Mô hình kinh tế Lên Rừng Trồng Nấm

Lên Rừng Trồng Nấm

Publish date Monday. June 11th, 2012

Được hai ông bạn cùng ở ngoại thành Hà Nội, một là nông dân ở Thạch Thất và một là thạc sỹ, giảng viên Đại học Lâm nghiệp ở Xuân Mai (Chương Mỹ) rủ cùng làm nấm, tôi bảo: Tôi chỉ biết đánh “võ mồm” thôi, ngoài ra chẳng biết gì sất.

Nhưng được Hải, ông nông dân Thạch Thất động viên:

- Ông cứ làm, võ nào có tác dụng ấy.

Thế là làm. Để tăng thêm vốn hiểu biết, tôi cùng Hải đánh đường về một trung tâm nấm “của nhà nước” để “mục sở thị” và giao lưu. Nhìn cơ sở của họ, tôi đâm hoang mang. Những loại nấm cao cấp nhất như nấm kim châm, nấm đùi gà, nấm linh chi… họ đều làm được, bởi họ có thể điều khiển nhiệt độ xuống 4 độ C. Tất nhiên, để làm được điều đó, phải tốn tiền tỷ cho mỗi ngôi nhà sản xuất nấm, và phải tiêu tốn một lượng điện khá lớn mỗi ngày. Lại phải có máy phát điện dự phòng, bởi chỉ mất điện nửa ngày là nấm hỏng hết.

Khu sản xuất nấm thường với hàng chục lán được xây dựng rất quy củ, lợp, thưng đều bằng cót ép. Rồi khu thí nghiệm, khu hấp sấy nguyên liệu, khu cấy giống… Tất cả tọa lạc trên khu đất mênh mông. Trừ đất ra, giá trị xây dựng ít nhất cũng tới vài ba chục tỷ đồng. Chỉ riêng nhà hấp nguyên liệu (dùng hơi nước hấp trong phòng kín để diệt trùng và bào tử nấm dại) của họ đã có giá hàng trăm triệu đồng rồi.

Trước nay, chưa bao giờ tôi hình dung được rằng chỉ để làm ra những cái nấm con con kia, mà lại phải đầu tư lớn đến thế, cứ tưởng chỉ cần vứt rơm rạ vào chỗ ẩm thấp là chúng mọc. Nhìn lại, số vốn góp của một anh nông dân, một anh nhà giáo vừa dạy học vừa phải đi dạy võ thêm để kiếm sống và một nhà báo còm, chỉ được lưng lửng vốc tay.

Thế mà lại đòi chọn nấm sò, một loại nấm ăn ngon, đang được thị trường rất ưa chuộng nhưng cực kỳ khó tính, chỉ phát triển được trong môi trường có nhiệt độ từ 18 đến 25 độ C và độ ẩm cao, làm sản phẩm. Có bán nhà của cả 2 thằng (ông giáo chưa có nhà) đi cũng không làm nổi một cái “hàn gia” (nhà lạnh) như của họ. Nhưng Hải quả quyết: "Cứ làm. Vốn ít nhưng ta có cách của ta."

Trước đây, Hải từng làm thuê cho một người sản xuất nấm, nên anh nắm được khá kỹ quy trình sản xuất, và anh đã phát hiện ra một vùng núi của Hòa Bình có đủ điều kiện về khí hậu, độ ẩm cho nấm sò phát triển. Không có tiền xây nhà lạnh thì ta dựa vào thiên nhiên vậy. Thế là kéo nhau lên Hòa Bình.

Để chắc ăn, chúng tôi quyết định mua nguyên liệu, mua giống của trung tâm nấm Văn Giang (Hưng Yên) và thuê họ toàn bộ các khâu ủ, hấp, đóng bịch nguyên liệu, cấy giống. Trên rừng, chúng tôi chỉ việc làm lán, treo bịch nguyên liệu lên rồi đến kỳ thì rạch ra cho nấm mọc. Trung tâm hẹn 1 tháng sau sẽ chở bịch lên. Giám đốc trung tâm dặn:

- Kẻ tử thù của người trồng nấm là một loại bọ to hơn con dĩn một chút (tôi không nhớ tên khoa học của chúng). Chúng chui vào bịch đã cấy giống, sinh đẻ và ăn sạch phôi nấm. Chúng phát triển nhanh khủng khiếp, không biết bao nhiêu người trồng nấm đã bị mất nghiệp vì loại bọ này. Không thể dùng thuốc BVTV để diệt chúng được, vì người ăn nấm sẽ bị ngộ độc. Phải trồng nhiều riềng, sả quanh lán, vì chúng kỵ hơi những loại cây này.

Thảo nào, lúc mới đến, thấy xung quanh các lán của trung tâm trồng rất nhiều hai loại cây đó, tôi cứ tưởng cánh này nghiện thịt cầy. Trời cũng thương người nghèo. Lán của chúng tôi dựng toàn bằng tre mà tre trên này lại rất rẻ. Không chịu nổi giá cót ép lợp lán, thưng lán, chúng tôi thay bằng bạt, thế mà hiệu quả không kém.

Gần 1 tháng sau trở lại Hưng Yên, chúng tôi được ông phó giám đốc trung tâm nấm cho biết: Số bịch chúng tôi đặt đã hoàn thành, nhưng bị bọ ăn mất trên ngàn bịch, đang sản xuất bổ sung. Tôi và Hải bàn mảnh:

- Chỗ ta trên ấy chưa chắc đã có giống bọ này, hay ít ra là lúc này chúng chưa sinh sôi. Bây giờ rước số bịch này lên, rất có thể trong một số bịch đã có giống bọ này chui vào, như vậy khác gì rước họa vào nhà. Thôi thương lượng với trung tâm hủy hợp đồng, chuyển số tiền đó sang lấy nguyên liệu và giống của họ, ta tự làm lấy vậy.

Rất may, trung tâm đồng ý. Mấy ngày sau nguyên liệu được chở lên. Không có tiền xây nhà hấp, Hải có sáng kiến đặt làm một thùng I-nốc dung tích 1 m3, đặt trên một bếp lò, đun sôi để tạo hơi, dẫn hơi vào một cũi tre, xếp bịch nguyên liệu lên đó rồi dùng ni lông chịu nhiệt trùm kín. Tất cả chỉ hết mươi triệu đồng mà mỗi lần hấp (7 tiếng) được ngót 2 ngàn bịch.

Được Hải huấn luyện tận tình, chỉ mấy ngày những công nhân của chúng tôi đều đã thành thạo tất cả các khâu từ ủ, tời, đóng bịch, hấp cho đến cấy giống vào những bịch nguyên liệu và treo bịch vào lán.

Ơn giời. Bây giờ thì chúng tôi đã có mẻ sản phẩm đầu tiên. Nâng chén rượu bản Biệng trước đĩa nấm sò luộc, tôi bảo Hải và ông giáo đại học:

- Ông Phó tổng biên tập của tôi bảo trồng nấm chỉ có thể giảm được nghèo chứ không thể làm giầu được đâu.

Cả hai cười rất tươi:

- Chúng ta vốn đều nghèo rớt mồng tơi. Nay giảm được nghèo, thì còn mong gì hơn nữa.

Chỉ trong vòng hơn tháng, chúng tôi đã dựng được 8 lán, số lượng bịch nấm được cấy nguyên liệu đã được treo đầy 4 lán. Và chúng tôi đặt tên cho sản phẩm của mình là “Nấm sò bản Biệng”. Bản Biệng thuộc huyện Tân Lạc, là nơi chúng tôi chọn để làm cơ sở sản xuất.

Related news

trong-sen-hong-cho-thu-nhap-cao-o-thua-thien-hue Trồng Sen Hồng Cho Thu… giai-phap-phat-trien-chan-nuoi-ben-vung-o-lao-cai Giải Pháp Phát Triển Chăn…