Tôm thẻ chân trắng Lựa chọn thức ăn trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Lựa chọn thức ăn trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Author Cù Huy Cung, publish date Monday. December 28th, 2020

Những năm qua, đã có nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ ứng dụng trong nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng, được triển khai ở nhiều công đoạn suốt quá trình nuôi. Trong đó, thức ăn là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả.

Lựa chọn thức ăn

Hiện nay, có 3 loại thức ăn dành cho tôm thẻ chân trắng:

  • Thức ăn tự nhiên: gồm các loại phiêu sinh vật (động vật và thực vật phù du), các mùn bã hữu cơ, các loại thực vật sống dưới nước.
  • Thức ăn tự chế được sản xuất từ nguồn nguyên liệu có sẵn như ốc, phụ phẩm công nghiệp, cá tạp…;
  • Thức ăn công nghiệp được các nhà máy sản xuất.

Tôm khi mới được thả, bà con nên lựa chọn thức ăn cho tôm thẻ chân trắng công nghiệp đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng cao. Ngoài ra, bà con nên bổ sung thêm các loại chế phẩm vi sinh, men tiêu hóa, Vitamin C và các loại khoáng chất cần thiết vào thức ăn để tăng sức đề kháng, giúp tôm chống lại virus gây bệnh.

Tôm thẻ chân trắng bắt mồi liên tục trong ngày, do đó, người nuôi nên cho tôm ăn 4 – 5 lần/ngày để hạn chế thức ăn dư thừa và tôm đói có thể tiếp cận với thức ăn. Không nên cho tôm ăn vào ban đêm nếu hệ thống quạt nước, sục khí của ao nuôi không đủ mạnh. Khi tôm được 30 ngày tuổi nên cho tôm ăn 4 bữa/ngày. Lượng thức ăn mỗi bữa có thể tương đương nhau hoặc điều chỉnh tùy thuộc điều kiện ao nuôi. Ở những vùng dịch bệnh đang bùng phát thì nên giảm lượng thức ăn cho tôm so với nhu cầu hoặc bỏ bớt cữ trưa khi thời tiết quá nắng nóng.

Quản lý chặt chẽ 

Khi tôm thả 7 – 10 ngày, cho tôm ăn cách bờ 2 – 4 m, thức ăn ở giai đoạn này là dạng bột mịn, vì vậy cần tắt quạt nước và trộn thức ăn với nước rồi tạt xuống ao.

Ngày thứ 10 sau khi thả giống, cho lượng ít thức ăn dạng cỡ nhỏ vào sàng để tôm làm quen và dễ kiểm tra lượng thức ăn dư. Sàng đặt nơi bằng phẳng, cách bờ 1,5 – 2 m sau cánh quạt nước 12 – 15 cm, không đặt ở góc ao, khoảng 1.600 – 2.000 m2 đặt một sàng.

Sau 15 ngày, có thể sử dụng các chất bổ cung cấp vitamin, khoáng chất theo chỉ định của nhà sản xuất giúp tăng cường sức khỏe cho tôm.

Đối với thức ăn cho tôm thẻ chân trắng, ngày đầu tiên cho 2,8 – 3 kg/100.000 giống. Sau 10 ngày đầu tiên, cứ 1 ngày tăng 0,4 kg/100.000 giống. Từ ngày thứ 10 đến 20, cứ 1 ngày tăng 0,5 kg/100.000 giống.

Nếu hết thức ăn trong 2 ngày liền thì tăng cường thức ăn lên 10 – 20%. Nếu tôm không sử dụng hết thức ăn hoặc trường hợp thay thức ăn khác nên kiểm tra ruột tôm, phân tôm, giảm thức ăn từ 30 – 50%.

Bà con nên thường xuyên kiểm tra, quan sát ao tôm để có những phương án điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm thẻ chân trắng phù hợp. Sau khi thả được 30 ngày nên tiến hành bắt tôm để kiểm tra trọng lượng, so sánh với bảng hướng dẫn cho ăn, sau đó định kỳ 10 ngày kiểm tra trọng lượng tôm 1 lần và tiến hành điều chỉnh thức ăn theo bảng hướng dẫn.

Giảm khẩu phần ăn 20 – 30% khi tôm lột vỏ; 30 – 50% khi trời nóng bức hoặc có mưa to; 30 – 50% khi pH biến động mạnh, NH3 vượt quá 0,3 – 0,5 mg/L, khí độc H2S quá 0,005 mg/L (bùn đáy hoặc nước có mùi trứng thối).

Trung bình mỗi ao 2.000 – 2.500 m2 dùng từ 1 – 2 nhá, có kích thước 80 × 80 cm.

Lượng thức ăn cho vào mỗi nhá tăng dần theo thời gian nuôi. Khoảng 60 – 120 phút sau khi cho ăn, kéo nhá để xem lượng thức ăn thừa và quan sát đường ruột của tôm. Nếu đường ruột tôm đầy và có màu của loại thức ăn sử dụng là tốt. Tôm rỗng ruột hoặc thức ăn trong ruột có màu sắc lạ là những dấu hiệu bất ổn, cần phải kiểm tra.

Nếu thức ăn trong nhá được tôm ăn hết và môi trường ao nuôi tốt, có thể tăng lượng thức ăn của ngày tiếp theo thêm 5%. Ngược lại, nếu thức ăn trong nhá còn thừa 5 – 10% thì cắt giảm ngay khoảng 5% lượng thức ăn ở cữ tiếp theo, nếu thức ăn trong nhá còn thừa 10 – 20% thì giảm 10% lượng thức ăn cho lần kế tiếp. Nếu lượng thức ăn trong nhá còn > 25% thì ngưng 2 lần cho ăn và bắt đầu lại với lượng thức ăn ít hơn 10%.

Các chất bổ sung phải không có tính đối kháng nhau và nên được trộn vào thức ăn khoảng 60 – 90 phút trước khi cho tôm ăn. Người nuôi có thể sử dụng chuối chín xay nhuyễn để làm chất kết dính hoặc sử dụng chất kết dính chuyên dụng có bán trên thị trường. Lưu ý là các dụng cụ dùng để chứa, trộn và hong khô thức ăn cần được rửa sạch, sát khuẩn và phơi khô sau mỗi lần sử dụng.

Lưu ý, theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển mà cách quản lý thức ăn cho tôm thẻ chân trắng đóng vai trò, ý nghĩa quan trọng khác nhau trong ngành nuôi tôm thẻ. 

Trong nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp, chi phí thức ăn chiếm 50 – 60% giá thành sản xuất; do đó, việc lựa chọn và quản lý thức ăn để nuôi tôm phù hợp và đạt hiệu quả kinh tế là vấn đề quan trọng. Nếu quản lý thức ăn không tốt, giá thành nuôi tôm sẽ tăng, thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường. Đối với những mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, việc cho tôm ăn gì theo đúng quy tắc là vô cùng quan trọng.


Related news

lua-chon-bo-gen-khang-virus-gay-benh-dom-trang-tren-tom-the Lựa chọn bộ gen kháng… kich-thich-phan-ung-mien-dich-cua-tom-the-bang-nam-men Kích thích phản ứng miễn…