Mô hình kinh tế Mô hình giống mì mới khả quan

Mô hình giống mì mới khả quan

Publish date Thursday. August 27th, 2015

Mô hình canh tác mì xen canh trên đất đồi được chuyển giao cho nông dân huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) thông qua dự án khoa học - công nghệ giai đoạn 2013 - 2015 đã mang lại kết quả khả quan.

Ông Lê Văn Hùng, Trưởng trạm Khuyến nông huyện cho biết, Khánh Vĩnh có 1.500 - 1.700ha mì (chủ yếu là giống KM 94), năng suất bình quân đạt 12 - 14 tấn/ha, thấp hơn từ 29,4 - 47,8% so với bình quân chung cả nước. Sở dĩ mì Khánh Vĩnh có năng suất thấp là do trồng trên đất xám, khai thác lâu năm nên độ phì nhiêu kém; độ dốc 8 - 150 có nguy cơ xói mòn, rửa trôi lớn. Hơn nữa, giống mì KM 94 sử dụng đã lâu, thoái hóa, nhiễm bệnh nên gây thiệt hại cho người trồng.

Để hướng tới việc tăng năng suất, bảo vệ đất, giảm thiểu sâu bệnh trên cây mì, từ năm 2013 đến 2015, Dự án “Xây dựng mô hình mì năng suất cao, chất lượng tốt tại huyện Khánh Vĩnh” do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ chủ trì, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện phối hợp thực hiện đã được triển khai tại các xã: Cầu Bà, Khánh Thượng, Khánh Hiệp. Mô hình có quy mô 6ha, giống mì được trồng là KM 140 và SM 937 - 26 kết hợp trồng xen đậu đen.

Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 100% hom giống, 30% thuốc bảo vệ thực vật và phân bón theo quy trình, được tập huấn kỹ thuật và tham quan học hỏi lẫn nhau giữa các mô hình trình diễn...

Ông Hồ Huy Cường - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ cho biết, trong 12 giống mì, Viện đã tuyển chọn 2 giống có ưu điểm là khả năng thích nghi rộng; năng suất vượt trội từ 9,5 đến 12,1 tấn/ha so với giống đối chứng KM 94; hàm lượng tinh bột cao hơn 2 - 3% so với giống KM 94, đặc biệt nhiễm bệnh chổi rồng không đáng kể.

Đưa chúng tôi tham quan mô hình, ông Chà Quyến (thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà) rất phấn khởi bởi được nhiều nông dân đánh giá cao về giống mì kháng được bệnh, cho năng suất hơn 50 tấn/ha, tăng gấp 3 - 4 lần so với các hộ không áp dụng mô hình. Ông Quyến cho biết: “Gia đình tôi có 3,8ha đất, lâu nay trồng quảng canh nên năng suất chỉ đạt 15 - 16 tấn/ha. Thời gian qua, giống mì KM 94 bị nhiễm bệnh chổi rồng gây thiệt hại nặng về kinh tế. Khi Viện hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tôi trồng giống mì mới SM 937 - 26 xen đậu đen đã cho năng suất rất cao. Hiện nay, đậu đã được gia đình thu hoạch xong với năng suất 4 - 5 tạ/ha, có lãi khá....”

Bà Nie H’Tông (thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp) - nông dân tham quan mô hình nhận xét, bà rất ưng ý với giống mì mới. 1 năm qua, gia đình bà có 8.000m2 đất bỏ trống do đã thu hoạch keo nhưng chưa biết trồng cây gì. Bà mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người dân được tiếp cận giống mới.

Ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị, với kết quả đáng khích lệ của mô hình sản xuất thử nghiệm, thời gian tới, Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông huyện cần phối hợp với các địa phương hỗ trợ triển khai tập huấn, phổ biến kỹ thuật canh tác 2 giống mì mới cho người dân.

Trước mắt, giống sẽ được ưu tiên cho xã Khánh Hiệp với diện tích lớn, điều kiện canh tác thuận lợi để nhân rộng. Các ngành chức năng cần hướng dẫn nông dân trồng mì ở độ dốc vừa phải như đã khuyến cáo. Ngoài ra, huyện cũng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để địa phương hỗ trợ giống cho người dân.

Ông Hồ Huy Cường - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ: Mô hình trồng xen đậu đen với mì là giải pháp kỹ thuật canh tác mì bền vững, hiệu quả. Đây cũng là chủ trương của Bộ NN-PTNT về sản xuất cây mì, giữ vững diện tích và nâng cao năng suất, giá trị…


Related news

mang-tre-nui-cam-vao-mua-thu-hoach-ro Măng tre Núi Cấm vào… ngan-chan-rep-sap-bot-hong-hai-san-lay-lan Ngăn chặn rệp sáp bột…