Lời Giải Cho Vùng Nuôi Nghêu Ven Biển Gò Công
Qua 3 năm nghêu chết hàng loạt trên diện rộng gây thiệt hại nặng cho người nuôi nghêu vùng biển Gò Công (Tiền Giang), đến nay việc lựa chọn mùa vụ nuôi nghêu được xem là giải pháp tối ưu nhất để tránh thiệt hại trong điều kiện tác nhân chính gây chết nghêu vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nhu cầu nghêu giống cỡ lớn để đáp ứng mùa vụ thả nuôi lại là vấn đề chưa có lời giải cho vùng nuôi nghêu tại địa phương cũng như các tỉnh lân cận.
Thiếu nghêu giống cỡ lớn
Ông Trần Văn Vinh, nông dân có kinh nghiệm nuôi nghêu hàng chục năm đồng thời có trại sản xuất nghêu giống ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, nghêu nuôi khu vực biển Tân Thành đã chết hàng loạt liên tục 5 năm qua nhưng thiệt hại nghiêm trọng nhất là năm 2010, 2011 và đầu năm 2013.
Đúc kết kinh nghiệm qua các năm nuôi nghêu của mình, ông Vinh nhận định, thực tế hiện nay vùng biển này chỉ còn nuôi nghêu thịt được khoảng 6 tháng, tức là bắt đầu thả nghêu giống từ tháng 5-6 dương lịch và thu hoạch vào tháng 12 trong năm, chậm nhất là tháng 1 năm sau.
Trước đây, khi nghêu nuôi phát triển bình thường thì người nuôi nghêu có thể mua nghêu giống cỡ 2.000 - 5.000 con/kg thả nuôi quanh năm với thời gian nuôi bình quân khoảng một năm rưỡi mới cho thu hoạch nghêu cỡ 40-60 con/kg. Hiện nay, để đáp ứng mùa vụ thả nuôi ngắn chỉ trong 6 tháng, người nuôi nghêu phải cần nghêu giống cỡ 100 - 120 con/kg thả nuôi để kịp thu hoạch trong năm nhằm tránh dịch bệnh.
Từ năm 2011 đến nay, Tổng cục Thủy sản cũng như cơ quan chức năng địa phương cũng khuyến cáo người nuôi nghêu tuyệt đối không thả nuôi nghêu từ tháng 1 - 3 âm lịch; cỡ giống thả nuôi từ 150 - 200 con/kg; mật độ thả giống từ 400 - 600 con/m2 để tránh thời điểm nghêu chết hàng loạt. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn ở đây được nhiều người nuôi nghêu xác nhận là nghêu giống cỡ lớn từ 100 - 600 con/kg rất khan hiếm. Hầu như nghêu giống loại này trên thị trường chỉ là nghêu được thu hoạch từ những bãi nuôi nghêu thịt có mật độ quá dày để san thưa nên số lượng không đáng kể và không thể đáp ứng được nhu cầu thả nuôi theo mùa vụ chỉ trong 6 tháng ở vùng biển Tân Thành.
Nuôi nghêu vẫn là số 1
Thực trạng mùa vụ nuôi nghêu từ một năm rưỡi giảm xuống chỉ còn 6 tháng khiến nhiều người cảm thấy lo ngại về hiệu quả nuôi nghêu do chi phí sản xuất, nhất là giá con giống các năm qua tăng rất cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nhịn (Chín Nhịn), người có 4 sân nuôi nghêu với diện tích 50 - 60 ha ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) khẳng định: “Hiện nay nuôi nghêu vẫn là số 1”.
Nếu nghêu nuôi phát triển bình thường, không bị chết hàng loạt như thời gian qua thì không có đối tượng vật nuôi nào có hiệu quả cao bằng nuôi nghêu (lãi 3 - 6 lần so với vốn đầu tư). Mặc dù, thời gian nuôi ngắn nhưng vòng vốn quay nhanh nên tính ra hiệu quả nuôi so với trước kia cũng không giảm nhiều.
Theo tính toán của ông Chín Nhịn, hiện nay vốn đầu tư cho nuôi 1 hecta nghêu gồm: nghêu giống (chiếm 80 - 85% chi phí); nhân công san thưa, canh giữ, thu hoạch; tiền thuê đất, nhiên liệu… dao động từ 100-150 triệu đồng tùy theo mật độ thả giống. Năng suất nghêu nuôi khu vực này dao động từ 20 - 25 tấn/ha, với giá nghêu bình quân chỉ tính khoảng 20.000 đồng/kg thì doanh thu từ 1 hecta nghêu là 400 - 500 triệu đồng.
Như vậy, sau khi trừ chi phí, người nuôi nghêu vẫn còn lãi từ 250 - 400 triệu đồng/ha. Nếu nghêu bán được với giá 34.000 - 35.000 đồng/kg như thời điểm cuối năm 2011, lợi nhuận thu được lên tới 500-600 triệu đồng/ha.
Giải pháp cho con nghêu
Đến đây, bài toán lợi nhuận cho con nghêu đã rõ và cho thấy hiệu quả nuôi nghêu vẫn còn vô cùng hấp dẫn. Vấn đề còn lại là làm sao có đủ nguồn nghêu giống kích cỡ lớn để đảm bảo thời gian từ khi thả giống đến khi thu hoạch chỉ gói gọn trong vòng 6 tháng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Vinh cho biết, hiện ông đang kết hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu quy trình ương nghêu giống trong ao theo mô hình khép kín bằng cách chỉ lấy nước vào ao một lần để tránh tác động từ môi trường bên ngoài, đồng thời chủ động cung cấp tảo nhân tạo để làm nguồn thức ăn cho nghêu. Đến khi nghêu đã đạt cỡ 100 - 120 con/kg và vào thời điểm thích hợp nghêu sẽ được bán cho nông dân để thả nuôi tại các bãi nuôi ven biển.
Theo ông Vinh, ưu điểm của mô hình này là chỉ lấy nước một lần khi các yếu tố môi trường thuận lợi và nguồn thức ăn của nghêu là tảo được cung cấp từ nguồn tảo nuôi trong bể nên hoàn toàn cách biệt với tự nhiên. Chính vì vậy, khi nghêu ngoài tự nhiên chết thì nghêu trong ao vẫn bình thường. “Đây có thể coi là mô hình gia hóa con nghêu giống như heo, gà, vịt…, bởi nghêu được tách biệt với môi trường tự nhiên và được con người cung cấp thức ăn một cách chủ động.”.
Về hiệu quả hoạt động sản xuất ương dưỡng nghêu giống, một chuyên gia ngành nông nghiệp cho biết hiệu quả kinh tế từ các hoạt động này cao không thua bất kỳ một ngành công nghiệp nào. Nếu được đầu tư bài bản, nghiên cứu đến nơi đến chốn thì hoạt động sản xuất, ương dưỡng nghêu giống có thể nói là siêu lợi nhuận, bởi hiện nay một số trại sản xuất nghêu giống quy mô đầu tư chỉ dưới 1 tỷ đồng, có quy trình sản xuất giống chỉ đạt tỷ lệ sống khoảng 15% nhưng lợi nhuận hàng năm đã đạt tới 5 - 6 tỷ đồng. Mặt khác, hoạt động sản xuất, ương dưỡng nghêu giống cũng cần một lượng lao động rất lớn nên sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Do đó, để giải quyết vấn đề con giống cho các vùng nuôi nghêu, nhất là con giống kích cỡ lớn, nhà nước cần có quy hoạch “khu công nghiệp” sản xuất, ương dưỡng nghêu giống ở những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi (chẳng hạn vùng nuôi không xảy ra hiện tượng nghêu chết trong các năm qua ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang); nhà nước cần ban hành chính sách ưu đãi về: vốn, nhân lực, khoa học công nghệ, thuế… giống như các khu công nghiệp khác để thu hút mọi người, mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh nghêu.
Điều này không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương, cung ứng đủ lượng nghêu giống cỡ lớn giúp nghề nuôi nghêu phát triển bền vững, đem lại nguồn ngoại tệ từ hoạt động chế biến nghêu xuất khẩu mà còn góp phần duy trì công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động tham gia nghề nghêu hiện tại và hàng ngàn lao động mới nếu các “khu công nghiệp” này được thành lập.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao