Tin nông nghiệp Lúa Kim cương 111 được mùa

Lúa Kim cương 111 được mùa

Author Sao Mai, publish date Wednesday. September 27th, 2017

Kim cương 111 đã chứng tỏ được nhiều đặc tính vượt trội so với các giống lúa thuần khác cả về năng suất, chất lượng và thời gian sinh trưởng. Kháng bệnh bạc lá khá, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh.

Đại biểu tham dự hội thảo đầu bờ tại xã Thanh Liên

Vừa qua, Chi nhánh miền Trung - Cty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) cùng Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An và lãnh đạo một số HTX ở Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả giống lúa thuần Kim cương 111 tại địa bàn 2 huyện Thanh Chương, Đô Lương.

Ông Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Chi nhánh miền Trung của Vinaseed cho biết, Kim cương 111 là giống lúa thuần do Cty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) thuộc Vinaseed chọn tạo, được trồng thử nghiệm rộng rãi tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Kim cương 111 đã chứng tỏ được nhiều đặc tính vượt trội so với các giống lúa thuần khác cả về năng suất, chất lượng và thời gian sinh trưởng. Kháng bệnh bạc lá khá, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh. Đây là giống lúa cảm ôn nên gieo cấy được cả vụ xuân và hè thu - mùa.

Kim cương 111 có chiều cao trung bình khoảng 100 - 110cm, dạng hình gọn lá cứng màu xanh đậm, góc lá đòng hẹp, chịu thâm canh tốt, đẻ nhánh nhanh, cây cứng chống đổ tốt, trổ thoát cổ bông, bông to, hạt dài, tỷ lệ bông hữu hiệu cao. TGST vụ xuân tại các tỉnh phía Bắc từ 130 - 135 ngày; vụ mùa từ 100 - 105 ngày. Riêng vụ HT tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, so với giống lúa Khang dân 18 (đối chứng), Kim cương 111 có TGST tương đương.

Năng suất bình quân vụ xuân dao động từ 7 - 7,5 tấn/ha. Ruộng đầu tư thâm canh có thể đạt 8 - 9 tấn/ha.

Vụ HT 2017, Kim cương 111 được HTXNN Thanh Liên (Thanh Chương) tiếp tục làm khảo nghiệm trên diện tích 2ha, theo hướng dẫn của đội ngũ kỹ sư, bà con áp dụng nhiều hình thức gieo cấy khác nhau như: gieo mạ khay, cấy bằng máy; gieo mạ cấy bằng tay và gieo sạ. Cả 3 hình thức gieo cấy nói trên, Kim cương 111 đều cho năng suất, bình quân trên dưới 300 kg thóc/sào Trung bộ (6 tấn/ha).

Theo ông Nguyễn Xuân Đắc, Giám đốc HTXNN Thanh Liên, vụ HT 2017, lúa Kim cương 111 được HTX bố trí gieo cấy trên diện tích đất lúa cuối nguồn nước và nghèo dinh dưỡng nên năng suất bình quân 6 tấn/ha là rất đáng ghi nhận. Năm nay, lúa HT bị nhiễm sâu cuốn lá và bệnh bạc lá khá phổ biến nhưng không thấy xuất hiện trên mô hình HTX triển khai.

Ông Lê Văn Chiến, Trạm phó Trạm Khuyến nông Đô Lương cho biết: "Khi triển khai 5ha mô hình lúa Kim cương 111 tại 2 xóm 4 và 6 của xã Đà Sơn chúng tôi cũng rất lo. Xã Đà Sơn nằm sát sông Lam, địa hình canh tác thấp nên làm vụ HT sợ nhất là lũ về trước 2/9 thì diện tích lúa đều bị ngập úng, dễ mất trắng. Vì thế người dân chỉ tập trung làm vụ xuân, còn vụ HT làm kiểu được chăng hay chớ. Tâm lý đó khiến nhiều hộ không đầu tư thâm canh đúng quy trình kỹ thuật... Ai cũng nghĩ mô hình sẽ khó thành công. Thế mà cuối vụ không ngờ Kim cương 111 vẫn cho năng suất thực thu 60,2 tạ/ha".

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra chất lượng lúa Kim cương 111

Ông Nguyễn Trọng Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Đà Sơn cho biết thêm: "Vụ xuân 2016, bà con xóm 6, xã Đà Sơn đã làm mô hình Kim cương 111 nên dân chúng tôi đã bắt đầu “kết” với giống lúa này bởi mấy lý do: Thứ nhất là nó chịu rét tốt hơn một số giống lúa khác. Thứ hai là năng suất ổn định. Thứ ba là chất lượng hạt gạo ngon, cơm thơm, dẻo ăn rất ngon miệng".

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương khẳng định: “Hạt gạo kim cương 111 ngon hơn so với các loại gạo khác. Qua sử dụng gạo Kim cương 111 SX trong vụ xuân 2017, ai cũng đánh giá gạo và cơm có độ thơm, ngon, dẻo, ăn rất vừa miệng. Tôi tin rằng gạo Kim cương 111 đưa ra thị trường sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì thế, huyện nghị Vinaseed tiếp tục khảo nghiệm để được công nhận chính thức. Chúng tôi mong muốn sau khi được công nhận chính thức, Kim cương 111 sẽ là giống lúa chính tại địa phương để dùng làm thương hiệu gạo của huyện”.

Qua theo dõi các mô hình đã triển khai tại Nghệ An, ông Nguyễn Văn Lý tin rằng, trên kết quả thành công của các mô hình trong vụ xuân và vụ HT năm nay, sang năm 2018, Kim cương 111 sẽ có cơ hội để nông dân trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh yên tâm khi mở rộng diện tích.


Related news

mot-so-giong-rau-an-qua-phu-hop-san-xuat-vu-dong Một số giống rau ăn… trai-thanh-long-tuoi-cua-viet-nam-bat-dau-duoc-bay-ban-o-australia Trái thanh long tươi của…