Tin nông nghiệp Mô hình vườn thực nghiệm công nghệ cao trong trường phổ thông

Mô hình vườn thực nghiệm công nghệ cao trong trường phổ thông

Author Chu Quốc Hùng, publish date Saturday. March 10th, 2018

Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Lâm Đồng là trường học đầu tiên ở tỉnh Lâm Đồng có khu vườn thực nghiệm công nghệ cao.

Mô hình vườn thực nghiệm công nghệ cao trong trường phổ thông. Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng – TTXVN

Khu vườn vừa là nơi phục vụ công tác giảng dạy vừa góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà trường. 

Đến thăm khu vườn thực nghiệm của trường, nhiều người đã rất ngạc nhiên trước một khu nhà kính, được thiết kế theo tiêu chuẩn nông nghiệp công nghệ cao. Khu nhà kính rộng 500 m2 với hệ thống tưới tự động, hàng chục ngàn gốc hoa cát tường đang lên đều tăm tắp... 

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Lâm Đồng Phạm Thị Hồng cho biết: Trước đây, vườn thực nghiệm công nghệ cao là khu vườn trồng thuốc nam nhưng đã bị bỏ hoang nhiều năm. Ban Giám hiệu nhà trường đã có ý tưởng biến nơi đây thành khu vườn thực nghiệm nhằm tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với nông nghiệp công nghệ cao.

Điều đó càng có ý nghĩa hơn bởi đặc thù của trường là trên 400 học sinh người dân tộc thiểu số, đến từ các buôn làng vùng sâu, vùng xa. Trước đây, mỗi lần đi tham quan thực tế ở các trang trại, các em cũng mới chỉ được quan sát chứ chưa được thực hành, theo dõi quá trình phát triển của các loại cây trồng. 

Vào dịp nghỉ hè của năm học 2017- 2018, thầy và trò nhà trường đã cùng chở đất san lấp, cải tạo mặt bằng để có được khuôn viên vườn đẹp như hiện nay. Ban Giám hiệu nhà trường đã tận dụng mọi nguồn lực, vay khoảng 160 triệu đồng để dựng 2 nhà kính và mua vật tư nông nghiệp phục vụ trồng trọt.

Bên cạnh đó, ở vườn còn có nhà trồng các loại rau xà lách, cải thìa, cải ngọt… theo phương pháp thủy canh hiện đại. Nhà trường cũng giao cho học sinh khối 10 và 11 mỗi lớp 3 luống để tự trồng rau trên đất nhằm cải thiện bữa ăn và bán gây quỹ. Hàng ngày, các em học sinh thay nhau xuống vườn chăm sóc, vừa quan sát, so sánh hiệu quả giữa phương pháp canh tác rau thủy canh và trồng trên đất. 

Sau 3 vụ rau, hiện Ban Giám hiệu nhà trường đã chuyển sang trồng hoa cát tường ở vườn. Dự kiến đến ngày 30/4 tới đây, nhà trường sẽ thu hoạch lứa hoa cát tường được trồng theo phương pháp công nghệ cao. 

Em Dạ Gút Phương, người dân tộc K’Ho, học sinh lớp 11B của trường cho biết: “Ở nhà, chúng em chưa bao giờ được học cách trồng rau theo phương pháp hiện đại như thế này. Em thấy mô hình này rất bổ ích. Những kiến thức này rất cần thiết cho chúng em khi trở về nhà, phụ giúp công việc cho gia đình…”. 

Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Lâm Đồng năm nay vừa tròn 30 tuổi. Ngôi trường này tọa lạc giữa đồi thông, trông như một khu nghỉ dưỡng của thành phố Đà Lạt.

Trong năm học 2017- 2018 vừa qua, trường có 13 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở các môn văn, lịch sử, địa lý... Với mô hình khu vườn thực nghiệm công nghệ cao, những kiến thức mà các em học sinh của trường tiếp thu được sẽ bền vững hơn nhờ được “học đi đôi với hành”./.


Related news

cach-don-gian-de-nhan-biet-rau-huu-co Cách đơn giản để nhận… quang-tri-trong-lac-mat-do-day-tren-vung-cat Quảng Trị: Trồng lạc mật…