Tin nông nghiệp Món nợ truyền đời ở vựa ngô

Món nợ truyền đời ở vựa ngô

Author Gia Tưởng, publish date Wednesday. November 9th, 2016

Hàng chục năm nay, cây ngô được coi như “cứu tinh” xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào tại xã biên giới Phiêng Pằn (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Nhưng ít ai biết đằng sau cái vẻ đẹp vàng óng được phủ khắp nương, khắp núi là một câu chuyện luẩn quẩn với những món nợ truyền kiếp của người trồng ngô: “Không làm thì đói, làm thì mang nợ”.

Những món nợ truyền kiếp

Từ ngã 3 Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), trên Quốc lộ 6 hướng Hà Nội lên, rẽ trái đi theo hướng biên giới Việt – Lào 25km, chúng tôi tới xã biên giới Phiêng Pằn. Đường sá ở đây được đầu tư nâng cấp, ôtô mùa nào cũng tới được trung tâm xã. Nhưng muốn xuống các bản của người Xinh Mun như: Nà Nhụng, Phiêng Khàn, Tà Vắt chỉ có thể đi bộ hoặc nhờ dân thổ địa “tăng bo” bằng xe máy mới mong an toàn.

Cứ đến mùa ngô chín, các chủ đầu tư lại đánh xe đến để tận thu sản phẩm với giá rẻ. Ảnh: Gia Tưởng

Theo lời chỉ dẫn của ông Chủ tịch xã Phiêng Pằn Lù A Dủa, chúng tôi tìm đến thôn Phiêng Khàn. Công an viên Vi Văn Tẩng dẫn đường nói: “Hôm nay trời nắng mình còn đi được, chứ có vài hạt mưa muốn vào bản chỉ có cuốc bộ thôi!”. Tôi hỏi về việc bà con vì trồng ngô mà ngày càng dày nợ, anh Tẩng cho biết: “Tục lệ của người Xinh Mun thách cưới rất cao, cộng với sau mỗi vụ trồng ngô thu không bù chi nên hầu như hộ nào cũng dính nợ”.

Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi tìm đến là nhà ông Vi Văn Pèng (sinh năm 1954). Khi được hỏi về các khoản nợ trong nhà, ông Pèng  không nhớ hết vì những khoản vay giờ được con trai ông đứng tên. Ông kể: “2 năm trước mình chỉ vay 30 triệu đồng mua tôn lợp nhà, sau 2 vụ ngô chủ nợ thông báo nợ tăng lên 70 triệu đồng. Cứ đợi đến mùa ngô để trừ nợ dần mà không biết đến năm nào mới xong”.

Cách một con rào, ngay phía sau nhà ông Pèng là nhà anh Vì Văn Vương (sinh năm 1988). Vương  có vợ và 2 con nhưng cả nhà có đến 14 miệng ăn đang sinh sống chung một mái nhà, gồm bố mẹ và các anh chị em. Vương cho biết, nếu nói về diện tích trồng ngô của gia đình thì không thể đo được, chỉ biết rằng mỗi năm gia đình làm khoảng 100kg giống. Dự kiến năm nay thu khoảng 30 tấn ngô, với giá 3.000 đồng/kg, gia đình anh Vương  thu nhập gần 100 triệu đồng. Đây là khoản thu có thể nói là khá lớn so với mức thu nhập của nông dân. Nhưng anh Vương cùng gia đình chẳng thể vui hay phấn khởi vì anh đang có tờ giấy vay nợ 168 triệu đồng từ năm ngoái, chưa kể lãi do ông chủ Nguyễn Ngọc Thành đầu tư.

Anh Vương cho biết: “Để trồng được ngô, toàn bộ từ phân, giống, gạo, muối, thịt đều được nhà đầu tư chuyển lên. Đến vay tiền mua nhẫn cưới cũng được nhà đầu tư cung cấp, cứ thế tích tiểu thành đại thôi”. Lúc đầu con số nợ nhà anh Vương chỉ vài chục triệu đồng, sau một năm tăng lên trăm triệu đồng. Bây giờ chốt sổ vay đã trên dưới 200 triệu đồng (vì mỗi tháng tính lãi suất khoảng 2,5 - 3%). Nếu không có khả năng trả bằng tiền thì phải trả bằng cách cho thầu lại nương, có nghĩa là chủ nợ sẽ lấy nương để giao cho người khác làm và thu tiền. May cho nhà anh Vương, tuy nợ tiền nhưng vẫn chưa bị thu nương vì mỗi năm vẫn làm ra cả trăm triệu để trả nợ hết.

Anh Vì Văn Vương và tờ giấy ghi nợ 168 triệu đồng. Ảnh: G.T

Trưởng bản Phiêng Khàn Vi Văn Xỏm cho biết: “Trước kia cả bản đều nợ nhưng giờ tôi không biết chính xác, vì người Xinh Mun giờ đây nhà nào biết nhà đó. Nếu có cũng còn khoảng 1/3 bản mang nợ, số này chắc sẽ còn nợ dài dài chứ chưa thể trả hết được trong những năm tới đâu”. Cả xã Phiêng Pằn, có đến hàng nghìn ha ngô rơi vào tình trạng này, riêng thôn “chúa chổm” Nà Nhụng đang có 700ha có nguy cơ cao rơi vào vòng luẩn quẩn của chủ đầu tư.

Càng làm càng gánh nợ

Ông Chủ tịch xã Lù A Dủa có thể đọc vanh vách những nhà đầu tư đang tung hoành trong các bản làng của người Xinh Mun tại xã Phiêng Pằn như: Thành Đạt, Phạm Ngọc Thành, Quách Xuân Mạnh, Nguyễn Văn Phong. Ông Dủa cho biết: “Họ đều ở dưới thị trấn Hát Lót hay ngã 3 Cò Nòi, không ai cắm ở bản để cho vay. Cứ tháng 11 hàng năm khi mùa ngô chín, khô họ mới xuất hiện để tận thu sản phẩm”. Tuy nhiên các chủ đầu tư đều cài cắm người làm tai mắt”, đảm bảo bà con không bán trộm hay mang ngô đi đổi được.

Hiện nay ở Phiêng Pằn có 13/19 bản người dân rơi vào cảnh nợ nần phức tạp, trong đó có tới 213 hộ mà xã nắm được là có số nợ lên đến cả trăm triệu đồng. Nhưng con số thực tế còn cao hơn nhiều”. Chủ tịch xã Lù A Dủa

Theo ông Dủa, các nhà đầu tư chở ngô giống, phân bón, gạo lên tới xã họ chỉ tính tiền cước thôi. Nhưng tìm hiểu từ người dân nơi đây mới thấy cách tính cước của nhà đầu tư cười ra nước mắt: Ngô giống mua giá 70.000 đồng/kg, đến cuối vụ tăng lên 130.000 đồng/kg. Mỗi vụ ngô chỉ kéo dài khoảng 4 tháng, nếu số tiền đó không trả được đến vụ sau tiền giống sẽ tăng lên 210.000 đồng/kg (theo cách tính lãi một nhân ba). Phân bón cũng vậy, giá phân ngoài thị trường vận chuyển tới bản có giá 9.000 đồng/kg. Nếu như ngô phải ăn phân chịu như người ăn nợ gạo, thì đều bị quy theo giá 13.000 đồng/kg vào cuối vụ, sang vụ mới là 18.000 đồng/kg.

Còn về  gạo, đồng bào Xinh Mun ở Phiêng Pằn cấy lúa nương nên hiếm nhà  làm được gạo đủ ăn cả 12 tháng, thường thì chỉ đủ 8 tháng là đã ấm cái bụng rồi, vì vậy cứ phải đong gạo để ăn và nấu rượu. Các hộ gia đình của người Xinh Mun nhà nào cũng đông đến chục người, vì vẫn giữ thói quen ở chung trong một gia đình lớn nên mỗi tháng đánh bay đôi ba tạ gạo cũng là chuyện bình thường. Giá gạo theo thị trường chỉ từ 10.000 đến 11.000 đồng/kg, nhưng đến ăn chịu, mua đựng phải thanh toán 20.000 đồng/kg khi bán ngô.

Để làm ra được hạt ngô người Phiên Pằn phải chịu giá cao ngay từ đầu vào, còn đầu ra phải chấp nhận bị ép giá hết mức. Giá ngô ở bên ngoài 4.000 - 5.000 đồng/kg, ở Phiên Pằn chỉ bán được cho nhà đầu tư (thực chất là các chủ nợ) 2.500 - 3.000 đồng/kg là tốt lắm rồi. Vì mọi giá cả, bao tiêu đầu ra đều do các chủ nợ quy định.

Theo chủ tịch xã Lù A Dủa: “Tình trạng nợ của bà con tới mức nghẹt thở, họ đã bảo nhau cùng ra xã kêu cứu. Chúng tôi ở cấp xã đã kiến nghị lên huyện, sắp tới có lẽ phải đề nghị công an kinh tế vào làm việc, vì nhiều hộ dân nói họ trả nợ rồi, nhưng trả mãi vẫn chưa hết nợ vì chủ nợ cứ mỗi năm khai các khoản càng nhiều thêm”.

Có những nghịch lý mà không lên Phiêng Pằn không thể biết, đồng bào hàng ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Nghe chính quyền trình bày về những bất hợp lý từ những chủ đầu tư (chủ nợ) mới thấy cây ngô “đẩy” người dân vào cảnh nợ nần chồng chất. Một nghịch lý khó giải thích được bằng lời.

Làm rõ tính chất pháp lý của các giấy tờ vay nợ

UBND tỉnh Sơn La mới đây đã tổ chức họp khẩn để tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn và nợ nần cho người trồng ngô ở huyện Mai Sơn. Lãnh đạo huyện này cho biết đã đề ra 5 nhóm giải pháp chính để khắc phục. Theo đó, chỉ đạo cấp ủy xã tăng cường chỉ đạo việc giải quyết vay nợ, cho thuê thầu đất của các hộ dân trên địa bàn các xã, thị trấn; tổng hợp, phân loại các hộ thiếu đất sản xuất, xây dựng phương án hỗ trợ giống, vật nuôi; chỉ đạo các cơ quan tư pháp làm rõ tính chất pháp lý của các giấy tờ vay nợ, xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu vi phạm; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình...

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị huyện Mai Sơn và các sở, ngành phối hợp kiểm tra, rà soát thực trạng nông dân nợ nần trong toàn huyện và các huyện trong tỉnh để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng huyện Mai Sơn triển khai các mô hình kinh tế phù hợp để ổn định đời sống nhân dân...             

Anh Thư


Related news

nang-suat-lua-ngo-ot-tang-15-20-nho-phan-bon-lam-thao Năng suất lúa, ngô, ớt...… doi-che-ngheo-kiet-hoa-trang-trai-vang Đồi chè nghèo kiệt hóa…