Mô hình kinh tế Manh Nha Mô Hình Nuôi Động Vật Hoang Dã

Manh Nha Mô Hình Nuôi Động Vật Hoang Dã

Publish date Wednesday. November 20th, 2013

Nói về mô hình nuôi động vật hoang dã, ông Nguyễn Tấn Lực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), nhận định: Các mô hình này rất có tiềm năng, phù hợp với tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như chương trình phát triển nông nghiệp đô thị, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn huyện, nhất là tại các xã xây dựng NTM trong tương lai…

Vài năm gần đây, nhiều hộ dân tại huyện Dầu Tiếng đang xây dựng các mô hình chăn nuôi một số loài động vật hoang dã. Các loài động vật hoang dã được nông dân Dầu Tiếng chọn nuôi khá phong phú bao gồm cá sấu, rắn ráo trâu, nhím, trĩ đỏ, cầy vòi hương, rùa, kỳ đà, heo rừng, cua đinh…

Tại huyện Dầu Tiếng hiện có khoảng 70 hộ dân tham gia mô hình nuôi các loại động vật hoang dã, chủ yếu tập trung tại một số địa bàn như thị trấn Dầu Tiếng, xã Thanh Tuyền, Long Hòa, Minh Tân, An Lập, Minh Thạnh, Long Tân, Minh Hòa, Định Hiệp. Nhìn chung, tại các mô hình, thủ tục, quy trình về bảo đảm độ an toàn chuồng trại luôn được những hộ dân thực hiện một cách nghiêm ngặt.

Ông Nguyễn Văn Tàu, hộ nuôi cá sấu tại xã Định Hiệp là một trong những nông dân điển hình, thành công trong việc nuôi động vật hoang dã của huyện Dầu Tiếng. Hiện tại ông Tàu nuôi khoảng 500 con cá sấu với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. “…Nuôi cá sấu không khó nhưng đòi hỏi phải tuân thủ theo các quy định về thủ tục cũng như kỹ thuật nuôi. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho cá sấu cũng phải được chủ động.

Khi tham gia làm mô hình này tôi cũng nhận được sự hướng dẫn của cán bộ Phòng Kinh tế huyện về việc làm các thủ tục cấp phép nuôi; được tạo điều kiện đi tham gia các lớp tập huấn, cung cấp thêm tài liệu để nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình…”, ông Tàu cho biết.

Chính nhờ nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện kịp thời của chính quyền địa phương mà ông Tàu đã yên tâm xây dựng mô hình. Trong thời gian tới, ông đang có ý định đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, phát triển chăn nuôi mạnh mẽ hơn. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Tàu cũng còn mong muốn truyền đạt những kinh nghiệm về nuôi cá sấu cho các hộ dân khác.

Hai loài động vật hoang dã được nông dân huyện Dầu Tiếng nuôi nhiều nhất là nhím và rắn ráo trâu. So với nhím, nuôi rắn ráo trâu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thời gian cuối năm 2012 và đầu năm 2013 phong trào nuôi rắn ráo trâu tại nơi đây phát triển mạnh do rắn ráo trâu có giá.

Có giai đoạn rắn ráo trâu có giá bán trên 1 triệu đồng/kg. Anh Phạm Văn Lòng, hộ nuôi rắn ráo trâu tại xã An Lập, huyện Dầu Tiếng cho biết, nuôi rắn ráo trâu không sợ mạo hiểm vì dễ nuôi nếu chủ động được nguồn thức ăn (ếch, nhái...). Với nuôi rắn ráo trâu, việc thiết kế chuồng trại cũng không quá phức tạp, vốn đầu tư ban đầu thấp, người nông dân bình thường cũng có thể nuôi được.

Chỉ với vài chục con rắn ráo trâu, năm ngoái anh Lòng đã có nguồn thu gần trăm triệu đồng. Tuy nhiên, anh Lòng cho rằng, nuôi rắn ráo trâu hay các loại động vật hoang dã khác, người chăn nuôi cần xây dựng chuồng trại cho hợp lý, nhiều khi quá kiên cố cũng chưa chắc đã tốt, điều quan trọng là phải chú ý đến các yếu tố về nhiệt độ, độ sáng, hướng chuồng trại... Bên cạnh đó, người nuôi cũng phải chủ động phát hiện bệnh trên các loại vật này nên cũng cần có lòng đam mê, thường xuyên chăm lo chuồng trại mới có thể thành công.

Ông Nguyễn Tấn Lực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng, nhận định, các mô hình nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện rất có tiềm năng, rất phù hợp với tiến trình xây dựng NTM cũng như chương trình phát triển nông nghiệp đô thị, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn huyện, nhất là tại các xã xây dựng NTM trong tương lai…

Tại một số mô hình nuôi động vật hoang dã của Dầu Tiếng, người dân đang có xu hướng mở rộng nuôi các loại cá sấu, trĩ đỏ, nhím bởi không tốn quá nhiều quỹ đất, thiết kế chuồng trại đơn giản, vật nuôi ít bệnh nên nguồn lợi kinh tế của người chăn nuôi được bảo đảm. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình này cũng mới chỉ mang tính tự phát. Để có thể xây dựng các mô hình nuôi động vật hoang dã phù hợp với khả năng, bảo đảm các yếu tố về kỹ thuật, lợi nhuận, người chăn nuôi rất cần được tư vấn kịp thời cũng như nhận được sự hỗ trợ về đầu ra để các mô hình này có thể phát triển ổn định.


Related news

90-dien-tich-lua-duoc-thu-hoach-bang-may 90% Diện Tích Lúa Được… nuoi-trong-thuy-san-trong-mua-mua-bao Nuôi Trồng Thủy Sản Trong…