Mai nở sớm, nhà nông “héo ruột”
Khác với cảnh đông vui, nhộn nhịp chăm sóc hoa, kiểng phục vụ Tết Nguyên đán những năm trước, những ngày gần đây nhiều người dân miền Tây đứng ngồi không yên trước tình trạng hoa mai chuẩn bị cho Tết Đinh Dậu nở sớm vì thời tiết...
Trong ảnh: Vườn mai nở sớm của ông Sơn. Ảnh: H.X
Mai nở sớm do sốc nhiệt
Đến làng mai vàng cổ thụ Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), gặp ai cũng thấy thở than, rầu rĩ về việc cây mai vàng đột ngột nở hoa sớm. Tình trạng này xảy ra ở nhiều nhà vườn và hầu hết các chậu mai nên bà con rất lo lắng sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp mai cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.
Vụ hoa cúc bị thiệt hại này, người dân, đại lý, công ty và cả ngành chức năng đều phải rút kinh nghiệm. Tức là cần có những cam kết cụ thể với nhau trước khi sản phẩm thuốc được phun, để khi có sự cố thì các bên phải có trách nhiệm. Tình trạng này cũng là hồi chuông cảnh báo, là bài học lớn trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”. Ông Bùi Thanh Liêm
Ông Lê Văn Tý – Trưởng ban đại diện làng mai vàng cổ thụ Phước Định thông tin: Tỷ lệ mai nở sớm khoảng 25-30%/cây. Một số vườn cây được chăm sóc tốt, tưới nước thường xuyên thì nở ít hơn, nhưng cũng khiến bà con lo lắng.
Cũng theo ông Tý, hiện làng mai có trên 500 cây mai vàng cổ thụ (trên 100 năm tuổi). Những năm gần đây, do tình hình kinh tế khó khăn nên số lượng người mua mai chơi tết cũng ít đi. Theo đó, những cây mai có gốc to, lâu năm trở nên khó bán, vì vậy việc mai nở sớm càng khiến người trồng mai thêm khó khăn.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các địa phương thuộc tỉnh Vĩnh Long như thị xã Bình Minh, TP.Vĩnh Long, huyện Mang Thít… hay ở TP.Cần Thơ và Đồng Tháp cũng xảy ra tình trạng mai nở hoa sớm. Ông Nguyễn Hồng Sơn ở ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh nói: “Mai của tôi vừa bị nở cách đây 2 ngày. Đúng ra nó phải nở vào tháng chạp (tháng 12 âm lịch) thì mới kịp chưng trong những ngày tết”.
Hiện gia đình ông Sơn đang có hàng chục gốc mai để bán tết nhưng hầu hết đã nở hoa với tỷ lệ trên từ 40-50%/cây. Theo ông Sơn, tình trạng này không chỉ xảy ra riêng ở khu vườn nhà ông mà diễn ra ở nhiều địa phương, nguyên nhân là do thời tiết thay đổi thất thường. “Mưa kéo dài nhiều ngày rồi lại đột ngột xuất hiện nắng gắt, khiến cho cây bị sốc nhiệt nên dẫn đến tình trạng hoa bị nở sớm” – ông Sơn cho biết.
Cũng như ông Sơn, theo một số nhà vườn trồng mai lâu năm, sở dĩ mai bung cánh vào thời điểm này là do cây bị sốc nhiệt, vì trước đó mưa liên tục kéo dài, sau đó lại xảy ra nắng gắt. Nếu nhà vườn không duy trì tưới nước đều đặn sau khi dứt mưa, cây sẽ bung nụ, nở hoa sớm. Với thời điểm ra hoa sớm, cây mai sẽ khó hồi phục để có thể ra hoa chất lượng trong dịp tết, nhà vườn lại tốn thêm chi phí để vặt nụ, bón thêm phân, thuốc.
Cúc lụi tàn vì phun “nhầm” thuốc?
Hoa cúc của người dân xã Long Thới bị hư hại sau khi phun thuốc. Ảnh: H.X
Không chỉ do thời tiết thay đổi thất thường làm việc sản xuất hoa tết của người dân lâm vào cảnh khó khăn, rất nhiều hộ dân ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - “vương quốc” của hoa, cây kiểng ở miền Tây phải “ngậm đắng nuốt cay” vì phun “nhầm” thuốc bảo vệ thực vật.
Thay vì tất bật chăm lo cho những chậu cúc mâm xôi và cúc Hà Lan đang chuẩn bị ươm nụ, ông Trịnh Văn Vo ngụ xã Long Thới phải ngậm ngùi đem bỏ hơn 1.000 chậu sau khi phun thuốc trừ bệnh hiệu Hope 27 WP. Ông Vo cho biết, người dân trồng hoa ở đây đã rất quen thuộc với loại thuốc này vì chúng giúp dưỡng cây và mướt lá. Nhưng lần phun này, toàn bộ vườn cúc của gia đình bị hư hại.
Còn ông Đặng Văn Diếm (cùng ngụ ở xã Long Thới) thì cho biết, trên 1.100 chậu cúc mâm xôi và cúc Hà Lan có sử dụng thuốc trừ bệnh Hope 27 WP đã không phát triển dù được phát hiện sớm. Trong khi những chậu cúc chưa kịp phun loại thuốc này thì lại xanh tốt, nhánh nở và phát triển.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện toàn có khoảng 17.200 chậu cúc của hơn 10 hộ dân ở xã Long Thới được phát hiện bị thiệt hại sau khi phun thuốc trừ bệnh Hope 27 WP.
Tuy nhiên, theo báo cáo trình bày của Công ty cổ phần Thuốc bảo vệ thực vật Việt Trung chi nhánh tại Long An – nơi cung cấp loại thuốc trên - gửi ngành chức năng tỉnh Bến Tre thì thuốc trên chỉ “đặc trị thán thư vải” và công ty chỉ “cam kết chịu trách nhiệm nếu sản phẩm gây thiệt hại trên cây vải” và “những thông tin hình ảnh khác trên bao bì phía công ty đã ghi rõ là chỉ mang tính chất tham khảo”.
Về sự việc trên, ông Bùi Thanh Liêm – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chợ Lách nói: “Quy định của cơ quan chức năng trên bao bì phải ghi rõ ràng, công ty ghi là trị thán thư trên cây vải thì chỉ in hình trái vải thôi, còn thuốc này in hình nhiều loại cây khác nhau. Thuốc này trước đây người dân đã sử dụng rồi, nhưng bây giờ mới xảy ra tình trạng trên nên có thể lô hàng này có vấn đề về hoạt chất hoặc phụ gia. Vì vậy, nhà sản xuất phải xem lại”.
“Hiện người dân và các đại lý đã thoả thuận được theo hướng đại lý hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, phía nhà sản xuất phải xem xét lại trách nhiệm của mình. Tôi cho rằng, phía công ty không có trách nhiệm vì ở miền Nam không có cây vải, sao lại đem thuốc này vào đây bán để có doanh thu khi có sự cố thì công ty lại quay lưng đi, đổ trách nhiệm cho đơn vị bán và người dân…” – ông Liêm thông tin thêm.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao