"Lời Giải" Cho Bài Toán Nuôi Tôm Trên Cát Bền Vững
Nhiều năm trở lại đây, nuôi tôm trên cát ở vùng ven biển tỉnh Quảng Bình phát triển khá mạnh với diện tích tăng lên mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch vùng nuôi mang tính chiến lược vẫn còn nhiều hạn chế và việc nuôi tôm trên cát phát triển manh mún, tự phát. Vì vậy, để hướng đến mục tiêu phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc tháo gỡ những khó khăn và mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi tôm là điều cần thiết.
Những bất cập trong nuôi tôm trên cát...
Có thể nói, nghề nuôi tôm trên cát trong thời gian qua đã vượt qua thời kỳ khó khăn và đang phục hồi, phát triển. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2012 toàn tỉnh có diện tích nuôi tôm trên cát là 290,3ha thì đến năm 2013 diện tích nuôi trên cát đạt trên 500ha và chủ yếu là thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Đáng chú ý, sau một thời gian “vực dậy” đến nay toàn tỉnh vẫn có gần 100 cơ sở tham gia nuôi tôm trên cát với quy mô, diện tích khác nhau.
Bước vào vụ nuôi 2014, các địa phương đã và đang tiến hành công việc chuẩn bị ao để thả nuôi. Đến nay, bà con trong tỉnh đã thả nuôi với diện tích 531,5ha và khoảng 300 triệu con giống được thả, trong đó diện tích tôm sú trên 100ha, tôm thẻ chân trắng ao đất gần 200ha và còn lại là tôm thẻ chân trắng trên ao cát. Hiện nay, huyện Bố Trạch là địa phương có diện tích thả nuôi lớn nhất, tiếp đến là thị xã Ba Đồn, Đồng Hới, Quảng Trạch...
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục Thú y, mặc dù mới bước vào đầu vụ nuôi nhưng đã xuất hiện rải rác dịch bệnh ở một số vùng nuôi ở huyện Bố Trạch và thị xã Ba Đồn với diện tích bị nhiễm bệnh trên 7ha. Theo ông Trần Đình Du, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, xuất phát từ thực tế kinh doanh, sản xuất của các hộ nuôi tôm trên cát và doanh nghiệp trong tỉnh cho thấy, hầu hết vụ nuôi chính trong năm, trên địa bàn tỉnh đều xảy ra tình trạng xuất hiện dịch bệnh trên tôm nuôi. Nguyên nhân chính là do hoạt động nuôi tôm trên cát hiện nay tồn tại nhiều bất cập nên dẫn đến việc bảo đảm an toàn cho một vụ nuôi thành công và thắng lợi là rất khó khăn.
Trước hết đó là công tác quy hoạch, quản lý vùng nuôi trên cát chưa được cơ quan chức năng quan tâm. Hiện tỉnh đã có quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020 nhưng các huyện, thị xã và thành phố chưa có quy hoạch chi tiết nên việc đầu tư ao nuôi và hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi còn thiếu đồng bộ.
Nghề nuôi tôm trên cát đòi hỏi các hộ nuôi hạn chế tối đa việc đưa chất thải ra ngoài môi trường làm ô nhiễm vùng nuôi. Nhưng thực tế hiện nay là vẫn có một số cơ sở nuôi theo quy mô hộ gia đình không có ao chứa, xử lý nước cấp và chưa dành diện tích để xử lý nước thải.
Nuôi tôm trên cát mang lại lợi nhuận rất lớn, giúp người dân thoát nghèo, nhưng người nuôi tôm hiện vẫn gặp khó khăn vì vốn đầu tư lớn, diện tích nuôi tôm không ổn định do phải đi thuê nên rất bấp bênh. Cụ thể như ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh), nhiều hộ nuôi tôm đi thuê lại đất có thời hạn để sản xuất nên gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng và ao nuôi dẫn đến tình trạng sản xuất bấp bênh và không bảo đảm an toàn.
Chưa kể, nhiều vùng nuôi như: Quảng Xuân, Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn) hình thành và phát triển tự phát nên người dân rầm rộ đào cát, phủ bạt rồi bơm nước biển vào nuôi tôm thẻ chân trắng, trong khi ao hồ đầu tư xây dựng thiếu khoa học, gây nguy cơ mất an toàn cho môi trường.
Cùng với đó, việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho mùa vụ mới các hộ nuôi trên địa bàn chưa thực sự nghiêm túc và triệt để. Đặc biệt, đối với những vùng nuôi trên cát như: Bảo Ninh (Đồng Hới), Nhân Trạch (Bố Trạch), Hồng Thủy (Lệ Thủy), Hải Ninh (Quảng Ninh) do có đặc thù riêng là thả nuôi từ 3 đến 4 vụ/ năm nên các hộ và đơn vị tham gia nuôi thường sau mỗi vụ thu hoạch thì dành thời gian cải tạo ao ít nhất là 20 ngày nhằm giảm thiểu tối đa mầm bệnh trong ao, vùng nuôi và hạn chế mầm bệnh lây truyền từ vụ trước sang vụ sau. Song thực tế là có nhiều hộ nuôi vẫn không tuân thủ quy trình cải tạo ao hồ, làm sạch môi trường ao nuôi trước khi thả nuôi nên dễ phát sinh dịch bệnh ngay trong thời gian giống mới được thả.
Mặt khác, nhiều cơ sở chưa chú trọng việc chọn mua giống từ các trại giống có thương hiệu, uy tín mà ngược lại tôm không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch đầy đủ, chất lượng kém... vẫn được các hộ thả nuôi nên đã tiềm ẩn cao nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Hướng đi mới cho nuôi tôm trên cát.
Để triển khai vụ nuôi tôm 2014 đạt kế hoạch về diện tích, sản lượng và hiệu quả kinh tế, hạn chế sự phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi và giúp các hộ nuôi chủ động cho một vụ nuôi thắng lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có hướng dẫn và triển khai các giải pháp đồng bộ: Đi cùng với các giải pháp thiết thực thì Sở đã tổ chức hội thảo về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát với nhiều thành phần tham gia nhằm tìm ra “lời giải” cho bài toán nuôi tôm trên cát bền vững.
Ông Trần Đình Du, cho biết thêm, thực tế một số cơ sở, doanh nghiệp nuôi tôm trên cát ở tỉnh ta rất phát triển và thu lợi lớn nhờ đầu tư nuôi trồng với kỹ thuật bài bản. Song cũng không ít người đã rơi vào tình trạng khốn khó, lao đao và “mất trắng” khi tham gia nuôi.
Vì vậy, muốn phát triển được con tôm trên cát thì phải có quy hoạch và quản lý bài bản và áp dụng quy trình nuôi sạch để phòng ngừa thiệt hại do diễn biến của thời tiết và tránh tình trạng mất trắng tôm.
Xuất phát từ vấn đề đó, nhiều cơ sở nuôi vẫn luôn loay hoay tìm tòi, sáng tạo cách làm mới và áp dụng thực hiện những giải pháp hữu hiệu để cho nghề nuôi tôm trên cát mang lại hiệu quả cao. Điều đáng mừng là qua những vụ nuôi hiệu quả liên tiếp, nhiều cơ sở nuôi trong tỉnh đã khám phá ra “lời giải” cho bài toán nan giải này.
Đi đầu là các cơ sở nuôi của gia đình ông Ngô Văn Dương, Nguyễn Văn Quân, Hoàng Minh Nguyên, Ngô Văn Hùng ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh), Công ty cổ phần Đức Thắng, ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới), Công ty TNHH Phú Thành Đạt, ở xã Trung Trạch (Bố Trạch)... Đây được xem là những điển hình nuôi tôm trên cát mật độ cao cho năng suất đạt trên 30 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt trên 50 tấn/ha, tôm thu hoạch size lớn, giá bán cao và lợi nhuận lớn.
Trong nhiều lần cùng đoàn của UBND tỉnh đi kiểm tra thực tế các cơ sở nuôi tôm trên cát trên địa bàn tỉnh và qua trao đổi với một số hộ nuôi thì điều dễ nhận thấy là các cơ sở và doanh nghiệp đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới với nhiều ưu điểm hơn so với những hình thức nuôi trước đây.
Như vậy, một hướng đi mới cho nghề nuôi tôm trên cát đã được mở ra, trong đó những cải tiến trong quy trình kỹ thuật đã được chú trọng đầu tư trong suốt quá trình nuôi, từ khâu chuẩn bị ao cho đến lúc thu hoạch.
Cụ thể, về ao nuôi, người nuôi chọn ao vuông, diện tích từ 1.500-3.000m2; bờ và đáy ao được lót bạt nilon chống thấm, không rải lớp cát đáy và có rốn thoát nước hình lòng chảo để thuận tiện thả chất thải ra hố ga và gom vào ao xử lý; độ sâu ao nuôi cũng sâu hơn nhằm tăng thể tích nước (dao động 2-2,5m), có tường chắn bảo vệ cao khoảng 0,8-1m sẽ góp phần ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh lây lan từ bên ngoài và tránh được hiện tượng cát bay, chảy vào ao nuôi; ao nuôi được tăng cường thêm số giàn quạt và số cánh trên mỗi dàn để bảo đảm lượng ôxy.
Mỗi cơ sở nuôi thường có một trạm bơm chung hoặc riêng cho từng ao, tuy nhiên điểm lấy nước phải cách 30-40m (so với mép nước biển) nhằm lấy nguồn nước tốt hơn.
Về tôm giống, các cơ sở chọn mua giống từ các công ty giống có thương hiệu, uy tín... và có kiểm dịch của cơ quan Thú y. Các hộ nuôi tiến hành ương giống từ PL12 đến cỡ tôm PL 25-30 vừa kiểm soát được chất lượng tôm giống vừa rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm; mật độ thả giống từ 200-300 con/m2.
Thức ăn cho tôm phải được sản xuất bởi các hãng thức ăn lớn và có trong danh mục thông báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đồng thời bổ sung thêm men vi sinh, khoáng chất, vitamin và nước thảo được đun cô đặc (hạt nhân trần, cây chó đẻ...) để bảo vệ đường ruột cho tôm, hạn chế nguyên nhân gây hội chứng hoại tử gan tụy.
Đặc biệt, tại tỉnh ta một số hộ nuôi tôm trên cát thành công hiện nay là nhờ đang áp dụng biện pháp thay nước và xử lý nước liên tục (gần như hàng ngày) kết hợp với gom chất thải xả đáy.
Hy vọng với những tiến bộ kỹ thuật trong phương pháp nuôi mới này, nhiều hộ nuôi cũng như doanh nghiệp nuôi tôm trên cát sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường nuôi, đồng thời thực hiện giải pháp nuôi bền vững, an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất và sản lượng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao