Mô Hình Ruộng Lúa Bờ Hoa
Đây là cách nói dân dã của nông dân Nam bộ khi đề cập đến chương trình “Công nghệ sinh thái” vừa được UBND tỉnh An Giang và Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tổ chức chuyển giao kỹ thuật. “Công nghệ sinh thái” là chương trình trồng hoa quanh ruộng lúa và đã qua thử nghiệm tại An Giang, Tiền Giang trong năm 2010 và vụ đông xuân vừa qua.
Trong những nội dung chính của chương trình, có việc chọn các giống hoa dại phù hợp trồng quanh ruộng lúa để dẫn dụ thiên địch có khả năng tiêu diệt rầy nâu và các côn trùng gây hại khác. Theo các nhà khoa học, hoa gồm có 2 phần: mật và phấn hoa. Rất nhiều loài côn trùng thích ăn mật hoa và phấn hoa vì có nhiều chất đường, protein... Đặc biệt, cây trồng ra hoa màu trắng và màu vàng có nhiều phấn sẽ càng thu hút nhiều thiên địch - chúng đến hút mật, đẻ trứng và tấn công các loài sâu hại nên nông dân không phải sử dụng thuốc trừ sâu.
Tại Tiền Giang, qua thí điểm, có 75 hộ nông dân của 2 xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) và Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) tham gia trên diện tích khoảng 65ha, bước đầu đã cho kết quả rất tốt. Tại An Giang, chương trình được triển khai trên diện tích gần 100ha tại xã Vĩnh Bình, Bình Hòa (huyện Châu Thành), xã Thoại Giang, Vĩnh Khánh (huyện Thoại Sơn) và xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn) với 350 nông dân tham gia. Kết quả cho thấy, nông dân đã giảm được 4 - 5 lần phun thuốc trừ rầy và sâu cuốn lá nhưng vẫn đạt năng suất 6 - 6,5 tấn/ha vụ hè thu và thu đông, 7,5 - 8 tấn/ha vụ đông xuân, tăng 0,5 - 1 tấn/ha so với canh tác bình thường.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh An Giang, cho biết: “Hoa được trồng chủ yếu gồm 5 loại: trâm ổi, sao nhái, cúc mặt trời, mè và hướng dương. Đây là những loài hoa dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và cho nhiều bông. Qua theo dõi 2 vụ đông xuân và hè thu năm 2010 cho thấy, mô hình này mang lại hiệu quả rất lớn. Trồng hoa để dẫn dụ thiên địch tìm đến và hầu hết các loại thiên địch đều ăn các loại côn trùng có hại như: rầy nâu, sâu cuốn lá và kể cả nhện gié. Đặc biệt, những thiên địch như nhện, bọ, rùa… bắt sâu cuốn lá, rầy và tất cả các loài sâu hại khác rất giỏi”.
Ông K.L.Heong, đại diện Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, cho biết: Chương trình do Ngân hàng châu Á (ADB) tài trợ với mục đích chống lại rầy nâu và sâu bệnh, không cần phải sử dụng thuốc BVTV, từ đó giảm chi phí, góp phần tăng lợi nhuận cho người sản xuất, bảo vệ môi trường và đặc biệt bảo vệ sức khỏe cho nông dân. Việc áp dụng thành công chương trình có thể giúp Việt Nam tiến tới sản xuất nông nghiệp bền vững, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Đạt (Phòng NN-PTNT huyện Gò Công Đông, Tiền Giang), với mật độ sạ 120 - 150kg/ha, việc ứng dụng mô hình “3 giảm 3 tăng”, kết hợp với gieo sạ đồng loạt né rầy và áp dụng mô hình “ruộng lúa bờ hoa” sẽ giúp nông dân tiết kiệm ít nhất 1 lần phun thuốc trừ sâu và 1 lần phun thuốc bệnh trong mỗi vụ lúa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cân bằng sinh thái trên đồng ruộng. Mô hình này còn giúp nông dân nâng cao trình độ kỹ thuật, nhất là trong quản lý dịch hại trên ruộng lúa.
* Đánh giá tổng kết chương trình mới đây cho thấy thành công của mô hình là dựa vào cơ sở bảo tồn thiên địch, sử dụng thuốc hóa học theo cách “4 đúng”, ưu tiên sử dụng các biện pháp phòng trừ sinh học, lợi dụng thiên địch để quản lý rầy nâu, cân bằng sinh thái trên ruộng lúa. Việc ứng dụng công nghệ sinh thái trên cây lúa sẽ đóng vai trò then chốt, là cơ sở vững chắc cho sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL hiệu quả và bền vững. Đồng thời, giúp bà con nông dân trồng lúa giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao