Mô Hình Trồng Cao Su Tiểu Điền Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Trong những năm gần đây, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần ổn định và nâng cao cuộc sống của người dân.
Tính đến nay, trong toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 4.200 ha đất hoang hóa, đất nương rẫy sang trồng cây cao su tiểu điền, hộ ít chuyển đổi được khoảng 1 ha và hộ nhiều có 2-3 ha. Hiện có gần 2.000 ha cao su tiểu điền trong dân trồng từ năm 2008 đã bắt đầu cho khai thác mủ và đạt năng suất khá cao. Tuy trong giai đoạn hiện nay giá mủ đang “rớt” xuống thấp song bà con vẫn vui, bởi có được một khoản thu nhập nhất định nhiều hơn so với trước đây khi còn làm nương rẫy hoặc bỏ đất hoang hóa.
Hộ ông Rơ Lan Diu-dân tộc Jrai ở làng Gào (xã Ia Lang) trồng được 3,4 ha cao su với số lượng 1.800 cây, trong đó có 400 cây bắt đầu cho khai thác mủ từ năm ngoái. Ông cho biết: Toàn bộ diện tích này đều là đất nương rẫy và một phần đất hoang hóa của gia đình, sau khi nghe cán bộ tuyên truyền và hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật... mình quyết định chuyển đổi sang trồng cao su tiểu điền.
Hiện mới chỉ có 400 cây đến kỳ cho thu hoạch, bình quân mỗi ngày thu được 20 kg đến 25 kg mủ tươi và bán với giá 13.000 đồng/kg, hàng ngày lãi được 260.000 đồng đến 300.000 đồng. Ông cũng rất kỳ vọng, trong những năm tới khi đưa hết diện tích cao su vào khai thác, cộng với giá mủ trên thị trường được tăng cao thì thu nhập của gia đình khoảng 400-500 triệu đồng/năm.
Toàn huyện có đến hơn 3.000 hộ dân tham gia thực hiện chủ trương chuyển đổi này và có hơn 90% diện tích phát triển tốt, hứa hẹn những mùa bội thu trong những năm tới.
Một trong những môi trường thuận lợi để bà con tăng tốc trồng cây cao su tiểu điền trong những năm qua, ngoài việc hỗ trợ giống, phân bón... theo các dự án của Chính phủ còn có sự hỗ trợ tích cực về nhiều mặt của các công ty cao su thuộc Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn.
Công ty TNHH một thành viên Cao su 72 là một điển hình, khi đã hỗ trợ giống và giúp cho hơn 600 hộ dân ở 3 xã Ia Dom, Ia Nan và Ia Pnôn trồng được 1.000 ha, toàn bộ diện tích cao su đều phát triển tốt, bà con đã thông thạo tay nghề, biết chăm sóc và khai thác mủ đúng quy trình kỹ thuật.
Ông Nguyễn Hồng Lam-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: Qua khảo sát, diện tích đất hoang hóa tập trung trên các vùng đồi dốc trên địa bàn hiện nay hầu như không còn nữa. Huyện đang tính đến hướng vận động bà con chuyển dần số diện tích mì ngoài quy hoạch hơn 2.000 ha đã bị bạc màu sang trồng cao su tiểu điền.
Đồng thời, tiếp tục vận động và hỗ trợ bà con chuyển đổi đất vườn tạp trong từng hộ gia đình sang trồng các loại cây kinh tế khác đạt hiệu quả cao, nhất là cây hồ tiêu và cây mít nghệ. Đây là 2 loại cây trồng đã được tiến hành trồng thí điểm thành công tại 70 hộ dân tộc ở 5 làng thuộc 2 xã Ia Kriêng và Ia Krêl.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao