Một số bệnh hại hoa cúc và cách phòng trị
Trong vài năm trở lại đây, do nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nên diện tích trồng hoa của Đà Lạt đã tăng lên đáng kể, trong đó diện tích trồng hoa cúc chiếm 550 ha trong tổng diện tích trồng hoa trong toàn tỉnh (3.165 ha). Đối với cây hoa cúc, tình trạng chung là người dân trồng hoa không có thời gian nghỉ đất, không có thời gian luân canh giữa các loại cây trồng khác họ. Do đó, các loại bệnh hại tồn tại và phát triển trong đất ngày càng gia tăng. Trước tình hình đó chúng tôi xin giới thiệu với bà con một số bệnh hại chính trên cây hoa cúc, nguyên nhân, và cách phòng trừ để bà con tham khảo.
* Bệnh lở cổ rễ
Triệu chứng: Nấm trong đất xâm nhập vào cổ rễ phần sát mặt đất tạo thành vết bệnh màu nâu xám, lở loét, rễ bị thối mềm, lá bị héo dần và héo khô. Nhổ cây bệnh dễ bị đứt ngang gốc, chỗ vết đứt thối nham nhở.
Nguyên nhân: Bệnh do nấm Rhizoctonia Solani gây ra. Nấm phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt, nhiệt độ không khí khoảng 22-280C, đất thịt nặng, đất bí chặt, đóng váng sau khi tưới.
Biện pháp phòng trừ: Trước khi trồng phải thu gom sạch sẽ tàn dư cây trồng vụ trước tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh ban đầu. Đất trồng cúc phải tơi xốp, thoát nước tốt. Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục hoặc phân vi sinh để bổ sung nguồn dinh dưỡng tổng hợp cho cây và cải tạo kết cấu của đất, đồng thời bổ sung vi sinh vật có ích cho đất. Bón phân cân đối N, P, K theo nhu cầu của hoa cúc, đặc biệt là phân lân và kali.
Khi xuất hiện bệnh cần phòng trừ kịp thời, không để bệnh lây lan. Dùng các loại thuốc đặc trị nấm như: Validacin, Monceren, Anvil, Rovral để phòng trừ.
* Bệnh gỉ sắt
Triệu chứng: Mặt trên lá xuất hiện những chấm nhỏ màu vàng da cam hoặc màu gỉ sắt, bệnh nặng các chấm nhỏ liên kết lại thành đám lớn có màu nâu đỏ. Vết bệnh xuất hiện ở cả mặt dưới lá, chồi non, cuống lá, đôi khi hại cả thân cây làm cho thân teo tóp lại. Nếu không chữa kịp thời bệnh lan rộng cả mặt lá, làm cho cây cháy lá, lá vàng, rụng sớm làm giảm hiệu suất quang hợp của cây và thẩm mỹ cành hoa.
Nguyên nhân gây bệnh: Do nấm Puccinia Chrysanthemi gây ra. Bào tử nấm lan truyền trong không khí, trên tàn dư cây bệnh còn sót lại, khi gặp điều kiện ẩm độ cao nhiệt độ thích hợp (18-210C), bệnh phát triển mạnh.
Biện pháp phòng trừ: Thu dọn sạch tàn dư thực vật đem đốt. Làm vệ sinh vườn cây sạch sẽ, tạo độ thông thoáng, bón phân cân đối. Phun thuốc phòng trừ bằng các loại: Carbenzim, Anvil, Topsin-M, Zineb … theo nồng độ khuyến cáo để phun.
* Bệnh phấn trắng
Triệu chứng: Vết bệnh xuất hiện trên lá non, trên những phần non của cây đang tăng trưởng, dạng bột màu trắng xám, hình bất định. Mặt dưới lá chỗ vết bệnh màu vàng nhạt. Bệnh làm cho lá vàng, khô héo rụng sớm, nụ thối, hoa nhỏ không nở được, hoặc nở lệch về một bên.
Nguyên nhân gây bệnh: Do nấm Oidium Chrysanthemi gây ra. Nấm phát triển thuận lợi ở nhiệt độ 15-250C. Nếu nhiệt độ cao trên 330C nấm sẽ chết sau 24 giờ, ở 450C nấm chết sau 10 phút. Nấm tồn tại trên cây bệnh ở dạng sợi và bào tử.
Biện pháp phòng trừ: Chọn giống kháng bệnh, bón phân cân đối, chú ý bón kali, cắt cây, cành lá bị bệnh đem tiêu huỷ. Dùng các loại thuốc: Anvil, Rovral, Topsin-M để phun khi cây bệnh.
* Bệnh đốm vàng
Triệu chứng: Vết bệnh thường xuất hiện từ mép lá, màu xám nâu, hoặc xám đen hình tròn, hoặc bất định, xung quanh vết bệnh có quầng vàng rộng. Sau đó từ mép lá, chóp lá, vết bệnh lan vào phiến lá làm lá thối đen và rụng.
Nguyên nhân gây bệnh: Do nấm Alternaria sp gây ra. Nấm này phát sinh mạnh ở nhiệt độ từ 20-280C, ẩm độ >85%.
Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên kiểm tra phát hiện bệnh kịp thời, ngắt bỏ lá già, lá bị bệnh. Dùng các loại thuốc gốc đồng, Topsin-M, Aliette 80NP, Rovral để phun.
* Bệnh đốm đen
Triệu chứng: Lúc đầu trên bề mặt lá xuất hiện những chấm nâu đen, sau chuyển thành màu đen, từ mép lá lan vào trong phiến lá. Vết bệnh hình tròn, hình bất định không đều. Bệnh nặng tạo thành vết cháy lớn trên lá, làm lá rụng dần. Các chồi non cũng bị lây bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh: Do nấm Curvularia sp. gây nên. Nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển từ 22-26oC, ẩm độ >85%. Nấm tồn tại trong đất và lan truyền qua các hoạt động khác của con người.
Biện pháp phòng trừ: Sử dụng giống kháng bệnh, vệ sinh vườn cây sạch sẽ, ngắt bỏ lá già, lá bị bệnh. Nên tưới nước vào buổi sáng để tránh đọng nước trên lá vào buổi tối. Cây bị bệnh dùng các loại thuốc như: Anvil 2SC, Topsin, Maneb BTN…để phun.
* Bệnh đốm than (Bệnh thán thư)
Triệu chứng: Vết bệnh xuất hiện trên lá lúc đầu là những đốm tròn, màu nâu vàng hoặc nâu xám, mép hơi lồi, nhiều vết bệnh làm lá vàng và rụng, cây sinh trưởng kém, hoa nhỏ.
Nguyên nhân gây bệnh: Do nấm Colletotrichum chrysanthemi. gây ra. Nấm phát sinh quanh năm, nhất là vào thời điểm nhiệt độ cao, mưa nhiều, bón nhiều phân.
Biện pháp phòng trừ: Bón phân cân đối NPK. Khi phát hiện bệnh có thể phun các loại thuốc Topsin-M, Antracol, Daconil.
* Bệnh héo vàng
Triệu chứng: Vết bệnh xuất hiện ở gốc thân, tạo thành vết màu nâu đen, biểu bì chỗ bệnh hơi phình lên, nứt ra, khi ẩm ướt vết nứt có lớp sợi nấm màu trắng. Rễ cây bệnh bị thối đen dần, lá vàng dần cuối cùng toàn cây héo chết.
Nguyên nhân gây bệnh: Do nấm Fusarium sp. gây ra. Bệnh phát sinh nhiều vào mùa hè, khí hậu nóng và mưa nhiều. Nấm tồn tại trong đất và cây bệnh ở dạng sợi nấm.
Biện pháp phòng trừ: Khi làm đất nên có thời gian để đất phơi ải, bón vôi, bón phân chuồng đã ủ hoai mục. Khi trong vườn xuất hiện cây bị bệnh nên nhổ bỏ và xử lý chỗ cây bệnh bằng các loại thuốc gốc đồng, kết hợp phun thuốc Zineb, Benomyl.
* Bệnh héo xanh vi khuẩn
Triệu chứng: Bệnh héo xanh do vi khuẩn là loại bệnh phổ biến và nguy hiểm đối với cây hoa cúc, bệnh làm chết cây hàng lọat. Vi khuẩn tồn tại trong đất, lan truyền theo nước tưới xâm nhập vào cây qua các vết thương và di chuyển vào trong bó mạch. Bệnh thường xảy ra vào lúc cây đang tăng trưởng đến khi hình thành nụ, làm lá bị héo vào buổi trưa nắng. Khi điều kiện khí hậu thuận lợi, triệu chứng héo cả cây diễn ra rất nhanh sau 1-2 ngày và cây héo hoàn toàn khi lá cây vẫn còn xanh. Cắt ngang thân thấy mô mạch phần thân dưới và rễ hóa nâu, nhúng vào nước sẽ thấy dịch nhầy trắng đục tiết ra.
Nguyên nhân: Bệnh do loại vi khuẩn Pseudomonas Solanacearum gây ra.
Biện pháp phòng trừ: Với loại bệnh này, hiện nay chưa có thuốc hóa học phòng trị đặc hiệu. Chỉ có thể dùng các biện pháp hạn chế như: Chọn cây giống sạch bệnh, tránh sát thương cơ giới. Luân canh với cây trồng khác họ. Nhổ bỏ cây bị bệnh và tưới thuốc gốc đồng vào gốc cây bệnh. Phun ngừa thuốc kháng sinh Streptomixin, phun ở nồng độ 100-150ppm.
* Bệnh khô lá
Triệu chứng: Bệnh xuất hiện trên lá, một số gây hại ở chồi và hoa. Lá bị bệnh đổi màu, có các đốm vàng nhạt hoặc vàng nâu phân biệt rõ rệt với gân lá. Đốm bệnh lớn dần làm lá xoăn và khô héo. Chồi và hoa bệnh cũng bị xoăn lại và héo.
Nguyên nhân gây bệnh: Do Tuyến trùng Aphelenchoides ritzemabosi gây ra. Tuyến trùng A.ritzemabosi ký sinh, phá hại trên hoa cúc. Tuyến trùng phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt, xâm nhập vào cây qua khí khổng, chích hút nhựa làm lá và hoa khô héo. Chúng có thể sống trong cây bệnh và trong đất tới 6 – 7 tháng. Tuyến trùng lan truyền qua ngọn giâm, cây bị bệnh và nước tưới.
Biện pháp phòng trừ: Dùng cây giống sạch bệnh. Phát hiện sớm cây bị bệnh để xử lý kịp thời, nhổ bỏ cây bệnh kết hợp tưới rải thuốc Mocap, Furadan, Formalin...Ngoài ra có thể trồng hoa vạn thọ xung quanh vườn để dẫn dụ tuyến trùng vào gốc hoa vạn thọ.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao