Một số bệnh thường gặp ở bò và cách điều trị
1. Bệnh tiêm mao trùng
Bệnh do một loại tiêm mao trùng có tên gọi là Trypanosoma evansi gây ra. Triệu chứng điển hình của bệnh là gây sốt cao 40-41 độ C, cơn sốt gián đoạn không theo một quy luật nào. Ở thể cấp tính, khi sốt cao thường thể hiện triệu chứng thần kinh như quay cuồng, đi vòng tròn, run từng cơn. Bò thiếu máu và phù thũng những vùng thấp của cơ thể. Viêm giác mạc, iả chảy dai dẳng. Có thể xảy thai, giảm sản lượng sữa. Bệnh truyền qua ruồi, mòng. Bệnh thường ở thể mãn tính.
Khi vật bị nhiễm bệnh, có thể sử dụng những loại hóa dược sau để điều trị:
- Berenyl 7%, tiêm bắp với liều 3,5 - 7mg/1kg trọng lượng.
-Tripamidium 1-2%, có thể tiêm bắp hoặc tiêm dưới da với liều 0,2 - 0,5mg/1kg trọng lượng.
- Suramin (Naganol) 10% tiêm tĩnh mạch với liều 2,5mg/1kg trọng lượng. Tiêm hai lần cách nhau một tuần.
- Novarsenobenzole 10% tiêm tĩnh mạch với liều 2,5 - 5mg/1kg trọng lượng.
- Quinapyramine 10% có thể tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.
- Prothidium 2,5% tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.
Lưu ý: luôn luôn xem kỹ hướng dẫn trên nhãn thuốc trước khi dùng.
Phòng bệnh: Quy trình phòng bệnh tiên mao trùng gồm ba biện pháp chủ yếu như sau:
Định kỳ kiểm tra máu mỗi năm hai lần để phát hiện tiên mao trùng.
Diệt côn trùng hút máu và truyền bệnh. Phát quang bờ bụi và khai thông các cống rãnh quanh chuồng và bãi chăn để côn trùng không có nơi cư trú.
Chăm sóc nuôi dưỡng tốt để tăng sức đề kháng cho bò.
2. Bệnh lê dạng trùng
Bệnh do động vật đơn bào có dạng quả lê hai mầm, đặc trưng là loại Babessis bigemimum, Babessis bovis. Bệnh truyền qua ve.
Hầu hết các nước nuôi bò sữa cao sản đều có bệnh này. Ở thể cấp tính bệnh thể hiện triệu chứng sốt cao liên miên, nước tiểu chuyển từ vàng thẫm, đỏ sau đen như cà phê. Niêm mạc vàng có chấm xuất huyết. Thủy thũng ở hầu, má. Con vật táo bón hoặc ỉa chảy. Ở Việt nam, các bò lai F1, F2 nhiễm lê dạng trùng với tỷ lệ thấp (khoảng 2-5%) và ở thể mãn tính. Bệnh có thể điều trị bằng một trong những loại thuốc sau:
Heamospiridin (LP-2) liều dùng 0,5mg/kg thể trọng. Thuốc dạng bột, pha với sinh lí theo tỷ lệ tỷ lệ 1% tiêm chậm vào tĩnh mạch.
Acriflavin (các biệt dược là: Trypanble, Trypaflavin, Flavacridin, Gonacrin) liều dùng 3mg/kg thể trọng. Thuốc pha với nước cất theo tỷ lệ 1%, có thể tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.
Azidin (hoặc Berenil hoặc Veribel) 3,7mg/kg trọng lượng pha thành dung dịch 7% tiêm bắp.
Phòng bệnh lê dạng trùng: Diệt ve, vệ sinh và nuôi dưỡng tốt.
3. Bệnh biên trùng
Biên trùng là một loại động vật đơn bào rất nhỏ ký sinh trong hồng cầu của gia súc. Ở bò, thấy có hai loài biên trùng gây bệnh là: Anaplasma margonale và Anaplasma centrale. Bệnh truyền qua ve.
Ở thể cấp tính, con vật sốt cao 40-420C và cơn sốt lên xuống thất thường. Toàn thân run rẩy, các cơ bắp, cơ vai, cơ mông co giật. Bò ăn kém, chảy nhiều nước dãi. Khi phát bệnh, bò ngừng hoặc giảm tiết sữa hoàn toàn. Sau 7-10 ngày gia súc chết tới 90%.
Thể mãn tính bò gầy còm, thiếu máu, giảm sữa. Phân lỏng, hay bị chướng hơi dạ cỏ.
Có nhiều hóa dược đã được nghiên cứu và sử dụng trong điều trị bệnh biên trùng như: Heamospiridin, Azidin, Sulfantrol, Quinarcin, Lomidin, Rivanol... nhưng trong đó Rivanol có hiệu lực cao và được sử dụng phổ biến ở nước ta.
Phòng bệnh: Diệt ve, nuôi dưỡng tốt.
4. Bệnh sán lá gan
Bệnh sán lá gan là một bệnh gây ra do loài sán lá Fasciola gigantica, Fasciola hepatica sống ký sinh ở gan, túi mật và ống dẫn mật của trâu bò. Bệnh phổ biến khắp nơi trên thế giới, ở Việt nam, theo Lương Tố Thu, tỷ lệ bò sữa nhiễm rất cao, từ 50-68%. Ở các trại chăn nuôi bò sữa tập trung tỉ lệ nhiễm sán lá gan khoảng 28-30%.
Thể cấp tính có thể làm gia súc chết.
Thể mãn tính gia súc gày ốm, sản lượng sữa giảm 15-25%. Gày yếu, thiếu máu, lông da khô. Thủy thũng nhẹ ở mí mắt, hầu cổ. Bò chửa có thể sảy thai. Bò kén ăn, hay ỉa chảy mãn tính.
Để có thể phòng bệnh sán lá gan một cách hữu hiệu chúng ta cần phải biết về vòng đời chúng trong và ngoài cơ thể vật chủ. Sán lá gan trưởng thành sống trong các ống dẫn mật và túi mật của gan đồng thời đẻ trứng ở đó. Trứng theo ống dẫn mật về ruột rồi thải ra ngoài theo phân. Nếu gặp điều kiện môi trường thuận lợi như nước, nhiệt độ thích hợp thì trứng nở thành mao ấu, mao ấu di chuyển trong nước và tìm chui vào một loài ốc có tên là Zimnea Limosa để sống nhờ. Trong cơ thể của ốc thì mao ấu phát triển thành bào ấu rồi vĩ ấu và chui ra ngoài tự nhiên. Vĩ ấu rụng đuôi và biến thành ấu trùng cảm nhiễm (kén) bám vào cây cỏ. Bò ăn cỏ có mang ấu trùng cảm nhiễm sẽ bị nhiễm sán lá gan. Chính vì thế để phòng bệnh sán lá gan trên trâu bò chung ta phải áp dụng biện pháp tổng hợp như sau:
Trên cơ thể gia súc: Ở vùng có nhiễm sán lá gan thì chúng ta có thể dùng thuốc xổ định kỳ 3 tháng một lần. Kiểm tra phân để phát hiện sán lá gan ở những đàn gia súc mới nhập về nuôi.
Môi trường ngoài:
- Chuồng trại: Khai thông mương rãnh để thoát chất thải vào nơi quy định, kết hợp với ủ phân để diệt trứng sán.
- Đồng cỏ: Dùng biện pháp chăn thả luân phiên hoặc cắt cỏ phơi khô cho bò ăn.
- Diệt ký chủ trung gian: Khai thông mương rãnh thoát nước trên các bãi chăn thả. Dùng hóa chất như: CaO, CuSO4, N-trityl morpholine phun vào cỏ mọc dưới nước để diệt các loài ốc nhằm tránh truyền lan mầm bệnh. Trên đồng ruộng có thể kết hợp với nuôi vịt để diệt ốc (biện pháp sinh học).
Những loại thuốc có thể sử dụng để trị sán lá gan:
- Dertil-B (miclopholen): cho uống với liều sử dụng cho bò là 6-7mg/kg thể trọng và cho trâu là 8-9 mg/kg thể trọng. Thuốc có dạng viên (500 mg/viên), hiện nay đang được sử dụng phổ biến ở các địa phương. Bà con có thể tìm mua tại các quầy thuốc thú y trong vùng.
- Fasciranida cho uống với liều chỉ định chung cho trâu bò là 5-6 mg/kg thể trọng.
Dovenix:
- Dạng viên: cho uống với liều 12-15mg/1kg trọng lượng cơ thể bò
- Dạng chích: dung dịch 30% với liều 1.5 ml/1kg trọng lượng
Oxymisole: cho uống với liều 1g/30 kg trọng lượng
Rafoxanid (2,5%): liều dùng 10 mg/1 kg trọng lượng
Albendazole: liều dùng 7,5 mg/1 kg trọng lượng
Filikan: liều dùng 300 - 400mg/1 kg trọng lượng./.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao