Mô hình kinh tế Lợi ích phân trung vi lượng hữu cơ

Lợi ích phân trung vi lượng hữu cơ

Publish date Wednesday. November 11th, 2015

Một sản phẩm phân trung vi lượng

Hiện phân bón trong nước rất phong phú về chủng loại. Trong đó, có những nhóm sản phẩm thuần túy là phân vô cơ hoặc phân hữu cơ có vai trò và công dụng khá rõ ràng.

Tuy nhiên, loại phân trung vi lượng hữu cơ có công dụng thế nào?

Về mặt ý tưởng của nhà SX: P

hân trung vi lượng hữu cơ là loại sản phẩm đa dụng nhằm giúp nhà nông có thêm sự lựa chọn dễ dàng khi cần bổ sung dinh dưỡng cân đối cho cây trồng, đặc biệt là khi sử dụng các loại phân đơn (N, P, K) tự trộn.

Về mặt thực tiễn sử dụng:

Phân trung vi lượng hữu cơ sẽ cung cấp khá đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết (bao gồm cả hữu cơ và vô cơ) đã sẵn có trong cùng 1 sản phẩm với hàm lượng cân đối cho cây trồng, vì được các nhà SX định lượng theo công thức sau khi thực hiện thí nghiệm trên đồng ruộng.

Sản phẩm phân trung vi lượng trên nền hữu cơ có rất nhiều tác dụng:

Một là, chất hữu cơ là vật liệu lý tưởng giúp cải tạo chất lượng đất trồng, làm tăng độ tơi xốp, tăng khả năng giữ ẩm và các chất dinh dưỡng (kể cả các thành phần phân bón), tạo ra môi trường sống phong phú cho quần thể sinh vật đất.

Hai là, các loại acid mùn như acid humic và acid fulvic, là thành phần chủ yếu của hợp chất mùn trong vật chất hữu cơ, có chức năng kích thích hệ rễ cây trồng phát triển mạnh mẽ, giúp cây trồng hấp thu tốt các chất dinh dưỡng và tăng cường khả năng chống chịu đối với các tác nhân gây bệnh trong đất (như tuyến trùng, nấm bệnh hại rễ…).

Một sản phẩm phân trung vi lượng

Ba là, các chất trung, vi và siêu vi lượng được lưu giữ bởi thành phần keo mùn của hợp chất hữu cơ, làm giảm thất thoát và cung cấp dinh dưỡng liên tục cho cây trồng.

Vai trò của một số chất trung vi lượng đối với quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng như:

(1) Canxi (Ca) cần thiết cho sự phân chia tế bào cây trồng được bình thường, được xem như chất giải độc bằng cách trung hòa acid hữu cơ, tăng khả năng hút đạm và tăng tính chống chịu;

(2) Magiê (Mg) là nhân của diệp lục tố, giúp cây hút lân dễ dàng, vận chuyển lân và chất đường trong cây diễn ra nhanh hơn;

(3) Lưu huỳnh (S) là thành phần của các axit amin tạo mùi thơm, protein, coenzyme A và các vitamin.

Lưu huỳnh làm tăng chất lượng nông sản như tăng mùi thơm cho cà phê, trái cây, tăng hàm lượng dầu cho cây cọ dầu, đậu phộng;

(4) Silic (Si) làm cho cây cứng cáp, chống đổ ngã, tăng diện tích quang hợp của lá và chống chịu sâu bệnh, khô hạn, nhiễm mặn, ngộ độc hữu cơ và hấp thu tốt dinh dưỡng;

(5). Đồng (Cu) thúc đẩy chức năng hô hấp của cây, xúc tiến quá trình hình thành vitamin A. Đồng thời, làm tăng hiệu lực hấp thu kẽm, Mangan, Bo…;

(6) Kẽm (Zn) tăng khả năng chịu hạn, tăng cường khả năng sử dụng lân và đạm. Cây thiếu Zn bị giảm năng suất rõ rệt;

(7) Sắt (Fe) có vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp của cây, thiếu Fe cây không thể tổng hợp diệp lục và lá bị hủy hoại;

(8) Mangan (Mn) làm cho rễ to khỏe, nẩy mầm sớm, trổ bông đều, tỷ lệ đậu trái cao, hạt chắc mẩy và làm tăng hiệu lực hút lân;

(9) Bo (B) tăng tỷ lệ ra hoa, đậu trái; thiếu Bo cây dễ bị thối noãn khi trổ hoa; lá phát triển không bình thường, nửa trên của lá có màu vàng xanh ô liu hoặc xanh vàng, hoặc rụng trái non;

Một sản phẩm phân trung vi lượng

(10) Molyden (Mo) xúc tiến quá trình cố định và sử dụng đạm của cây, cần thiết cho vi khuẩn (Rhizobium) cố định đạm. Molyden có mặt trong thành phần các hợp chất hữu cơ;

(11) Clo (Cl) tham gia vào các phản ứng chuyển hóa năng lượng trong cây, hoạt hóa các men, vận chuyển của canxi, magiê, kali trong cây; kiểm soát sự thoát hơi nước của cây;

(12) Coban (Co) rất cần cho quá trình cố định đạm không khí của vi sinh vật, cây họ đậu.

Co làm tăng khả năng hút lân của cây.

Co rất thích hợp với các loài cây có nhiều vitamin B12.

Ngoài ra, các sản phẩm phân bón trung vi lượng trên nền chất hữu cơ được sản xuất dưới 2 dạng phổ biến là:

i) Dạng bột: Được khuyến cáo sử dụng cho cây trồng cạn như rau, đậu, bắp (ngô), cây ăn quả, cây cà phê, cây hồ tiêu…

ii) Dạng hạt: Khuyến cáo sử dụng cho ruộng lúa hoặc trộn chung với các loại phân NPK dạng hạt và bón bằng máy cho vườn cao su, khoai mì, mía…


Related news

tang-nhanh-cong-trinh-khi-sinh-hoc-co-nho Tăng nhanh công trình khí… phan-bon-huu-co-cho-cay-co-mui Phân bón hữu cơ cho…