Tin nông nghiệp Lập nghiệp với mô hình chăn nuôi bò

Lập nghiệp với mô hình chăn nuôi bò

Author Đức Hùng, publish date Saturday. September 8th, 2018

Năm 2013, Nguyễn Văn Nam, sinh năm 1989, ở thôn Đắk Hợp, xã Đắk Drô (Krông Nô) sau tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông - Vận tải, TP. Hồ Chí Minh, quyết định trở về quê lập nghiệp, thực hiện ước mơ làm giàu trên mảnh đất nơi mình sinh ra.

Mô hình chăn nuôi bò của Nam

Bước đầu, quyết định này của Nam đã bị gia đình phản đối khá quyết liệt vì cho rằng gia đình cho Nam ăn học là mong có tấm bằng và tìm được một công việc ổn định, thoát cảnh nhà nông vất vả.

Để thuyết phục cha mẹ, Nam dành nhiều thời gian "thuyết trình" về định hướng, dự định thực hiện, kế hoạch chăn nuôi chi tiết, những kinh nghiệm mà mình đã học hỏi được qua sách vở, tìm hiểu trên internet. Trước quyết tâm và lý lẽ đầy tính thuyết phục của Nam, cha mẹ Nam không chỉ đồng ý mà còn dành 1 ha đất nông nghiệp cho Nam trồng cỏ và hỗ trợ vốn để Nam thực hiện kế hoạch của mình.

Từ kinh nghiệm thực tế địa phương và tìm hiểu qua sách, báo, Nam nhận thấy việc nuôi bò vỗ béo,  bò sinh sản lai giữa bò địa phương và bò nhập ngoại mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với giống bò địa phương mà nhiều hộ dân đang nuôi. Với số vốn ban đầu, Nam tiến hành xây dựng mô hình trang trại nuôi bò khép kín với 10 con ban đầu với giống bò địa phương và bò lai.

Mô hình nuôi nhốt nên lượng thức ăn cung cấp hằng ngày cho bò luôn được Nam quan tâm hàng đầu. Để cung cấp đầy đủ các loại thức ăn, chất dinh dưỡng, prôtein, khoáng và vitamin… ngoài sử dụng cỏ trồng được, Nam còn học kỹ thuật ủ thức ăn từ các phụ phẩm nông nghiệp. Chính việc áp dụng quy trình chế biến thức ăn này đã giúp Nam tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào sẵn có ở địa phương cho bò như cây ngô, rơm, cây đậu, đỗ và cỏ. Đồng thời, với quy trình chế biến thức ăn khoa học đã hạn chế tối đa các bệnh đường ruột và giúp bò kích thích tiêu hóa.

Cùng với đó, để phòng bệnh cho bò, Nam đã chủ động tìm hiểu triệu chứng các loại bệnh thường gặp như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng... để tiêm vắc xin định kỳ cho bò. Ngoài ra, Nam còn thường xuyên xử lý vệ sinh chuồng trại, phun xịt các loại thuốc khử trùng và sử dụng nệm lót sinh học để chuồng luôn được thoáng mát, sạch sẽ.

Trải qua quá trình phát triển chọn lọc, đàn bò của Nam hiện nay đã tăng lên 30 con. Mô hình chăn nuôi bò đã mang lại cho Nam thu nhập trên 150 triệu đồng mỗi năm, trừ chi phí và giá trị đàn bò giống đang ngày một tăng. Bên cạnh nuôi bò, Nam còn mở quán kinh doanh nước giải khát để tận dụng thời gian nhàn rỗi, tăng thu nhập cho gia đình thêm khoảng 70 triệu đồng mỗi năm.  Mỗi năm tổng mức thu nhập ổn định của gia đình Nam sau khi trừ các khoản chi phí, tiền công là trên 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, Nam cũng tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng mỗi tháng và tạo việc làm theo mùa vụ cho một số lao động khác tại địa phương.

Nam chia sẻ: "Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật và vay thêm vốn để thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hình thành chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế ngày càng hiệu quả hơn".

Từ những kinh nghiệm có được trong quá trình lập nghiệp, Nam đã có những việc làm thiết thực để giúp đỡ những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn như cho vay vốn, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh. Với những kết quả đã đạt được, Nam đã được Tỉnh đoàn và Trung ương Đoàn tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong Học tập và làm theo lời Bác giai đoạn 2016 - 2018.


Related news

nuoi-ga-tre-gia-cong-hieu-qua-cao Nuôi gà tre gia công… nong-dan-tay-nguyen-chong-rung-qua-cho-cay-ca-phe Nông dân Tây Nguyên chống…