Tin nông nghiệp Loại bỏ kháng sinh ra khỏi các món ăn

Loại bỏ kháng sinh ra khỏi các món ăn

Author VÕ THÁI HÒA, publish date Tuesday. March 15th, 2016

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, do sự phong phú và lạm dụng kháng sinh trong y tế và trong sản xuất nông nghiệp, các vi sinh vật đã thích nghi chịu được tác dụng của thuốc kháng sinh dễ làm cho con người bị kháng thuốc. Vì lý do đó, chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm 2016 được tổ chức Quốc tế người tiêu dùng (CI) đưa ra là “Loại bỏ kháng sinh ra khỏi các món ăn”.

Không phải tất cả vi khuẩn đều kháng kháng sinh, nhưng tỷ lệ ngày càng tăng theo mức độ sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh của con người trong y tế và trong sản xuất nông nghiệp. Vi khuẩn kháng thuốc lây lan trong nhiều cách khác nhau. Những vi khuẩn này lây lan thông qua tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm, tiếp xúc trực tiếp với các sinh vật sống, hoặc bằng cách lây lan môi trường. Hiện nay, ở trên nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng, đã lấy thuốc kháng sinh được sử dụng trong y học cho con người dùng để pha chế sản xuất thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi là phổ biến như thức ăn cho tôm; thức ăn cho gia súc, gia cầm tạo ra thực phẩm nhiễm kháng sinh. Hơn 50% số thuốc kháng sinh dùng cho người trên thế giới hiện đang được sử dụng trong nông nghiệp và sử dụng quá mức đã góp phần vào sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn kháng kháng sinh. Việc sử dụng thường xuyên các loại thuốc kháng sinh đặt ra một nguy cơ cho sức khỏe mọi người.

Giải quyết vấn đề kháng kháng sinh là một ưu tiên hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới. Một kế hoạch hành động toàn cầu về kháng kháng khuẩn, bao gồm cả kháng kháng sinh, được thông qua tại Hội đồng Y tế Thế giới tháng 5/2015 nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của mọi người về kháng thuốc; tăng cường giám sát và nghiên cứu về kháng thuốc; giảm tỷ lệ nhiễm trùng, tối ưu hóa việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, đảm bảo đầu tư bền vững trong việc chống lại kháng kháng sinh và việc phòng ngừa và điều trị các bệnh truyền nhiễm với các loại thuốc an toàn và hiệu quả hơn.

Để đạt được mục đích loại bỏ kháng sinh ra khỏi món ăn, CI kêu gọi các công ty thức ăn nhanh quốc tế thực hiện các cam kết toàn cầu về sử dụng kháng sinh. Xác định một kế hoạch hành động toàn cầu, giới hạn thời gian để loại bỏ dần những thói quen sử dụng thuốc kháng sinh trong cả các chuỗi sản xuất và cung cấp thịt gia cầm, gia súc, thủy sản. Các quốc gia hãy hành động thông qua tổ chức thông tin về các mối nguy hiểm về việc kháng kháng sinh và loại bỏ kháng sinh ra khỏi thức ăn bằng các sự kiện báo chí, hội thảo, mít tinh nhằm nâng cao nhận thức công chúng về kháng kháng sinh. CI gọi đây là “Tiếng sấm truyền thông” thực hiện trên tất cả các phương tiện thông tin truyền thông vận động, kêu gọi sự ủng hộ của mọi người cho các hoạt động toàn cầu của CI nhân ngày Quyền của Người tiêu dùng quốc tế năm 2016 bằng các cam kết kết nối, chia sẻ thông điệp của chiến dịch thông “Loại bỏ kháng sinh ra khỏi các món ăn”.

Chiến dịch truyền thông của CI nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về kháng kháng sinh; từ đó thúc đẩy tiêu dùng thực phẩm không thuốc kháng sinh; ủng hộ chiến dịch “Tiếng sấm truyền thông” của CI và tìm cộng tác viên, tham gia hành động. Mỗi quốc gia phải xác định và hình thành các mối liên kết từ truyền thông đến hành động để chống lại việc kháng kháng sinh tại nước mình. Các hành động chủ yếu là thu thập số liệu thứ cấp về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi; tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ, người nông dân, các nhà cung cấp thực phẩm, các nhà hoạch định chính sách; tổ chức các hoạt động truyền thông về kháng kháng sinh; ủng hộ cho chính sách quốc gia về sử dụng kháng sinh hợp lý.

Nhận thức rõ về tác hại khôn lường của việc kháng thuốc đối sức khỏe con người và hưởng ứng chiến dịch truyền thông của CI, Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm 2016, từ đầu tháng 3/2016, Hội Khoa học kỹ thuật về đo lường chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến nhiều đối tượng người dân bằng nhiều phương tiện truyền thông như trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội, đoàn thể ở cơ sở, tuyên truyền tại các cơ sở cung cấp thực phẩm lớn... góp phần nâng cao nhận thức của mọi người dân về thực phẩm nhiễm kháng sinh và tác hại khôn lường của chúng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật về đo lường chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cho biết: Công tác tuyên truyền có vai trò to lớn trong việc ngăn chặn nhiều vấn đề trên phạm vi rộng có ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng như vấn đề thực phẩm nhiễm thuốc kháng sinh và tác hại của nó. Từ đó, không chỉ một người tiêu dùng mà thông qua việc tuyên truyền có sự lan tỏa đến nhiều người được biết để phòng tránh. Các nhà sản xuất thực phẩm nhiễm kháng sinh cũng vì thế mà có ý thức hơn với cộng đồng để có sự điều chỉnh trong sản xuất.

Nhận thức của người tiêu dùng và nhà sản xuất thực phẩm được nâng cao và thể hiện trách nhiệm lớn đối với cộng đồng là điều quan trọng để hạn chế đến mức thấp nhất nguồn thực phẩm bị nhiễm kháng sinh. Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo sức khỏe con người nhưng đồng thời cũng là nguồn có thể đem đến cho con người nhiều nguy cơ về sức khỏe. Khi nguồn thực phẩm tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì nguồn thực phẩm từ nuôi trồng là nguồn thực phẩm chính cho con người. Vì thế, hơn ai hết, các nhà sản xuất và cung cấp thực phẩm cần nâng cao trách nhiệm của mình trong quá trình sản xuất để hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ gia tăng số người bị kháng kháng sinh từ nguyên nhân thực phẩm. Có như vậy thì sức khỏe người tiêu dùng mới đảm bảo và góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường sống.


Related news

xay-dung-mo-hinh-xung-kich-tu-chi-hoi Xây dựng mô hình xung… xay-dung-mo-hinh-xung-kich-tu-chi-hoi Xây dựng mô hình xung…