Tin thủy sản Mở hướng nuôi cá tầm trên hồ Cốc Ly

Mở hướng nuôi cá tầm trên hồ Cốc Ly

Author Tuấn Khang, publish date Tuesday. September 17th, 2019

Nhằm tận dụng lợi thế nuôi cá tầm tại địa phương, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai đã triển khai mô hình nuôi cá tầm trong lồng bè trên hồ Cốc Ly với 4 hộ tham gia, quy mô 400 m3, kết quả ban đầu khá khả quan.

Nuôi cá đạt năng suất, chất lượng cần tuân thủ kỹ thuật, quy trình nuôi an toàn

Hiệu quả thấy rõ

4 hộ dân tại 2 xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà) và xã Tả Thàng (huyện Mường Khương) được lựa chọn tham gia mô hình với tổng thể tích lồng nuôi là 400 m3, thời gian nuôi 10 - 12 tháng. Cùng đó, Trung tâm hỗ trợ 3.000 con cá giống và 2.700 kg thức ăn hỗn hợp nuôi cá tầm. Trong quá trình nuôi, cá tầm thích nghi tốt, sinh trưởng, phát triển ổn định, ít dịch bệnh. Qua 12 tháng nuôi, cá đạt tỷ lệ sống bình quân 70%, trọng lượng bình quân 1,8 kg/con. Giá bán 130.000 đồng/kg, tổng doanh thu của mô hình hơn 491 triệu đồng, mỗi hộ lãi bình quân gần 29 triệu đồng/50 m3.

So sánh với nuôi cá ngoài mô hình, 1 năm nuôi cá điêu hồng trong lồng trong cùng quy mô số lãi 2 vụ/năm là 86 triệu đồng, mỗi hộ lãi bình quân 21,5 triệu đồng/50 m3. Nếu nuôi cá truyền thống khác như: trắm cỏ, chép… cũng có thu nhập tương đương cá điêu hồng. Như vậy, so sánh nuôi cá tầm trong mô hình và nuôi cá khác ngoài mô hình về hiệu quả kinh tế tăng 34,8%; đặc biệt nuôi cá tầm ở môi trường nguồn nước rộng, sạch, mát và được bổ sung thêm cá nhỏ tươi… nên chất lượng thực phẩm tốt hơn, công tác tiêu thụ thực phẩm thuận lợi.

Hướng đi mới

Qua thời gian tham gia mô hình, từ kinh nghiệm thực tế và hiệu quả rõ rệt, những người nuôi cá tầm đều khẳng định, việc nuôi cá đạt năng suất, chất lượng là do tuân thủ kỹ thuật, quy trình nuôi an toàn. Cụ thể, các hộ nuôi luôn có kế hoạch và quản lý sức khỏe đàn cá theo yêu cầu hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông; Nguồn giống hộ gia đình được cung cấp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch thú y theo yêu cầu của cơ quan chức năng; Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng luôn cho cá ăn theo chế độ dinh dưỡng phù hợp độ tuổi của cá; Không sử dụng hormone, chất kích thích tăng trưởng trong quá trình nuôi.

Trong số các hộ nuôi thành công, anh Cao Văn Quyền, thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly hồ hởi chia sẻ: “Khi được hỗ trợ con giống, thức ăn tôi đã áp dụng đúng theo hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời thường xuyên giám sát các chỉ tiêu như: nồng độ ôxy hòa tan, pH, NH3… và điều chỉnh để đảm bảo chất lượng nước nuôi. Vì vậy, sức khỏe đàn cá ổn định, trong quá trình nuôi không phải sử dụng kháng sinh, chủ yếu dùng vôi, tỏi… trong phòng trị bệnh. Theo đó, sản phẩm không có tồn dư kháng sinh trước khi đưa ra thị trường”.

Từ hiệu quả thực tế, các hộ nuôi tham gia mô hình đều rất phấn khởi và mong muốn mô hình được tiếp tục phát triển rộng. Bởi trên thực tế, việc nuôi cá tầm trong lồng bè thành công là hướng đi mới cần được nhân rộng nhằm khai thác thế mạnh của tỉnh Lào Cai (với 2 hệ thống sông Hồng và sông Chảy chảy qua nhiều huyện và gần 30 hồ đập thủy điện ở vùng cao)… Đây cũng là cơ sở nhân rộng, phát triển mô hình nuôi cá tầm trong lồng bè theo sản xuất hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hơn nữa, việc triển khai dự án nuôi cá tầm nước lạnh bên cạnh các giống cá thông thường sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm đặc sản chất lượng.

Dự kiến, thời gian tới, các địa phương có điều kiện về khí hậu, mặt nước sẽ tổ chức nuôi cá tầm trên quy mô lớn hơn, tiến tới thành lập các tổ, nhóm nông dân nuôi cá tầm trong lồng theo hướng VietGAP, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm bền vững.


Related news

nuoi-tom-ao-tron-ong-tron-lai-lon Nuôi tôm ao tròn, ông… phat-trien-nghe-nuoi-luon-khong-bun Phát triển nghề nuôi lươn…