Mô hình kinh tế Mía Trổ Bông, Nông Dân Mếu Ở Quảng Ngãi

Mía Trổ Bông, Nông Dân Mếu Ở Quảng Ngãi

Publish date Tuesday. January 22nd, 2013

Vụ mía năm nay Công ty đường Quảng Ngãi thực hiện mua theo phương thức xác định chữ đường tại ruộng, được nông dân đồng tình ủng hộ. Sự minh bạch này đã xóa những nghi ngờ của nông dân về cách tính chữ đường của đơn vị thu mua. Tuy nhiên, gần 1/2 diện tích mía lại không được thực hiện theo phương thức này, gây ra tình trạng chậm trễ khiến mía già, trổ bông, sản lượng sụt giảm.

Vui...

Trên nhiều cánh đồng mía của tỉnh Quảng Ngãi nông dân đang tất bật vào vụ thu hoạch. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của họ vì năng suất cao, giá cả hợp lý và đầu ra khá thuận lợi. Ông Nguyễn Long ở xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) phấn khởi: “Ước tính năm nay gia đình thu hoạch khoảng hơn 50 tấn mía, với giá mía gần 1 triệu đồng/tấn, trừ chi phí sản xuất còn lãi khoảng trên 30 triệu đồng. Đặc biệt, việc Nhà máy đường Phổ Phong xác định chữ đường ngay tại ruộng khiến nông dân chúng tôi tin tưởng”. Còn ông Huỳnh Kim Sơn, một hộ trồng mía ở xã Phổ Nhơn bày tỏ: “Trước kia, chúng tôi đem mía nguyên liệu đến nhà máy cân, muốn biết mía của mình đạt bao nhiêu chữ đường chỉ biết nhìn bảng công bố hiển thị chữ đường do nhà máy lắp đặt thôi. Nông dân băn khoăn không biết nhà máy có gian lận trong cách tính chữ đường hay không. Giờ thì khỏi băn khoăn gì nữa”.

Do mía quá già, người dân phải làm sạch rễ mía mọc lên nửa thân cây mới bán được.

Phó Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong Tạ Công Tường cho biết: Để thuận lợi cho nông dân trồng mía, ngoài việc thu mua thông qua tiếp nhận mẫu ngẫu nhiên và phân tích chất lượng mía tại nhà máy, chúng tôi đã thực hiện mua mía theo phương thức xác định chữ đường tại ruộng đối với vùng mía tập trung, sinh trưởng đồng đều, thực hiện đầu tư đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Vùng mía tập trung phải có diện tích từ 3 ha trở lên. Bình quân 1 ha lấy khoảng từ 3 - 5 mẫu về phân tích tính chữ đường bình quân. Kết quả chữ đường bình quân sẽ được thông báo cho người dân. Nếu nông dân đồng ý thì sẽ tiến hành làm biên bản thu mua giữa hai bên.

Ông Tường cho biết: “Từ niên vụ 2008 - 2009, nhà máy đã áp dụng cách mua mía bình quân chữ đường tại ruộng thí điểm trên diện tích 10 ha tại xã Phổ Nhơn (Đức Phổ), sau đó mở rộng ra nhiều địa bàn khác trong tỉnh. Trong vụ mía 2011 - 2012, với diện tích hơn 5.000 ha, tổng sản lượng đạt 235.000 tấn, nhà máy đã thỏa thuận với nông dân tiến hành thu mua chữ đường tại ruộng chiếm khoảng 60% sản lượng cả vụ.

... Và buồn

Theo cách nói của ông Tường thì sẽ có 40% sản lượng không được xác định chữ đường ngay tại ruộng và sẽ có nguy cơ… ế. “Chi phí trồng và chăm sóc mía tăng trong khi năng suất giảm, mà giá thu mua lại thấp hơn năm ngoái. Nguyên nhân là do số diện tích này nằm ngoài kế hoạch xác định chữ đường ngay tại ruộng của nhà máy” - bà Nguyễn Thị Hiền, ở xã Bình Tân, huyện Bình Sơn cho biết. “Một sào mía, tui lỗ hơn 1 triệu đồng”, bà Phạm Thị Lan ở xóm Mỹ Yên nói. Bởi theo bà Lan thì niên vụ 2011 - 2012, mía đạt năng suất 4 - 4,5 tấn/sào nhưng vụ này chỉ được 2,5 - 3 tấn/sào. Đã thế, giá thu mua của nhà máy hiện chỉ ở mức 900.000 đồng/tấn với mía đạt 10 chữ đường (CCS), thấp hơn vụ trước gần 100.000 đồng/tấn. “Vậy là năm nay, cứ mỗi sào mía nông dân bị mất từ 1,2 đến 1,8 triệu đồng so với trước, chưa kể tiền đầu tư”.

Còn ông Nguyễn Văn Hiền thì lại khóc ròng vì vụ này cây mía đẩy cuộc sống gia đình ông rơi vào cảnh túng thiếu. Với số tiền từ 5 sào mía mang về (13,5 triệu đồng) không đủ để ông thanh toán chi phí phân bón, công thu hoạch, nói gì đến lợi nhuận. Ông Hiền đang lo sốt vó vì vụ sản xuất mới không biết lấy tiền đâu đầu tư.

Nếu như người trồng mía ở xóm Mỹ Yên hay “vựa mía” Hành Minh (Nghĩa Hành) buồn vì “thu không đủ chi” thì nông dân các địa phương như: Trà Bình (Trà Bồng), Bình Mỹ (Bình Sơn), Sơn Hạ (Sơn Hà) lại mất ăn mất ngủ vì mía trổ hoa trắng đồng. “Mía trổ bông chữ đường và sản lượng sụt giảm. Tụi tôi đã kiến nghị xã tạo điều kiện nhưng nửa tháng rồi vẫn chưa có phiếu đốn của nhà máy”, một nông dân xã Bình Tân, huyện Bình Sơn cho biết. “Nông dân không thể thu hoạch mía khi chưa được sự đồng ý của nhà máy. Do đó, chúng tôi rất mong nhà máy ưu tiên thu mua ở những vùng mía đã trổ bông. Tránh gây thêm thiệt hại cho người dân”, một cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Bình Sơn kiến nghị. “Vài năm trở lại đây, giá mía chẳng bao giờ ổn định mà cứ biến thiên theo kiểu vụ cao vụ thấp. Người trồng mía chẳng biết đâu mà lần. Chỉ biết là càng làm càng lỗ” - bà Phạm Thị Lan chia sẻ.

Còn với người dân ở xã Hành Minh, Hành Thiện thì giờ đây cây mía đã không còn “ngọt” như xưa. Bởi họ đã ngán ngẩm cảnh đợi chờ phiếu thu mua mía mỗi khi bước vào vụ thu hoạch. Có lẽ vì lý do này rất nhiều diện tích trồng mía trước đây đã được họ chuyển qua trồng các loại cây màu khác khiến lãnh đạo ngành nông nghiệp Quảng Ngãi cũng loay hoay tìm cách giữ chân diện tích mía nhưng vẫn không được.


Related news

nuoi-lon-rung-thai-lan-lai-cho-thu-nhap-cao Nuôi Lợn Rừng Thái Lan… trong-rau-diep-ca-dat-loi-nhuan-cao Trồng Rau Diếp Cá Đạt…