Mô hình kinh tế Mô Hình Tưới Tiết Kiệm Nước Trên Cây Nho

Mô Hình Tưới Tiết Kiệm Nước Trên Cây Nho

Publish date Tuesday. July 1st, 2014

Anh Phạm Văn Tiến 37 tuổi là nông dân đầu tiên ở xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) áp dụng mô hình tưới phun tiết kiệm nước trên cây nho. Vườn nho nhà anh Tiến trải cành xanh mướt giữa mùa khô hạn. Tưới phun tiết kiệm nước, vốn đầu tư thấp đem lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhiều nông hộ học tập làm theo.

Phạm Văn Tiến cho biết đứng trước tình hình nắng hạn kéo dài, anh đầu tư 21 triệu đồng lắp đặt hệ thống bơm tưới cho vườn nho NH 01- 48 có diện tích 3,5 sào. Trong đó lắp 140 bét phun và ống dẫn nước với chi phí 3 triệu đồng/sào và mua mô tơ bơm tưới từ ao tưới cho vườn nho.

Với phương thức tưới “cách nhật”, thời gian bơm 7-8 giờ/ngày đủ nước ướt đẫm cành lá và thấm gốc đủ độ ẩm cho cây nho sinh trưởng. Sau hai tháng áp dụng mô hình tưới phun vừa tiết kiệm được nguồn nước dự trữ vừa giảm đáng kể tình trạng nhện lửa, rầy ri phá hoại trên cây nho. Chí tính riêng việc không phun thuốc cho cây nho trong hai tháng vừa qua, anh Tiến đã tiết kiệm chi phí trên 6 triệu đồng.

Vườn nho NH 01-48 của gia đình anh Tiến xuống gốc hơn một năm, cành vươn non xanh phủ kín giàn. Anh dự kiến cắt cành vào tháng 8, cây nho cho thu hoạch bán vào dịp tết Nguyên đán 2015. Nhìn thấy mô hình tưới phun tiết kiệm nước cho vườn nho của gia đình anh Tiến, bà con nông dân các địa phương đến tìm hiểu học tập kinh nghiệm.

Thăm thú cơ ngơi sản xuất của Phạm Văn Tiến trên đồng đất tục danh Xóm Chùa, chúng tôi lấy làm ngạc nhiên trước ý chí vượt khó bám đất bám nước vươn làm giàu bền vững của anh. Tuy vùng đất Nhị Hà đang rơi vào tình trạng khô hạn nhưng vợ chồng anh vẫn trồng hoa màu có thu nhập ổn định.

Anh thuê máy đào đá khai hoang rồi chở đất san lấp tạo thành vườn nho, vườn rau màu trên 1 ha quanh năm xanh tốt. Bí quyết làm ăn hiệu quả của ăn anh Tiến là đào 5 sào ao chứa nước từ hệ thống thủy lợi Tân Giang chủ động bơm tưới cho cây trồng trong những tháng khô hạn.

Đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác cây trồng. Đất khai hoang từ sỏi đá thông thoáng trồng nho, hoa màu sinh trưởng tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, anh Tiến có lãi ròng trên 200 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp. Vợ chồng anh vừa xây dựng ngôi nhà ở mới có diện tích sử dụng 120 mét vuông trị giá trên 240 triệu đồng.

Hiện nay, anh trồng 1,3 sào mướp thu hoạch mỗi ngày trên 1 tạ trái, thương lái thu mua tại vườn 4-5 ngàn đồng/kg. Khu đất trồng khổ qua rộng 4 sào thu hoạch xong, anh tiếp tục trồng dưa hấu trải bạt đang vào giai đoạn ra bông. Sau khi thu hoạch dưa hấu và mướp, anh tiếp tục đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước phủ kín đất canh tác của gia đình.

“Buổi đầu khởi nghiệp gia đình rất khó khăn, em quyết tâm đào đá cải tạo thành đất sản xuất và nỗ lực vươn lên làm ăn bảo đảm cuộc sống no ấm. Em đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun vừa tiết kiệm nước tưới trong mùa khô hạn vừa hạn chế sâu bệnh hại cây trồng. Em chia sẻ kinh nghiệm sản xuất giúp bà con làm ăn hiệu quả chung tay xây dựng nông thôn mới”, Phạm Văn Tiến cười hồn hậu, chia sẻ.


Related news

trang-bi-may-cau-ca-ngu-cho-ngu-dan Trang Bị Máy Câu Cá… buoi-vu-nghich-gia-cao Bưởi Vụ Nghịch Giá Cao