Mô hình kinh tế Lỗi hẹn một mùa tiêu

Lỗi hẹn một mùa tiêu

Publish date Tuesday. September 22nd, 2015

Bởi có mưa thì số bông vừa ra còn đậu, bằng không sẽ mất trắng. Theo họ, kinh nghiệm cộng kỹ thuật giỏi quyết định một nửa năng suất, phần còn lại là nhờ thời tiết.

Những nọc tiêu thu được 20kg khô của ông Vũ Đình Hồng

Trông mưa

Nhìn vườn tiêu 15 năm tuổi, nhưng ai cũng ngỡ chỉ mới bước vào thời kỳ sung sức nhất của cây tiêu. Bởi từng trụ tiêu sum suê, cao 5 - 6m, bông vàng từ gốc đến ngọn. Vậy mà chủ nhân của vườn lắc đầu nói “không ăn thua, năm nay tiêu thất mùa rồi”.

Giải thích cho sự ngạc nhiên của chúng tôi, chủ vườn - ông Vũ Đình Hồng ở tổ 6, ấp Sóc Rul, xã An Phú cho biết là do thời tiết.

Năm nay thời tiết không thuận lợi, do 10 ngày liên tiếp không có mưa.

Đến thời điểm này, tiêu đã ra bông đợt thứ ba nhưng ước chừng chỉ đậu được phân nửa. Trong khi mọi năm tiêu chỉ ra hai đợt bông là đạt. Sáng sớm, ông Vũ Đình Quảng, anh ruột ông Hồng bật máy bơm thử tưới lên vài nọc tiêu thì bông trút xuống hàng loạt.

Với kinh nghiệm 15 năm trồng tiêu, ông Quảng khẳng định nếu có mưa thì vụ tiêu năm nay vẫn thất.

Thời kỳ tiêu ra bông là những tháng mùa mưa trong năm. Điều kiện thích hợp nhất để bông tiêu đậu là nhiệt độ từ 30 - 330C.

Nhưng năm nay nắng nóng kéo dài, ngày nào ông Hồng cũng bật tivi để xem dự báo thời tiết. Với nhiệt độ bình quân từ 35 - 370C, bông tiêu không thể thụ phấn.

Nhiều người chưa có kinh nghiệm, thấy không có mưa thì tưới nước. Trong thời điểm này, tưới nước cũng không cứu vãn được, thậm chí càng làm cho gốc tiêu nóng thêm.

Từng làm Chi hội phó nông dân ấp Bình An, phường An Lộc (Bình Long) nên anh Bùi Xuân Đông rất hiểu biết về cây tiêu.

Hiện anh đang chăm 1.600 nọc tiêu cho một người em ở phường Phú Thịnh (Bình Long) cũng khẳng định năm nay tiêu mất mùa. Bông tiêu vàng trên nọc chiếm đa số.

Những bông này chỉ đợi mưa xuống là trút hết. “Có thuốc dưỡng bông nhưng với điều kiện bông tiêu đã đậu. Thuốc hỗ trợ hạt to, chắc thêm. Còn nắng nóng thế này không thuốc nào giữ được bông” - ông Hồng cho biết.

Theo anh Đồng Thanh Sang (ở tổ 6, ấp Sóc Rul), kỹ sư công nghệ thông tin và đã có hơn 3 năm tìm hiểu về cây tiêu trước khi quyết định “bỏ phố về quê” cho biết, 900 nọc tiêu năm nay cho bói của anh nếu trúng mùa bình quân mỗi nọc phải được trên 3kg tiêu khô.

Nhưng thời tiết nắng nóng thế này, dù đã chăm sóc đúng kỹ thuật chỉ ước thu được 2/3.

Trồng tiêu phải có kiến thức

Anh Đồng Thanh Sang nắm cặn kẽ trên 100 loại thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vườn tiêu 1.200 nọc của gia đình anh vẫn có khoảng 50 nọc bị bệnh vàng lá. Anh đã áp dụng nhiều cách trong các tài liệu hướng dẫn để điều trị bệnh cho số tiêu này. Thời điểm chúng tôi đến, số tiêu vẫn còn vàng lá nhưng theo anh đang dần phục hồi.

Cũng như ông Hồng, anh Sang đã chọn đất An Phú vì có lớp sỏi son thích hợp nhất để trồng tiêu. Ưu điểm của chất đất này là thoát nước tốt vào mùa mưa và tích nước vào mùa khô.

Sở dĩ cây tiêu phát triển tốt, đạt năng suất cao, hạn chế tối đa bệnh khi trồng trên đất này là do đặc điểm “khó tính” của cây tiêu. Đó là không chịu được úng và phải đủ nước để làm mát bộ rễ trong mùa khô.

1.600 nọc tiêu anh Đông chăm sóc trồng trên đất đỏ.

Theo anh, đất đỏ tuy tốt nhưng không thích hợp để trồng tiêu bằng đất sỏi son.

Vì đất đỏ độ kết dính cao, khó thoát nước, tỏa nhiệt chậm khi thời tiết nắng nóng. Một nhược điểm nữa của đất đỏ là khi cây tiêu bị bệnh sẽ lan sang những cây xung quanh với tốc độ nhanh.

Bước vào vụ bói, cùng giống tiêu Vĩnh Linh, song so với vườn tiêu của anh Sang, năng suất vườn tiêu của anh Đông chỉ bằng phân nửa.

Thông thường tìm mua đất, nông dân chọn những thửa bằng phẳng, nhưng anh Sang lại cho rằng, đất có độ dốc khoảng 20% là thích hợp để tiêu thoát nước vào mùa mưa. Năm 2014, 2.400 nọc tiêu 15 năm tuổi của ông Vũ Đình Hồng thu được 6,8 tấn, giá bán 224.000 đồng/kg.

Có những nọc thu được 20kg tiêu khô. Ngoài kiến thức tự trang bị từ khi trồng tiêu và được tập huấn sau khi ký kết bán tiêu cho Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice cộng với kinh nghiệm 15 năm gắn bó cùng cây tiêu, ông Hồng khẳng định, trồng tiêu phải có kiến thức.

Từ chọn đất, chọn giống đến chọn phân bón phải tìm hiểu kỹ.

Nếu làm theo kiểu nhìn người khác trồng mình cũng học theo thì không thể đạt năng suất, chất lượng.

Chưa kể khi tiêu bệnh không điều trị đúng thuốc chỉ tổn hại kinh tế gia đình.

Kinh nghiệm giữ vườn tiêu đạt tuổi thọ và năng suất cao của ông Vũ Đình Hồng: Đầu mùa khô, sau khi thu hoạch 15 ngày sử dụng thuốc đồng tím để rửa vườn. 10 ngày sau, dùng thuốc đồng tím rải cách gốc tiêu 30cm. Đối với tiêu vừa cắt dây (tiêu bói), đầu và cuối mùa mưa cho thêm thuốc tuyến trùng rễ.

Sau đó, bón 3kg phân vi sinh/nọc. Đầu tháng 4, bón 1 bao phân bò ủ hoai/nọc.

Bón phân lần 1 khi tiêu nảy cựa: trộn urê, kali, lân; lần 2 bón NPK Đầu Trâu 20-20-15TE; lần 3 cũng bón NPK. Lần 2 cách lần 1 khoảng 20 ngày, lần 3 cách lần 2 khoảng 1,5 tháng.

Sau khi thu hoạch cào lá, làm cỏ, cắt tỉa cành gốc thông thoáng và tuyệt đối không làm bồn ảnh hưởng đến bộ rễ.


Related news

ty-phu-trong-buoi-o-bau-ham-dong-nai Tỷ phú trồng bưởi ở… hoi-thao-dau-bo-mo-hinh-ngo-lai Hội thảo đầu bờ mô…