Tin thủy sản Mô hình nuôi tôm hùm tiêu biểu ở Phú Yên

Mô hình nuôi tôm hùm tiêu biểu ở Phú Yên

Author T.Hiền, publish date Tuesday. October 9th, 2018

Theo Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, từ cuối năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã triển khai mô hình nuôi tôm hùm kết hợp vẹm xanh, rong sụn để cải thiện môi trường trong vùng nuôi tôm hùm tại xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu. Tôm hùm, vẹm xanh, rong sụn được thả nuôi kết hợp, bước đầu cho thấy, tôm hùm sinh trưởng phát triển tốt, môi trường nước xung quanh được cải thiện đáng kể, ngoài đối tượng tôm hùm hộ dân còn có thêm thu nhập từ vẹm xanh, rong sụn.

Một trong những tấm gương tiêu biểu có thể kể đến là ông Võ Văn Thừa - thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu - là một hộ dân tiêu biểu sản xuất giỏi với khoảng 50 lồng tôm hùm, thu nhập bình quân vài trăm triệu đồng/năm. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Phú Yên và Công ty Wieland Singapore, ông Thừa đã mạnh dạn triển khai thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm nuôi tôm hùm thương phẩm bằng lồng lưới hợp kim đồng. Ông cho rằng, tuy vốn đầu tư ban đầu bỏ ra lớn hơn lồng lưới nilon truyền thống, nhưng độ bền của lồng cao, có thể chống chịu sóng gió trong mùa mưa bão, nhờ vật liệu hợp kim đồng nên trong quá trình nuôi ít bị hàu, hà bám, giảm được công cảo lồng, nước qua lồng nuôi được lưu thông tốt hơn.

Ông Lê Thành Tâm, tại khu phố Phước Lý phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu cũng là một trong những hộ dân tiêu biểu về nuôi tôm hùm lồng. Ban đầu ông khởi nghiệp với khoảng 4 - 5 lồng tôm hùm, hiện tại số lồng ông sở hữu là 20 lồng. Mặc dù số lượng lồng nuôi đầu tư không nhiều nhưng thu nhập hàng năm đều ổn định, bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm. Qua quá trình nuôi tôm hùm, ông Tâm đã rút ra một số kinh nghiệm: (1) Nên chọn vị trí vùng nuôi ở đầm, vịnh, vũng có độ sâu từ 6 m trở lên, tránh xa các nguồn nước thải khi công nghiệp, nông nghiệp, y tế...; (2) Nên chọn mua con giống ngay tại địa phương đỡ tốn chi phí vận chuyển, tôm không bị sốc và thích nghi với điều kiện môi trường; (3) Phải sử dụng thức ăn có chất lượng tốt, các loại cá, giáp xác và nhuyễn thể phải còn tươi, thức ăn phải được rửa sạch trước khi cho ăn; (4) Cần phải theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của tôm để phát hiện sớm bệnh và kịp thời điều trị đúng liều, đúng phương pháp theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật chuyên ngành; (5) Tăng cường bổ sung các loại vitamin, khoáng tổng hợp trộn vào thức ăn khi thời tiết chuyển mùa hoặc nắng nóng kéo dài hoặc mưa kéo dài để tăng sức đề kháng cho tôm; (6) Thường xuyên vệ sinh lồng bè nuôi, theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường để dịch chuyển, điều chỉnh độ sâu lồng cho phù hợp, giảm bớt sự tác động của sự biến đổi thời tiết; (7) Trong quá trình nuôi phải nâng cao trách nhiệm cộng đồng về bảo vệ môi trường vùng nuôi. Đó là những yếu tố góp phần nâng cao năng suất và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm.

Trong năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên tiếp tục triển khai thực hiện mô hình này ở các điểm khác nhau trên địa bàn thị xã Sông Cầu (xã Xuân Thịnh và phường Xuân Yên) nhằm góp phần cải thiện môi trường vùng nuôi và nâng cao hơn nữa nhận thức của người nuôi trong việc bảo vệ môi trường./ 


Related news

nuoi-tom-hum-bang-vat-lieu-moi Nuôi tôm hùm bằng vật… cong-nghe-thong-minh-cho-nuoi-ca-bien-xa Công nghệ thông minh cho…