Lão nông huấn luyện bò không ăn lúa
Lão nông Nguyễn Văn Thắng ở thôn Động Xá, thị trấn Kim Động, Hưng Yên được coi là dị nhân nuôi bò. Bởi dưới sự quản lý điều hành của lão, gần 60 con bò các loại chăn thả trên đồng suốt năm, nhưng không con nào dám ăn lúa của dân.
Trang trại nuôi bò của lão Thắng.
Bằng cách chăn nuôi nói trên, mỗi năm lão Thắng đã xuất chuồng được gần 8.000kg bò thịt, thu lãi 600 triệu. Đạt được tỷ suất thu nhập cao tuyệt đối như vậy, là do lão Thắng có nhiều bí quyết chăn nuôi giúp tối đa hóa lợi nhuận.
Ông Thắng chủ yếu nuôi bò cái cho sinh sản bê con làm bò thịt. Phối giống nhân tạo cho bò mẹ từ các nguồn tinh năng suất chất lượng cao. Tất cả số bê sau sinh đều nuôi tới trọng lượng tối đa mới xuất bán. Chăn thả tự nhiên cho bò tự kiếm ăn rơm cỏ sẵn có trên các cánh đồng.
Ngoài ra, sau mỗi mùa gặt hái, lão Thắng còn tranh thủ gom nhặt được hàng chục tấn rơm rạ làm thức ăn dự trữ cho bò trong các tháng khan hiếm cỏ xanh. Đặc biệt, lão còn có bí quyết huấn luyện bò, không dám ăn lúa khi được thả tự do kiếm cỏ trên đồng.
Mới đầu nhiều người dân trong làng, xóm còn hồ nghi, nhưng sau nhiều lần kiểm tra, không thấy hao khuyết lúa, họ mới tin tưởng lão Thắng tuyệt đối.
Theo đó thường ngày lão Thắng chỉ phải lùa bò ra khỏi trại, rồi tìm nơi bóng mát nghỉ ngơi, đến giờ nghỉ thì dùng roi hoặc đèn pin ra hiệu, là cả đàn bò nối đuôi nhau về đúng nơi qui định.
Theo bật mí của lão Thắng: Để bò không ăn lúa của dân, phải rèn dạy ngay từ khi bê con mới tập ra ăn cỏ ngoài đồng, nếu thấy con nào la liếm lúa phải dùng roi quất mạnh vào mông và miệng chúng, vài lần như vậy là con bê trông thấy lúa sẽ chừa không ăn, nhưng vẫn cần theo dõi rèn cặp 6-7 tháng sau chúng mới thuần hẳn.
Mặt khác các loại gia súc đều có tính bầy đàn, khi cả đàn bò mẹ không ăn lúa, thì các bò con cũng sẽ bắt chước theo. Một khó khăn nữa khi chăn thả trên đồng là, trâu bò rất dễ ăn phải loại cỏ mới phun hóa chất diệt cỏ, trong trường hợp này bò không chết, nhưng sẽ bị tiêu chảy ảnh hưởng tới khả năng tăng trọng.
Để giảm thiểu nguy cơ bò ăn phải cỏ có thuốc trừ cỏ, ngay trước và sau gieo cấy, người chăn nuôi tuyệt đối không cho bò kiếm ăn trên các bờ ruộng lúa, chỉ chăn thả trên các gò đống, đường lớn và bờ sông trục.
Để tránh nắng cho bò và người trông coi, chỉ nên thả bò ra đồng vào những khi trời mát, mùa hè có thể chăn bò tới 10 giờ đêm. Khi bò bị bệnh cần nuôi cách ly, không cho ăn cám ngô, cám gạo, cám công nghiệp, chỉ cho ăn rơm, cỏ kết hợp dùng kháng sinh điều trị.
Nhìn chung, các loại đại gia súc đều phàm ăn, dễ nuôi, ít bệnh và tốn ít công lao động. Chú ý tiêm phòng lở mồm long móng vào đầu năm và tụ huyết trùng khoảng cuối năm là có thể yên tâm về phần dịch bệnh.
“Chu kỳ sinh sản của bò cái kéo dài 12-15 năm (mỗi năm đẻ 1 lứa, mỗi lứa đẻ 1 con). Nên nuôi bò chuyên đẻ chỉ cần đầu tư con giống 1 lần, sẽ cho thu lợi 12-15 năm” – lão Thắng bật mí thêm.
Đàn bò của lão Thắng.
Nhớ lại những ngày mới khởi nghiệp nuôi bò, lão Thắng vẫn còn ái ngại: “Khi đó gia đình tôi thuộc diện nghèo khó nhất làng, cuộc sống quanh năm giật gấu vá vai, nghĩ mãi không biết làm gì để bớt khó khăn. Cuối cùng tôi đánh liều vay tiền tín dụng, mua 6 con bê cải về nuôi cho nhẹ vốn, rồi dắt đi chăn trên các bờ ruộng, mặc cho chúng giao phối tự do với bò đực trên đồng. Nào ngờ hơn 2 năm sau tôi đã có thêm 6 con bê sinh ra từ đàn bò mẹ.
Được đà tất cả số bê cái sinh ra hàng năm tôi đều giữ nuôi làm bò giống, bê đực chăn lớn bán làm bò thịt. Cứ như vậy, chỉ trong vòng 6 năm tôi đã nhân rộng được đàn bò nuôi thường xuyên gần 60 con, bao gồm 36 con chuyên đẻ và 18 con chuyên thịt.
Do chăn thả tự nhiên, không ăn thêm cám công nghiệp, nên các loại bò thịt của tôi đều bán được giá cao hơn 10-12% so với bò cùng loại của gia đình khác. Kết quả hơn 10 năm nuôi bò, gia đình tôi đã có được cuộc sống sang chảnh, mà rất nhiều người dân đang còn mơ ước".
“Do chăn nuôi đơn giản, giàu nhanh, giàu dễ dàng, nên đó đây đã có người gièm pha châm chọc tôi: Nhà cao cửa rộng, ô tô, xe máy... không thiếu thứ gì, mà vẫn không dám hưởng thụ, lại ra giữa đồng không mông quạnh ở với bò, điện đóm không có, bàn ghế giường nằm cũng không. Trời hành! Nhưng từ nay đến cuối năm tôi vẫn tiếp tục nâng số lượng bò nuôi thường xuyên lên hơn 70 con, trong đó có 40 con chuyên đẻ, cho phối giống nhân tạo bằng tinh cọng vàng (BBB)” – lão Thắng chia sẻ.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao