Tin thủy sản Lợi nhuận từ nuôi cá giò trên biển tại Khánh Hòa

Lợi nhuận từ nuôi cá giò trên biển tại Khánh Hòa

Author Ngọc Diệp, publish date Wednesday. January 6th, 2021

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa đã thực hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả cao. Trong đó, mô hình nuôi cá giò bằng lồng tròn HDPE được đánh giá là đáp ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích.

Nhiều tiềm năng nuôi biển

Tỉnh Khánh Hòa có diện tích tự nhiên là 5.217,6 km2 (kể cả các đảo, quần đảo) chỉ đứng vào loại trung bình trên toàn quốc nhưng lại có diện tích vùng mặt nước phong phú, rộng gấp nhiều lần đất liền.

Bên cạnh tôm hùm, TTCT và các loại nhuyễn thể khác thì cá biển nuôi được Khánh Hòa xác định là trong những đối tượng nuôi chủ lực. Hiện nay, số lượng lồng nuôi cá biển thương phẩm hơn  9.973 lồng/60.093 lồng nuôi thủy sản trên toàn tỉnh, với sản lượng cá biển đạt 3.972 tấn. Đặc biệt trên địa bàn tại Khánh Hòa có hai đơn vị nuôi biển với quy mô công nghiệp lồng tròn Na Uy đó là Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, nuôi cá chẽm với sản lượng 3.000 – 4.500 tấn/năm và Cơ sở NTTS của Viện Nghiên cứu NTTS I tại vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh nuôi cá chim vây vàng với sản lượng  250 – 300 tấn/năm, với công nghệ nuôi hiện đại, cho sản lượng hàng hóa lớn xuất đi các thị trường Mỹ, châu Âu, Đài Loan và Hàn Quốc.

Các đối tượng nuôi trên, hiện nay đã chủ động sản xuất giống nhân tạo. Toàn tỉnh có 15 trại sản xuất cá giống, trong đó có 3 trại sản xuất giống có cá bố mẹ, còn lại các trại khác chủ yếu mua trứng về ương lên thành con giống, sản lượng sản xuất 18 triệu con/năm. Ngoài ra, Khánh Hòa còn có một lượng giống cá biển nhập khẩu từ nước ngoài về và được kiểm tra, xét nghiệm bệnh hoại tử thần kinh (VNN).

Tăng lợi nhuận

Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa cho biết, xuất phát từ thực tiễn, Trung tâm triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò (Rachycentron canadum)” bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn từ 2020 – 2022 tại các vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh.

Tham gia mô hình, ông Nguyễn Xuân Hòa, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh cho biết, đây là mô hình nuôi lồng mới theo kiểu Na Uy, chống chịu được gió bão lớn (tương đương cấp 12) mà Công ty Australis, Viện nghiên cứu NTTS I đã đầu tư và mang lại hiệu quả kinh tế nhất định. Cách thức nuôi chuyển từ lồng bè gỗ truyền thống sang lồng HDPE kiểu Na Uy, để có thể nuôi xa bờ tại các vùng biển hở có chất lượng nước phù hợp cho cá biển, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp vùng ven bờ.

Hiện nay, gia đình ông Hòa có tổng cộng 150 lồng gỗ truyền thống với kích thước lồng nuôi trung bình là 4x4x5 m, trong đó 70 lồng nuôi tôm hùm và 80 lồng nuôi cá biển. Dự kiến cuối năm 2020 sản lượng tôm hùm (bông, xanh) thu hoạch khoảng 1 tấn; cá biển thu khoảng 10 tấn (50% cá chim và 50% cá mú, cá giò), với giá bán tôm hùm bông từ 1 – 1,2 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh 0,5 – 0,7 triệu đồng/kg và cá biển bình quân từ 80.000 – 100.000 đồng/kg thì doanh thu dự kiến hơn 2 tỷ đồng.

“Riêng lồng HDPE kiểu Na Uy được Nhà nước hỗ trợ đầu tư, tôi thả hơn 900 con cá giò (cá bớp) với kích thước từ 18 – 20 cm/con, mật độ thả 8 con/m3 được ương nuôi trong 1 lồng trong thời gian từ 3 – 4 tháng (cá đạt trọng lượng 1 – 1,5 kg/con) thì tiến hành chuyển sang lồng nuôi HDPE (thể tích 500 – 600 m3) để đảm bảo cá sinh trưởng và phát triển tốt nhất; đến nay cá thả nuôi được hơn 2,5 tháng, trọng lượng cá bình quân đạt từ 0,7 – 0,8 kg/con, cá sinh trưởng và phát triển rất tốt” – ông Hòa cho biết.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi, ông Hòa thông tin, cá giò có tốc độ tăng trưởng nhanh, trong điều kiện nuôi sau 12 tháng, cá có thể đạt trọng lượng 5 – 6 kg và 2 năm có thể đạt 8 – 10 kg; là loài cá biển rất thích hợp nuôi các vùng biển hở, phù hợp với thời tiết vùng nuôi tại tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần phải ghi chép nhật ký, theo hoạt động bắt mồi và tốc độ sinh trưởng, phát triển của cá, định kỳ tắm nước ngọt hoặc formol cho cá nuôi, cũng như có biện pháp phòng trừ bệnh phù hợp, kịp thời để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ hiệu quả của mô hình, Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa sẽ tiếp tục tham mưu Sở NN&PTNT tỉnh để phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành xây dựng Đề án chuyển đổi nuôi cá biển bằng lồng bè gỗ truyền thống sang nuôi lồng làm bằng vật liệu mới (lồng HDPE kiểu Na Uy); đáp ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, có thể nuôi xa bờ, tạo ra sản phẩm an toàn và đảm bảo môi trường nuôi…


Related news

xu-ly-nuoc-ao-nuoi-nhiem-phen Xử lý nước ao nuôi… vai-tro-cua-dau-nhuyen-the-tren-tom-hau-au-trung Vai trò của dầu nhuyễn…