Mô hình kinh tế Mô Hình Nuôi Lợn Rừng Đạt Giá Trị Kinh Tế Cao

Mô Hình Nuôi Lợn Rừng Đạt Giá Trị Kinh Tế Cao

Publish date Sunday. June 23rd, 2013

Dọc theo con đường nhựa nằm uốn mình bên cạnh các sườn núi và có những điểm lên đồi xuống vực tạo cho chúng tôi một cảm giác chơi vơi nhưng rồi địa điểm chúng tôi cần cũng đã hiện ra trước mắt, đó chính là trang trại nuôi heo (lợn) rừng của ông Đoàn Văn Đệ - thôn 8 xã Nam Bình - huyện Đắk Song. Toàn bộ trang trại khoảng 2000m2 của gia đình ông nằm trên một ngọn đồi và có hệ thống tường xây bao bọc kiên cố xung quanh, ngoài ra còn có một tháp canh mà chúng tôi cứ ngỡ là ngọn hải đăng.

Sau một lúc chờ đợi, một người đàn ông ngoài tuổi lục tuần ra tiếp chúng tôi, ông nói “Tôi vừa đi xem mấy đứa nó ăn ngủ ra làm sao, chứ đợt này có một số đang trong giai đoạn làm ổ nên nó phá dữ quá”. Thực tình chúng tôi chẳng hiểu gì cả, ông nhìn chúng tôi cười và giải thích: “Khi tôi làm nghề này, tôi xem những con heo rừng như là con, là cháu nên cần phải chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ của nó, đặc biệt là giai đoạn heo gần sinh”.

Câu chuyện của những người khách không mời mà đến và gia chủ cứ rôm rả như vậy cho đến khi ông biết được mục đích của chuyến viếng thăm, ông trầm ngâm trong giây lát và cho biết: Đến với cái nghề nuôi heo rừng này cũng có nhiều gian nan vất vả, cũng đã phải đóng “học phí” rất nhiều để có được cơ ngơi như hiện nay. Rồi ông lại chép miệng “gian nan lắm cô chú ạ”. Bản thân ông là một người nông dân thuần túy chỉ quen với những hàng cà phê, tiêu và điều mà thôi nhưng có những thời điểm giá nông sản quá thấp không đủ chi phí nên ông quyết định chuyển đổi sang nuôi heo rừng.

Trong quá trình chuyển đổi ông đã quá nóng vội trong việc quy hoạch, mua giống cũng như chưa biết kỹ thuật chăm sóc vì thế lần nuôi đầu ông thất bại cay đắng. Với ý nghĩ “đã quyết là phải làm” nên ông đã quyết định khăn gói sang các tỉnh bạn để tham quan, học hỏi và tìm hiểu về con giống cũng như nguồn gốc giống. Tháng 6 năm 2009, ông mới quyết định mua lại toàn bộ trang trại của một người dân ở Tây Ninh với tổng đàn là 40 con trong đó có: 3 heo đực giống Thái Lan nguyên chủng, 7 heo nái đang mang thai và 30 con heo hậu bị với giá 150 triệu đồng.

Đặc biệt trong 7 heo nái có 3 con gần sinh và chỉ sau thời gian nuôi một tháng đã đẻ ra 18 heo con và khoảng 1 tháng sau, 4 heo nái còn lại tiếp tục đẻ ra 24 heo con. Một số heo hậu bị trong đàn sau 3 đến 4 tháng nuôi đã cho sinh sản ra 60 con nữa. Như vậy sau 6 tháng nuôi, tổng đàn lên đến 142 con. Trong quá trình nuôi ông đã bán 40 con heo giống, trọng lượng trung bình là 10kg/con cho những người dân địa phương với giá 150.000 đồng/kg và 30 con heo thịt, trọng lượng trung bình 25 kg/con với giá 120.000đồng/kg.

Như vậy gia đình đã thu về được 150 triệu và hiện nay trang trại đang còn 72 con, trong đó có 3 đực giống, 37 heo nái và 32 heo hậu bị. Nếu hoạch toán kinh tế, nuôi heo rừng có lợi nhuận rất cao vì sau 6 tháng nuôi, ông thu về được 150 triệu đồng, trong đó chi phí chỉ khoảng 50 triệu đồng, bao gồm: 15 triệu đồng khấu hao tài sản cố định, 20 triệu đồng tiền thức ăn tinh mà chủ yếu chỉ cám gạo, cám ngô, 2 triệu đồng tiền thuốc thú y và 12 triệu tiền nhân công.

Ông suy nghĩ một lát và cho biết thêm một số kinh nghiệm của bản thân như sau:

- Xây dựng chuồng trại: Phải xây dựng chuồng trại kiên cố, có những ô chuồng tối để cho heo sinh sản, có bể bùn cho heo tắm và phải có khoảng không gian để cho heo đào xới. Tốt nhất phải xây dựng hệ thống hầm Biogas để xử lý chất thải.

- Khâu chọn giống: Phải mua heo rừng có nguồn gốc xuất xứ rỏ ràng, đặc biệt nên nuôi heo rừng Thái Lan không nên sử dụng giống heo rừng hoang dã Việt Nam vì nó rất khó thuần hóa, nguy cơ thất bại cao. Nếu sử dụng heo rừng hoang dã Việt Nam nên mua heo con có trọng lượng dưới 3kg một con. Mặt khác khi chuyển heo giống từ các tỉnh khác về phải tạo điều kiện thuận lợi để heo thích nghi với điều kiện tự nhiên tránh hiện tượng sốc khí hậu thời tiết.

- Vệ sinh chuồng trại: Tiến hành vệ sinh chuồng trại hàng ngày và phun thuốc sát trùng theo định kỳ 1 tuần một lần.

- Khâu chăm sóc:

Đối với heo rừng: Không nên sử dụng nhiều thức ăn tinh mà chủ yếu sử dụng các loại thức ăn xơ như các loại rau, quả, củ… tránh hiện tượng heo mập. Trong quá trình nuôi nếu con nào có triệu chứng bỏ ăn phải tiến hành cách ly ngay và điều trị kịp thời kết hợp sử dụng các loại thức ăn tinh giàu dinh dưỡng để bồi dưỡng cho heo ốm mau phục hồi. Ngoài ra phải sử dụng nước uống sạch và hàng tuần phải thay bùn ở bể.

Đối với heo sinh sản: Khi sinh sản phải để cho heo sinh tự nhiên, sau khi sinh được 3 ngày tiêm sắt lần 1 và 10 ngày tiêm sắt lần 2 cho heo con.

Sau khi trao đổi những kinh nghiệm của bản thân, ông Đệ còn kết luận rằng: Muốn nuôi heo rừng đạt giá trị kinh tế cao phải biết và hiểu được các đặc tính, đặc điểm của con heo rừng.


Related news

ban-trung-son-phat-trien-chan-nuoi-lon Bản Trung Sơn Phát Triển… dua-ca-hoi-len-nuoi-tren-nui-cao-tay-con-linh Đưa Cá Hồi Lên Nuôi…