Mô hình kinh tế Mô hình cua xen canh cá rô phi hướng đi mới cho người nuôi trồng thuỷ sản

Mô hình cua xen canh cá rô phi hướng đi mới cho người nuôi trồng thuỷ sản

Publish date Wednesday. October 21st, 2015

Thực hiện ứng dụng khoa học & công nghệ, nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi, hình thức nuôi và giảm thiểu rủi ro do ô nhiễm môi trường gây ra, từ tháng 12-2014.

Ban Quản lý thủy sản Đông Yên Hưng, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai dự án nuôi cua xen canh cá rô phi thương phẩm.

Dự án nuôi cua xen canh cá rô phi được triển khai thực hiện tại 2 ô đầm của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sóng và ông Vũ Hữu Bốn, thuộc vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) Đông Yên Hưng, với tổng diện tích 5.000m2, mật độ thả 1,1 con cua/m2, cỡ giống thả 1,5 - 2cm/con và 2 con cá rô phi/m2, cỡ giống 4 - 6cm/con.

Tổng lượng giống cua thả nuôi là 5.500 con do Công ty TNHH Thủy sản Minh Hàn (xã Hoàng Tân, Quảng Yên) cung ứng, 10.000 con cá rô phi từ Trung tâm KH-KT&SX giống thủy sản Quảng Ninh (phường Đông Mai, Quảng Yên).

Sau khi cải tạo đầm, hộ nuôi xuống giống cua từ tháng 4-2014, cá rô phi được xuống giống từ tháng 5-2014.

Thức ăn cho cua gồm các loại cá tạp, don, rắt; cám công nghiệp New Hope Hải Phòng.

Sau 5 tháng nuôi, tổng kết dự án cho thấy, tỷ lệ cua sống đạt 60%, trọng lượng bình quân 320g/con, năng suất bình quân đạt 1,98 tấn/ha; tỷ lệ cá sống đạt 80%, trọng lượng bình quân 550g/con, năng suất bình quân đạt 8,8 tấn/ha.

Giá bán thương phẩm hiện nay trên thị trường trung bình 200.000 - 250.000 đồng/kg cua, 30.000 - 35.000 đồng/kg cá, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao so với việc nuôi đơn lẻ một đối tượng, hoặc nuôi xen canh các đối tượng không tương trợ nhau trong quá trình sinh trưởng phát triển.

Ông Nguyễn Văn Sóng, ở thôn 11, xã Hiệp Hòa cho biết: “Gia đình tôi thầu trên 40ha đầm NTTS ở tiểu vùng IV, vùng dự án thủy sản Đông Yên Hưng, toàn bộ diện tích này trước đây tôi thả nuôi tôm sú và cua nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi con cua xen canh với tôm sú thì dịch bệnh rất dễ xảy ra, một khi tôm nuôi mắc bệnh, cua ăn tôm vào sẽ bị dịch bệnh, chết theo có thể dẫn đến mất trắng.

Bước đầu tham gia mô hình nuôi cua xen canh cá rô phi tôi chỉ dành ra 2.500m2 ô đầm thực hiện.

Tôi nhận thấy, việc nuôi xen canh cua và cá rô phi rất có lợi, vừa tiết kiệm được kinh phí đầu tư, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu được dịch bệnh.

Vì lượng thức ăn cua thải ra cá sẽ tận dụng ăn hết, cá cũng ăn các loài sinh vật phù du, động vật không xương sống ở nước, mùn bã hữu cơ và vật chất hữu cơ đang phân hủy, do đó hạn chế được ô nhiễm đáy đầm.

Trong khi đó, cá rô phi có sức đề kháng cao, ít khi mắc bệnh.

Sau 5 tháng thả nuôi, gia đình tôi đã thu hoạch được trên 5 tạ tôm cua và hơn 2 tấn cá thương phẩm.

Nếu tính trung bình nuôi cua xen canh cá rô phi, mỗi vụ cho thu lãi từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/ha.

Với mô hình nuôi thả này, tôi hoàn toàn yên tâm, hiệu quả kinh tế cao, môi trường ao đầm nuôi cải thiện, giảm thiểu dịch bệnh, không lo mất mùa, nên từ vụ sau gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cua xen canh cá rô phi”.

Ông Bùi Tố Dưỡng - Giám đốc Ban Quản lý dự án thủy sản Đông Yên Hưng cho biết thêm: “Dự án thuộc chương trình ứng dụng KH&CN vào nuôi trồng thủy sản và được nhận sự hỗ trợ của Sở KH&CN tỉnh.

Trong suốt quá trình hộ nuôi thực hiện mô hình, các cán bộ kỹ sư của Ban Quản lý đã theo sát hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phương pháp cho cua, cá.

Phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất đảm bảo cua phát triển tốt ngoài việc thường xuyên thay nước, diệt khuẩn, cấy vi sinh, vãi vôi định kỳ để ổn định môi trường, cho cua ăn đủ về số lượng và chất lượng bằng cách bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất, tỏi tươi để tăng sức đề kháng.

Sở dĩ cá rô phi được thả sau cua 1 tháng là do tại thời điểm thả cua đầm nuôi có độ mặn cao 23%o, với độ mặn như vậy cá rô phi khó thích ứng và tỷ lệ cá sống sẽ thấp.Việc thả nuôi đúng lịch thời vụ, lựa chọn đối tượng con giống tốt, đảm bảo nguồn gốc đã góp phần tạo thành công cho mô hình.

Qua thử nghiệm cho thấy cua xen canh cá rô phi thích nghi, phát triển tốt trong môi trường nước lợ mặn”.

Mô hình nuôi xen canh 2 đối tượng cua và cá rô phi không chỉ tiết kiệm được kinh phí đầu tư, giữ môi trường ao nuôi ổn định, làm tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, đem lại lợi nhuận tối đa cho hộ nuôi trồng thủy sản.

Mô hình nuôi cua xen canh cá rô phi thành công, đã mở thêm hướng phát triển kinh tế mới cho các doanh nghiệp và hộ nuôi trồng thủy sản, góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi tại TX Quảng Yên nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.


Related news

de-nghe-nuoi-tom-hum-phat-trien Để nghề nuôi tôm hùm… diem-sang-cau-lac-bo-canh-dong-200-trieu Điểm sáng câu lạc bộ…