Miền Trung Cứu Gia Súc Trước Mùa Đông
Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, năm nay sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại xuất hiện, từ đó hàng triệu hộ nông dân ở miền Trung đã tất bật lo bảo vệ đàn trâu bò và đàn gia cầm an toàn. Hiện ở vùng cao các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, ngoài việc đảm bảo ủ ấm, người dân còn tăng cường tìm kiếm thức ăn cỏ tươi cho gia súc. Trong khi đó, ở miền xuôi, nông dân tăng cường giữ rơm khô để vừa sưởi ấm, vừa làm thức ăn cho đàn trâu bò nhằm phục vụ mùa màng sắp đến.
Vùng cao ám ảnh nỗi lo
Ở vùng đồng bào Mã Liềng 2 xã Lâm Hóa, Thanh Hóa (Tuyên Hóa) sống vùng rẻo cao nên hiện tại cái lạnh thấu xương đã bủa vây khắp núi rừng. Trưởng bản Kè (Lâm Hóa) Cao Dụng nói: “Rét ở vùng này đến trước miền xuôi vì ở núi cao. Con trâu, con bò của bà con là gia tài lớn lắm nên rét đến là lo.
Con người còn có cái bếp mà sưởi, con trâu, con bò thì không có lửa, chúng cứ lẩn khuất trong rừng, có khi chết không phát hiện kịp, tội lắm!”. Ông Hồ Viên ở bản Càn Xen xã Thanh Hóa nói: “Nhà mình có mấy con bò, chừ lạnh xuống rồi lo nó bị rét lắm. Mấy năm trước trong bản có trâu bò chết rét, năm nay phải lo chuẩn bị trước để chúng không chết cóng trong rừng”.
Xã Tân Hóa (Minh Hóa) là địa phương nằm trong lòng chảo tứ bề núi đá vôi. Cái lạnh mùa đông ở đây ngoài ảnh hưởng độ cao còn có hơi lạnh từ vô số núi đá vôi tỏa ra. Chị Thái Thị Hồng có hơn 10 con trâu bò nói: “Mấy năm trước chủ quan để trâu bò chết nhiều, nhìn mà ứa nước mắt. Trâu bò giúp nhà tui có được cái ăn, con cái đi học từ chắt chiu bán từng con, từng lứa. Nhưng rét buốt xuống là có con chết. Ở đây trâu bò, heo gà dễ bị sốc do rét từ lèn đá phả ra.
Nên năm nay bà con phải lo từ sớm để cứu được con nào hay con đó, cứ mỗi một con trâu bò trưởng thành đã có giá 20 - 30 triệu đồng, không lo thì mất lớn lắm”. Hiện xã Tân Hóa có gần 3.000 con gia súc và hàng ngàn con gia cầm, đang là mối bận tâm nhất của các hộ nông dân ở đây làm sao để chúng vượt qua mùa đông khắc nghiệt. Ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Sống ở đây bà con rất ám ảnh cái rét buốt xương, buốt thịt. Người cũng không chịu thấu chứ đừng nói trâu bò”.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Hạnh ở xã Kỳ Thượng huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), một xã miền núi giáp ranh với Quảng Bình, cho biết: “Gần như năm mô sau rét, thống kê lại là lượng trâu bò ở xã cũng có con chết. Năm ni cái lạnh đã bắt đầu rồi, không thể không lo. Không lo cho trâu bò thì cái đói, cái nghèo nó bủa vây thôi chú.
Chết trâu, chết bò thiệt hại tiền triệu, mua lại, gầy giống cả năm trời mới có được con mơn mởn”. Ngược vào huyện Hướng Hóa, xã rẻo cao Hướng Phùng, bà con Vân Kiều, Tà Ôi cũng ám ảnh cái rét miền sơn cước. Cứ nhắc đến rét buốt, họ lại nhìn đàn trâu bò của mình, nhìn bầy heo dưới nhà sàn, nhìn mấy con gia cầm tự tay nuôi lấy mà lo, không biết có “nhờ trời” được không?
Nhiều giải pháp bảo vệ gia súc
Các cánh đồng ở miền xuôi hiện gặt lúa bằng máy, rơm đưa về nhà rất ít nên hiện tượng khan hiếm rơm khô cho gia súc trong mùa đông đang là vấn đề nan giải. Ông Nguyễn Văn Nhuận, Bí thư Đảng ủy xã Tân Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình), cho biết: “Tích trữ rơm khô ở 6 làng của xã hiện đã giảm đáng kể.
Nhiều thôn người dân gặt xong đốt rơm ngoài đồng nên rơm khô cần cho mùa đông thật sự khan hiếm, chỉ có thôn Hữu Tân, vùng trũng, thấp nên người dân mới trữ rơm bằng cách xây cây rơm to trong vườn để cho trâu ăn khi rét xuống, đa phần còn lại các thôn khác ít tìm ra rơm khô”.
Không riêng gì xã Tân Ninh, xã An Ninh kề cạnh cũng có tình trạng khan hiếm rơm tương tự. Tuy nhiên, nông dân ở đây đang tìm cách thuê người đi bứt cỏ tươi để cho trâu bò ăn, có nhà phơi khô một ít để dành mùa đông giá, tưới thêm nước muối cho gia súc ăn để tránh sưng phổi.
Trong khi đó, Hồ Viên ở xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) chia sẻ: “Cán bộ nông nghiệp huyện đã về bày bà con cách bảo vệ trâu bò tránh rét, tránh lạnh, tránh sương muối rồi.
Mình làm cái chuồng, xung quanh thưng kính, rét đến 15 độ trở xuống thì không thả rong trâu bò vô rừng. Rét nữa thì pha nước muối loãng cho trâu bò uống để khỏi sưng phổi, bầm gan. Thức ăn có cỏ tươi, cỏ khô, cây rừng bứt về giữ lại cũng ổn rồi. Chừ chỉ lo rét quá đậm, quá hại thôi. Rét lắm thì phải có thêm bếp lửa bên chuồng trâu, chuồng bò nữa cho chúng ấm, khỏi chết”.
Một bí quyết khác ở xã Tân Hóa (Minh Hóa) là dùng mật ong để tăng lực cho đàn gia súc. Ông Cao Thanh Bình cho biết: “Mật ong tuy đắt nhưng ở miền núi nên hầu như nhà nào cũng cất trữ trong nhà 1 đến 2 chai mật ong rừng. Phần dùng cho trẻ con, người già, phần dùng cho trâu bò để giữ tài sản lớn”. Công thức mà ông Bình đưa ra là nấu nước đun sôi, pha vài muỗng mật ong cho mỗi lít nước rồi cho trâu hoặc bò uống lúc giá rét sẽ tăng sức đề kháng, không bị biến chứng gan, phổi.
Ngoài cách đó, người dân xã Tân Hóa còn nấu cháo bột bắp cho trâu bò ăn vào cuối mỗi chiều mùa đông hoặc đâm nhuyễn lá chè xanh, đun nước lên, pha chút mật ong cho gia súc uống để giúp chúng “sưởi ấm” qua mùa đông.
Bà con miền núi rẻo cao và vùng miền xuôi còn dùng chăn cũ, áo cũ, bao lác, bao bố để ủ ấm cho đàn trâu bò của mình. Chi cục thú y các địa phương cũng khuyến cáo: Trước khi đi chăn cần cho trâu bò ăn từ 2 - 3kg cỏ khô hoặc rơm để tránh bệnh trướng hơi dạ cỏ.
Vào ngày trời quá rét, nên cho trâu bò uống nước muối pha loãng với lượng 20 - 30g/con/ngày (không uống thường xuyên). Hạn chế chăn nuôi trâu bò thả rông. Trâu bò ở những vùng có sử dụng cày kéo cần tăng cường bồi dưỡng, có chế độ làm việc vừa phải, ngoài ra chú ý tốt chăm sóc cho bê, nghé trong những ngày rét đậm.
Nguồn bài viết: http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/2014/11/368419/
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao