Cá tra, basa Mật độ và kích cỡ phiêu sinh vật quyết định tỉ lệ sống cá tra bột

Mật độ và kích cỡ phiêu sinh vật quyết định tỉ lệ sống cá tra bột

Author Phạm Thanh Liêm, Võ Thanh Toàn, Nguyễn Hồng Quyết Thắng, publish date Monday. October 5th, 2020

Nghề nuôi cá tra Pangasianodon hypophthalmus ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh từ 1996, khi sản xuất giống nhân tạo loài này thành công, và hiện tại được canh tác mức độ thâm canh trong ao. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong sản xuất giống cá tra hiện nay là tỉ lệ chết cao, có khi lên đến 90% giai đoạn từ cá bột lên hương.

Mật độ và kích cỡ phiêu sinh vật làm thức ăn ban đầu có ảnh hưởng đến tỉ lệ sống của cá tra bột.

Nguyên nhân chủ yếu gây chết là do hiện tượng cá ăn thịt lẫn nhau trong khoảng thời gian 40 giờ sau khi nở đến 3 ngày tuổi và không có đủ thức ăn phù hợp (Phạm Thanh Liêm và ctv., 2016). Cải thiện tỉ lệ sống của cá tra giai đoạn ương từ cá bột lên cá giống là một giải pháp cải thiện chất lượng giống và nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Một số giải pháp nhằm cải thiện tỉ lệ sống của cá tra đã thực hiện như thả cá bột sớm (20-24 giờ sau khi nở) vào ao đã được gây nuôi thức ăn tự nhiên có thể hạn chế tập tính ăn thịt lẫn nhau làm nâng cao tỉ lệ sống lên đến 15-20%. Cá có cỡ miệng 190-250 µm sau khi nở 30 giờ  thì cá tra bột có thể ăn các cá thể Cladocera kích thước nhỏ tại thời điểm ăn thức ăn ngoài, việc cung cấp luân trùng (từ 5-7 cá thể/mL) trong 3 ngày đầu đã cải thiện đáng kể tỉ lệ sống của cá tra bột (Phạm Thị Hồng, 2012). 

Các yếu tố khác có ảnh hưởng đến tỉ lệ sống của các tra bột bao gồm mật độ nuôi, khẩu phần ăn và mật độ mồi. Slembrouck et al. (1999) ương cá tra với khẩu phần ăn gấp 9 lần khả năng bắt mồi (tương đương 27 Artemia/cá bột) thì tỉ lệ sống của cá tra bột đạt cao nhất (60,5%) ở mật độ ương 10 con/L tiếp theo là ở mật độ 30 con/L (52%). Ngoài ra, bổ sung tảo vào bể ương cá bơn Đại Tây Dương có ảnh hưởng đến chế độ sáng trong bể, do đó làm thay đổi tập tính phân bố và bắt mồi của cá bột (Naas et al., 1992). 

Vì vậy, trong nghiên cứu này thì các yếu tố ảnh hưởng đến tập tính ăn thịt lẫn nhau của cá tra bột bao gồm mật độ cá nuôi, mật độ và kích cỡ phiêu sinh vật làm thức ăn được khảo sát nhằm tìm kiếm các giải pháp nâng cao tỉ lệ sống của cá tra. 

Thí nghiệm ảnh hưởng của mật độ thả bột đến tỉ lệ sống của cá tra bột 

Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức mật độ nhằm tìm ra mật độ phù hợp cho ương cá tra trong hệ thống bể, làm cơ sở cho việc bố trí các thí nghiệm với mật độ và kích thước phiêu sinh vật. Cá tra bột (khối lượng trung bình 1,1 mg/con) được ương với 4 mật độ khác nhau là 5, 10, 15, và 20 con/L.

Cá bột được cho ăn thức ăn tự nhiên gồm hỗn hợp động vật phiêu sinh (gồm luân trùng và Moina) được nuôi cấy từ ao đất. Thức ăn được cấp vào bể ngay sau khi thả cá với mật độ mồi trong khoảng 5-7 cá thể/mL

Thí nghiệm ảnh hưởng của kích thước và mật độ thức ăn đến tỉ lệ sống của cá tra bột

Thí nghiệm này cá tra bột (1,1 mg/cá thể) được thả ương mật độ 5 cá/L (kết quả tốt nhất từ thí nghiệm thứ nhất). Thí nghiệm gồm 9 nghiệm thức (NT) với 3 kích cỡ con mồi là 60-90, 100-120, và 160-180 µm, kết hợp 3 mật độ con mồi là 5, 10, và 15 cá thể/mL. Thức ăn tự nhiên gây nuôi trong ao đất, được lọc qua 4 lưới lọc lần lượt là 200, 150, 100 và 60 µm. 

Thí nghiệm ảnh hưởng của mật độ tảo đến tỉ lệ sống của cá tra bột 

Cá bột thí nghiệm được ương nuôi trong môi trường nước xanh với 4 mật độ tảo khác nhau là 0,15, 0,3, 0,5 và 1,0 triệu tế bào/mL. Cá được thả ương với mật độ tốt nhất của thí nghiệm thứ nhất (5 con/L). Thức ăn tự nhiên và mật độ thức ăn là kết quả cho tỉ lệ sống cao nhất của thí nghiệm hai (cỡ thức ăn 100-120 µm, duy trì ở mật độ 10 cá thể/mL). 

Kết quả thí nghiệm cho thấy, mật độ và kích cỡ phiêu sinh vật làm thức ăn ban đầu có ảnh hưởng quyết định đến tỉ lệ sống của cá tra bột.

Duy trì mật độ phiêu sinh vật từ 5-7 con/mL và mật độ tảo từ 0,15-0,3 triệu tế bào/mL, tỉ lệ sống đạt cao nhất (30,1±5,7%) khi gia tăng mật độ ương cá gấp 5 lần (5 cá/L) so với mật độ ương trong ao đất. 

Tỷ lệ sống của cá tra bột chịu tác động tương tác (p<0,05) của mật độ và kích cỡ con mồi, tỉ lệ sống cao nhất (33,6 ± 6,6% và 27,9±1,9%) quan sát được khi cá ăn cỡ mồi 100-120 μm với mật độ 10 và 15 con/mL. Trong khi đó tăng trưởng của cá lại chịu ảnh hưởng bởi kích cỡ con mồi, với mồi cỡ 60-90 μm cá có tăng trưởng cao nhất (33,0±0,8 %/ngày). 

Gia tăng mật độ tảo có khả năng cải thiện tỉ lệ sống của cá tra bột. Mật độ tảo 1,0 triệu tế bào/mL cho tỉ lệ sống cao nhất (33,1±4,4%) và khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức không có tảo và các nghiệm thức có mật độ tảo từ 0,15 đến 0,5 triệu tế bào/mL. Mật độ tảo thích hợp giúp cá bột phân tán đều trong bể nuôi và giảm cơ hội tiếp xúc giữa các cá thể, hạn chế ăn thịt lẫn nhau.


Related news

cac-benh-thuong-gap-o-ca-tra-ca-basa-nuoi-o-viet-nam Các bệnh thường gặp ở… luu-y-uong-giong-ca-tra Lưu ý ương giống cá…