Tin nông nghiệp Mô hình nuôi hươu của Hội Cựu chiến binh xã Nghĩa Ninh hiệu quả rõ, nhưng khó khăn vẫn còn

Mô hình nuôi hươu của Hội Cựu chiến binh xã Nghĩa Ninh hiệu quả rõ, nhưng khó khăn vẫn còn

Author P.V, publish date Thursday. February 25th, 2016

Người đầu tiên đưa nghề nuôi hươu về địa phương chính là ông Đào Viết Duân (thôn 3). Trong một lần ra Nghệ An, tình cờ ông phát hiện ra một phương thức làm ăn mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại không phải bỏ nhiều công sức, đó chính là nghề nuôi hươu lấy nhung.

Qua tìm hiểu, ông mạnh dạn mua 2 con về nuôi tại gia đình. Sau gần 1 năm, việc nuôi hươu đã đem lại cho gia đình ông một khoản thu nhập khá cao. Thế là ông đem kinh nghiệm nuôi hươu phổ biến cho bà con trong vùng. Và rồi, từ một người nuôi, hiện tại ở Nghĩa Ninh đã có trên 10 hộ gia đình nuôi hươu lấy nhung. “Thuận lợi lớn nhất của nghề nuôi hươu là không phải đầu tư nhiều tiền của cho thức ăn, vì loại động vật này có thể ăn được trên 200 thứ lá.

Do đó, hộ nuôi có thể tận dụng được nguồn cây cỏ xung quanh để làm thức ăn cho hươu. Việc chăm sóc cho hươu cũng không phức tạp như nhiều loại gia súc khác, vì thế người nuôi có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi trong ngày để chăm hươu”, ông Duân cho biết.

Hầu hết hươu ở đây đều được nhập từ Nghệ An vào. Chi phí ban đầu cho việc mua hươu cũng tùy vào từng thời điểm. Chẳng hạn, trước đây, giá mỗi con hươu từ 7 đến 8 triệu đồng, thì hiện nay giá mỗi con xấp xỷ từ 13 đến 16 triệu đồng. Một con hươu mỗi năm cho cắt nhung 2 lần, 1 lần chính và 1 lần phụ. Lần chính là khoảng từ 8 đến 9 tháng tính từ thời điểm bắt đầu nuôi.

Lúc này, nhung của một con hươu có trọng lượng khoảng 7 đến 8gam. Với giá bán 1kg nhung hươu hiện nay là 15 triệu đồng thì ước tính mỗi con cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Lần cắt phụ cách lần cắt chính khoảng từ 45 đến 60 ngày với trọng lượng nhung khoảng 3 đến 4gam thu được trên 5 triệu đồng một con.

Như vậy tính cả hai lần cắt thì trung bình một con hươu đem lại nguồn thu trên 15 triệu đồng mỗi năm. Thử làm một phép tính đơn giản sẽ thấy chỉ cần qua 1 năm nuôi hươu thì số vốn ban đầu bỏ ra mua hươu sẽ được thu về. Và với tuổi thọ trung bình của một con hươu là 20 năm thì số lãi thu được từ việc nuôi hươu không phải là nhỏ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Huỳnh, Chủ tịch Hội CCB xã Nghĩa Ninh cho biết: “Nuôi hươu lấy nhung là một mô hình “làm chơi ăn thật” vì đây chỉ là nghề phụ nhưng đem lại thu nhập khá cao. Từ nhiều năm nay, nhờ có mô hình này mà đời sống của nhiều hộ dân ở đây được cải thiện đáng kể. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, chính quyền xã đã cho thành lập Hội nuôi hươu để các thành viên có điều kiện trao đổi, giúp nhau về cách thức chăm sóc, thu hoạch, tìm đầu ra tiêu thụ nhung hươu”.

Hiện nay, toàn xã có hơn 15 hộ nuôi hươu với gần 50 con, trong đó chủ yếu là các hội viên CCB. Nắm rõ quy cách, phương pháp chăn nuôi, không ít hội viên đã mạnh dạn vay vốn mua 6,7 con hươu về nuôi. Điển hình như gia đình ông Đào Viết Dừng ở thôn 6. Nhận thấy nghề nông vất vả lại không đem lại hiệu quả kinh tế là bao, nếu không kiếm thêm nghề phụ để tăng thu nhập thì đời sống gia đình sẽ gặp khó khăn. Chính vì vậy, ông không ngần ngại đầu tư vốn mua hươu về nuôi. Đến nay với 7 con hươu, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là nghề nuôi hươu lấy nhung không có những khó khăn, rủi ro. Khó khăn lớn nhất vẫn là bệnh dịch, vì hươu là loại động vật hoang dã nên những biểu hiện mắc bệnh thường rất khó nhận biết. Nếu không phát hiện bệnh kịp thời để điều trị thì nguy cơ hươu chết là rất cao.

Đây chính là lý do khiến thời gian qua trên địa bàn xã Nghĩa Ninh số hươu bị chết khá nhiều, gây không ít tổn thất cho người nuôi. Lại thêm một khó khăn nữa là vấn đề tìm đầu ra tiêu thụ nhung hươu. Công dụng của nhung hươu thì rõ ràng ai cũng biết, nhưng để bỏ ra một số tiền lớn mua nhung thì nhiều người còn e ngại.

Hơn nữa ở tỉnh ta chưa có cơ sở nào chuyên chế biến nhung hươu nên việc thu mua với số lượng lớn là rất khó vì hầu như người mua chủ yếu đều là cá nhân mua với mục đích bồi bổ sức khỏe. Lại thêm đa số người nuôi hươu ở Nghĩa Ninh là những nông dân quanh năm chỉ biết có đồng ruộng nên việc quan hệ, tìm kiếm khách hàng tiêu thụ nhung hươu gặp nhiều trắc trở. Nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhỏ, lẻ của Hội nuôi hươu Nghĩa Ninh cũng chỉ mang tính chất giải quyết trước mắt.

Về lâu dài, người nuôi hươu cần một thị trường tiêu thụ ổn định để có thể mạnh dạn mở rộng, phát triển thêm số lượng đàn hươu của địa phương, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình.


Related news

cu-jut-dak-nong-mot-nuoc-cuu-cay-nguy-co-thieu-doi-do-han Cư Jut, Đăk Nông mót… quang-tri-xay-dung-nong-thon-moi-gat-hai-su-hai-long-cua-dan Quảng Trị xây dựng nông…