung
Nhãn là loại trái cây đặc sản của vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng.
Trong nhiều năm qua, dịch bệnh chổi rồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng nhãn.
Bệnh gây hại chủ yếu trên đọt non, nụ hoa.
Triệu chứng bệnh trên đọt non thường xuất hiện sớm.
Khi ra đọt non khoảng 2-3cm, lá bị co lại và mọc thành từng chùm.
Nhóm lá này không tiếp tục phát triển được và co cụm lại như bó chổi.
Bệnh gây hại trên chùm hoa co cụm, không đậu trái hoặc đậu rất ít.
Không chỉ kháng bệnh chổi rồng, giống nhãn tiêu lá dài mà ông Nung trồng còn cho năng suất cao, cơm dày, thơm ngon.
Trước tình hình nguy hại của bệnh chổi rồng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn 498/TTg-KTN ngày 13.4.2012 về hỗ trợ phòng chống dịch chổi rồng hại nhãn tại các tỉnh đã công bố dịch: Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ và Hậu Giang.
Riêng tỉnh Bến Tre, diện tích trồng nhãn gần 4.700ha, trong đó diện tích đang cho trái 4.427ha, với sản lượng 43.000 tấn/năm.
Hiện nay, diện tích nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng là 1.228ha, chiếm khoảng 26% diện tích nhãn, với tỷ lệ bệnh trung bình 20-30%, cục bộ một số diện tích bị nặng thiệt hại lên đến 50%, phổ biến ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Bình Đại.
Nguy cơ hiện nay là bệnh chổi rồng không chỉ gây hại trên giống nhãn tiêu da bò mà một số giống nhãn khác như tiêu lá bầu, Edor… cũng đã có triệu chứng nhiễm bệnh.
Đáng lo ngại hơn là bệnh đã gây hại trên chôm chôm là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, hiện nguyên nhân gây bệnh chổi rồng cũng chưa thống nhất nhưng đã xác định được nhện lông nhung là môi giới truyền bệnh.
Nhện lông nhung có kích thước rất nhỏ, không nhìn thấy được bằng mắt thường, vòng đời khoảng 8-15 ngày, một năm sinh sản 13-15 thế hệ.
Nhện lông nhung phát triển mật độ cao vào các đợt nhãn ra đọt non, ra hoa, gây hại nặng nhất trong các tháng mùa khô.
Viện khuyến cáo nhà vườn nên trồng các giống kháng bệnh: Nhãn Edor, nhãn xuồng cơm vàng chống chịu tốt với bệnh.
Vùng bị áp lực bệnh cao nên áp dụng biện pháp ghép, sử dụng giống xuồng cơm vàng làm mắt ghép và gốc ghép tiêu da bò.
Không nhân giống như nhánh chiết, mắt ghép từ cây và vườn bị nhiễm bệnh.
Tránh vận chuyển cành, mắt ghép, cây giống có xuất xứ từ các khu vực bị nhiễm bệnh sang khu vực chưa nhiễm.
Bí quyết tạo nhãn kháng bệnh chổi rồng
Gần đây, vườn nhãn của một nông dân ở tỉnh Bến Tre đã được ghi nhận có khả năng kháng được bệnh chổi rồng nên được nhiều nhà vườn quan tâm.
Đó là giống nhãn tiêu lá dài được ông Cao Đình Nung (71 tuổi, ở ấp Hưng Nhơn, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách) trồng hơn 20 năm nay nhưng chưa từng bị nhiễm bệnh chổi rồng lần nào.
Không chỉ thế, loài nhãn này cho trái sai, cơm dày và rất thơm ngon.
Ở Chợ Lách, ông Nung được biết đến là nông dân đầu tiên trồng được giống nhãn kháng được bệnh chổi rồng.
Hiện toàn bộ đất vườn 0,2ha được ông Nung trồng giống nhãn tiêu lá dài.
" Năm 2014, nhiều nhà vườn muốn nhân giống nhãn này nên tôi làm bầu và bán 2.000 nhánh.
Tôi chỉ bán với giá 20.000 đồng/nhánh, coi như lấy công và mua phân tái tạo sức cho cây.
Mong mỏi của tôi là nhân rộng giống nhãn kháng bệnh chổi rồng, để nhà vườn làm ăn hiệu quả hơn”.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn nhãn xanh tốt, trái xum xuê đang vào mùa thu hoạch, ông Nung phấn khởi cho biết, vườn nhãn này ông trồng cách nay hơn 20 năm nhưng chưa từng bị dịch chổi rồng xâm hại lần nào.
Nói về nguồn gốc của giống nhãn này, ông Nung kể, gần 40 năm trước, ông mua hàng trăm nhánh nhãn tại ấp Bình An B, thị trấn Chợ Lách mà không hề biết đó là giống nhãn gì, rồi đem về trồng trên 0,5ha vườn.
Hai năm sau, các cây nhãn đều đồng loạt trổ bông, cho trái xum xuê, nhưng thời điểm đó nhiều vụ liền cây nhãn lại rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá”.
Thấy giá nhãn bấp bênh nên thời gian sau ông chán nản, đốn bỏ 0,3ha nhãn chuyển sang trồng cây ăn trái khác.
Tuy nhiên, ông vẫn giữ lại 0,2ha trồng giống nhãn tiêu lá dài.
Ưu thế nổi trội hơn hẳn của giống nhãn này được ông Nung tiết lộ là ngoài khả năng kháng được bệnh chổi rồng, ít bệnh, còn cho năng suất trái cao, trái to, chùm trái sai, trung bình mỗi chùm từ 1 - 1,5kg, có khi lên đến 3,5kg/chùm.
Cho đến năm 1999, ông Nung đem loại trái cây này tham gia Hội thi trái ngon lần thứ hai và được Hội Làm vườn Việt Nam- Viện Cây ăn quả Miền Nam – Cục Khuyến nông và Khuyến lâm trao “Giải nhất sản phẩm chất lượng nhãn tiêu lá dài”.
Từ đó giống nhãn này được ông Nung quảng bá ở địa phương, mang thương hiệu là nhãn tiêu lá dài.
Qua nhiều năm kinh nghiệm trồng nhãn, ông Nung cho biết, thường những giống nhãn khác mỗi năm chỉ cho 1 vụ trái, nhưng với nhãn tiêu lá dài này trong vòng 2 năm cho trái tới 3 vụ, năng suất bình quân 200kg/cây/vụ.
Giá nhãn tiêu lá dài hiện tại gia đình ông Nung bán tại vườn 17.000 đồng/kg, cao hơn từ 5.000 -7.000 đồng/kg so với các giống nhãn khác được trồng ở các xã lân cận.
Qua hàng chục năm trồng nhãn chưa từng bị bệnh chổi rồng tấn công, ông Nung tự hào khoe: “Với 2 công nhãn, hàng năm tôi thu hoạch trung bình từ 7-8 tấn trái, đem lại nguồn thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.
Cũng nhờ trồng nhãn mà nhiều năm qua gia đình tôi có kinh tế khá ổn định”.
Vườn nhãn của gia đình ông Nung đến nay có cây đã hơn 35 năm tuổi, thuộc hàng cây “cổ thụ” nhưng vẫn phát triển khỏe, tán tỏa rộng tươi tốt, lá xanh mướt, trái xum xuê.
Ông Nung cũng đang nhân rộng mô hình trồng nhãn tiêu lá dài trên đất vườn nhà mình.
Biết được giống nhãn này kháng được dịch bệnh chổi rồng, nhiều người dân ở khắp nơi tìm đến mua giống.
2 năm nay, ông Nung đã bán được hơn 5.000 nhánh nhãn tiêu lá dài cho bà con nông dân.
Theo chính quyền địa phương xã Hòa Nghĩa, trước đây diện tích trồng nhãn trong xã thuộc tốp đầu trong phong trào trồng cây ăn trái của huyện Chợ Lách, với diện tích lên đến hơn 300ha.
Tuy nhiên khoảng 3 năm trở lại đây, dịch chổi rồng xuất hiện, hoành hành khiến diện tích trồng nhãn Hòa Nghĩa giảm mạnh.
Nhiều người trồng nhãn lao đao, họ đốn nhãn để chuyển đổi cây trồng khác cho thu nhập cao hơn.
Tuy nhiên hiện xã Hòa Nghĩa vẫn còn duy trì gần 190ha trồng nhãn, đa phần là các giống nhãn truyền thống ở địa phương như: Nhãn lông, nhãn huế, nhãn tiêu da bò, nhãn tiêu lá bầu, nhãn xuồng…
Tại xã Hòa Nghĩa, hàng năm chính quyền địa phương và ngành bảo vệ thực vật dùng nhiều biện pháp dập dịch bệnh cho cây nhãn, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không triệt để.
Để phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn cần có một quá trình lâu dài, vì vậy giải pháp tốt nhất là người trồng nhãn nên chọn giống cây sạch bệnh, có khả năng kháng bệnh chổi rồng.
Và mô hình trồng nhãn kháng bệnh chổi rồng của ông Nung đang được ngành nông nghiệp địa phương xã Hòa Nghĩa xem là mô hình canh tác mới cần được nhân rộng thời gian tới.
Bạn đọc có thể liên hệ với ông Cao Đình Nung theo số điện thoại 01645 081 982.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao