Tin nông nghiệp Mô hình vườn - rừng của một 'người lầm lỡ', thu 600 triệu đồng/năm

Mô hình vườn - rừng của một 'người lầm lỡ', thu 600 triệu đồng/năm

Author Tâm Đan, publish date Monday. September 25th, 2017

Thấm thoát đã gần 8 năm trôi qua, kể từ khi Võ Văn Thắng tái hòa nhập cộng đồng, tài sản mà ông hiện có từ hai bàn tay trắng là 4 ha đất lâm nghiệp trồng cây keo cùng nhiều diện tích trồng cây ăn quả khác như cam, mít, bưởi…

Từ một tù nhân, sau 8 năm gây dựng ông Võ Văn Thắng đã có cơ ngơi hơn 600 triệu đồng

Chỉ một phút nóng nảy, ông đã lỡ tay giết chết người bạn thân trong cuộc nhậu. Ông bị kết tội giết người với bản án 10 năm tù giam và bồi thường một khoản tiền lớn. Với quyết tâm cải tạo tốt và nghiêm túc chấp hành án, ông được đặc xá trước thời hạn 6 năm 2 tháng. Trở về cuộc đời thực, bắt tay làm lại tất cả từ con số không, sau 8 năm ông đã có trang trại hàng trăm triệu đồng. Ông là Võ Văn Thắng (SN 1957), trú thôn Hoa Thám, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.  

Bữa nhậu định mệnh

Trở về vùng quê nghèo Cẩm Lạc, chúng tôi được cán bộ dẫn đường giới thiệu về tấm gương sáng cựu tù Võ Văn Thắng trong câu chuyện “viết” lại cuộc đời mình. Ấn tượng đầu tiên lọt vào mắt tôi về ông là dáng người cao gầy, đôi mắt tinh anh và bước chân nhanh nhẹn. Rót mời khách chén nước chè vườn, ông kể về quá khứ cay đắng với ánh mắt đầy vẻ hối tiếc.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Cẩm Lạc, vào năm 1990, ông đưa gia đình lên vùng bán sơn địa thôn Hoa Thám xin nhận 6ha đất theo chủ trương làm kinh tế mới. Thời gian đầu mới lên, vùng đất này là một khu đồi hoang cỏ dại mọc um tùm. Ông cùng vợ xắn tay khai hoang, dọn dẹp đến đâu trồng cây đến đấy. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông cụ để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời hướng dẫn cho nhiều hộ dân cùng làm nên Võ Văn Thắng rất được lòng láng giềng. Làng trên xóm dưới ai có chén rượu, chén trà đều mời ông đến chung vui.

Rồi một ngày trung tuần tháng 9/2005, ông được người bạn thân Võ Hữu Lương (trú cùng thôn) mời sang nhà nhậu. Ông coi cuộc nhậu định mệnh kia là số phận, bởi chuyện sẽ không có gì nếu nó diễn ra như những cuộc nhậu bình thường trước đây. Thế nhưng, khi trong người đã ngà ngà say, ông xin phép ra về trước thì bị chủ nhà ngăn lại vì cho rằng ông Thắng đã không tôn trọng mình. Lời qua tiếng lại, ông Lương cầm dao lao vào đâm trúng cằm ông Thắng, sẵn có men rượu trong người ông Thắng chống lại rồi vớ được dao đâm trả chủ nhà. Ông Lương tử vong vì mất quá nhiều máu. Cái giá ông Thắng phải trả là bản án 10 năm tù giam và bồi thường cho gia đình bị hại 34 triệu đồng...

Thế nhưng, sự quyết tâm, cần cù, bản tính siêng năng và hơn hết là niềm tin vào cuộc sống được vợ con ông vực dậy, ông đã quyết tâm cải tạo tốt và nhận được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Ngày 2/9/2009, niềm vui tột cùng đã đến với gia đình ông: Võ Văn Thắng được ra tù trước thời hạn 6 năm 2 tháng.  

Hai bàn tay trắng làm lại cuộc đời

Trở về cuộc sống đời thường, Võ Văn Thắng chỉ còn hai bàn tay trắng cùng với khoản tiền 27 triệu đồng vay người thân để bồi thường án dân sự cho gia đình nạn nhân. “Với gia đình tôi lúc ấy là cả một số tiền lớn, vợ tôi phải bán hết mọi vật dụng có giá trị trong gia đình và đi vay mượn thêm bà con để có tiền thi hành án. Cũng may dân làng đều hiểu bản án mà tôi phải gánh chịu là sự cố “phòng vệ ngoài ý muốn” chứ bản thân tôi không phải là con người độc ác, nhẫn tâm. Vì vậy họ không hề xa lánh vợ con tôi và khi tôi trở về họ cũng đối xử với tôi rất chân tình”, ông Thắng chia sẻ.

Ông trở về nhờ chính quyền địa phương tác động, cán bộ ngân hàng đến khảo sát tài sản thấy trang trại lúc đó chỉ là một vùng đồi hoang vắng, toàn cây bụi, nhà cửa lụp xụp, cùng với quá khứ của một kẻ từng bị vào tù ra tội nên họ chỉ nhìn một lát rồi một đi không trở lại.

Do số nợ cũ lúc đó vẫn chưa trả hết, ông không dám mở lời mượn anh em bạn bè, mọi cố gắng để làm lại cuộc đời của ông dường như đi vào ngõ cụt. Không còn đường nào khác, ông đành đến gõ cửa anh em, láng giềng thêm lần nữa. Rất may, người thân, láng giềng đã chia sẻ và mở lòng, ông được nhiều người ủng hộ và đồng ý cho vay. Thời điểm đó, ông chỉ xin vay 3 triệu đồng mua phân, giống về trồng rau, cây ăn quả, lấy ngắn nuôi dài, từng bước mở rộng sản xuất.

Thấm thoát đã gần 8 năm trôi qua, kể từ khi Võ Văn Thắng tái hòa nhập cộng đồng, tài sản mà ông hiện có từ hai bàn tay trắng là 4 ha đất lâm nghiệp trồng cây keo cùng nhiều diện tích trồng cây ăn quả khác như cam, mít, bưởi… Bằng kinh tế vườn rừng, ông triển khai các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm với 20 con bò giống, khoảng 1.000 con gà, ngan, vịt… Bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Những năm thu hoạch cây lâm nghiệp, thu nhập của gia đình ông xấp xỉ tiền tỷ.

Hơn 4ha rừng keo là nguồn thu nhập đáng kể của trang trại ông Thắng

Nhận xét về ông Thắng, anh Hoàng Văn Tích – Trưởng công an xã Cẩm Lạc khẳng định: “Bản thân ông Võ Văn Thắng là một người có nghị lực rất lớn. Chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương được bạn bè, anh em, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Chính quyền địa phương chỉ động viên bằng tinh thần, còn việc hỗ trợ vay vốn chủ yếu nhờ anh em, làng xóm, lúc đó không có dự án nhiều như bây giờ nên không đoàn thể nào đủ khả năng giúp đỡ được gia đình ông Thắng cả, ông ấy phải tự lực là chủ yếu”.

Cũng theo anh Tích, trên địa bàn xã Cẩm Lạc có tới 24 đối tượng thuộc diện địa phương quản lý sau khi chấp hành xong án phạt tù thì Võ Văn Thắng là tấm gương tiêu biểu nhất. Từ hai bàn tay trắng ông đã làm nên một kỳ tích khiến những người bình thường cũng không thể theo kịp. Mô hình của ông không chỉ tiêu biểu ở xã mà còn là mô hình điểm của huyện Cẩm Xuyên. Đó cũng là nơi để giáo giục những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, rất cần nhân ra diện rộng.


Related news

nghe-nhan-che-huu-co Nghệ nhân chè hữu cơ thuong-lai-khong-chon-trai-cay-vietgap-thuc-su-ho-mua-gi Thương lái không chọn trái…