Trồng lúa Một Số Giống Lúa Có Hàm Lượng Protein Cao

Một Số Giống Lúa Có Hàm Lượng Protein Cao

Publish date Friday. August 30th, 2013

1.Giống Lúa PĐ211

Giống Lúa PĐ211 được chọn tạo bằng phương pháp lai hữu tính từ tổ hợp lai Sahel 108/P6 với sự trợ giúp của kỹ thuật nuôi cấy bao phấn, quá trình chọn lọc theo định hướng thâm canh, có chất lượng dinh dưỡng và thương phẩm tốt (Sahel 108 là giống lúa chịu hạn và P6 là giống lúa thâm canh có hàm lượng protein cao).

Giống lúa PĐ211 thấp cây (95-100cm), có thời gian sinh trưởng (TGST) trung bình từ 115-118 ngày trong vụ Mùa, 140-145 ngày trong vụ Xuân, có dạng hình gọn, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh khá (6-7 dảnh/khóm). Trong điều kiện đồng ruộng, giống có khả năng kháng bệnh đạo ôn và khô vằn; nhiễm nhẹ bạc lá, rầy nâu; khả năng chịu rét và chống đổ khá, độ thuần ổn định.

Giống PĐ211 có dạng bông to, dài, xếp hạt thưa, số hạt/bông cao (140-145 hạt/bông), tỷ lệ hạt chắc/bông cao (90 ±2%), độ tàn lá muộn. Giống PĐ211 cho năng suất trung bình đạt 55-60 tạ/ha trong vụ Mùa và 60-65 tạ/ha vụ Xuân, tương đương với giống lúa BC15, nếu thâm canh tốt có thể đạt trên 70 tạ/ha. Đây là giống chịu thâm canh khá, chịu hạn và chịu mặn trung bình, khả năng thích ứng rộng, gieo cấy trong trà Xuân chính vụ và Mùa trung tại các tỉnh phía Bắc.

Giống PĐ211 là giống có chất lượng gạo cao: Hàm lượng amylose thấp (18-20%), hàm lượng protein cao 10,5% tương đương với giống P6, dạng hạt gạo nhỏ dài (6,5mm), trong, cơm mềm, đậm, trắng bóng và ngon.

Giống PĐ211 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc năm 2011.

1.Giống lúa P9

Giống lúa P9 được lai tạo và chọn lọc bằng phương pháp gia hệ từ tổ hợp lai BT7/Lúa địa phương Điện Biên. P9 đã được gửi khảo nghiệm quốc gia từ vụ Mùa 2009, Xuân 2010 và Xuân 2011.

P9 là giống được kế thừa có chọn lọc nhiều đặc tính tốt từ giống lúa bố mẹ. Đây là giống lúa cảm ôn, thời gian sinh trưởng ngắn (105-110 trong vụ Mùa, 134-137 ngày trong vụ Xuân), số ngày trổ ngắn và tập trung, khả năng đẻ nhánh, cho năng suất cao (55-65 tạ/hạ, tùy từng mùa vụ). Mặt khác, P9 có một vài đặc tính khác biệt so với giống lúa bố mẹ như màu sắc vỏ trấu vàng nâu, hạt gạo trong, hàm lượng protein cao, kháng bệnh bạc lá, nhiễm nhẹ đạo ôn, chịu rét và chống đổ tốt.

P9 có số hạt chắc/bông cao (140-150), khối lượng 1.000 hạt 21-22 gram, lớn hơn so BT7. Điều đó đã đem lại năng suất của P9 vượt hơn BT7 từ 4,4 tạ/ha ở vụ Mùa và 5,4 tạ/ha ở vụ Xuân, tương ứng tăng 8,1 và 9,4%.

Giống lúa P9 cũng đã được gửi khảo nghiệm sinh thái, xây dựng mô hình canh tác các địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình… với diện tích tăng dần qua các vụ. Tính đến năm 2010, diện tích canh tác giống P9 đạt trên 300 ha. Năng suất đạt 56.7-65.3 tạ/ha ở vụ Xuân và 54.3-59.7 tạ/ha ở vụ Mùa, chống chịu sâu bệnh và chịu rét tốt, gạo dài trung bình và trong, cơm ngon mềm và đậm (hàm lượng amylose 17-18%). Đặc biệt, giống P9 là giống có hàm lượng dinh dưỡng tốt (hàm lượng protein 11%).

P9 là giống lúa thuần được các địa phương tham gia khảo nghiệm và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia đánh giá là giống khảo nghiệm có nhiều triển vọng. P9 có khả năng thích ứng rộng, sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiều chất đất khác nhau, đồng thời có thể tham gia vào cơ cấu giống của các vùng bị chua mặn nhẹ và bấp bênh nước. Hiện nay, giống lúa P9 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc.


Related news

ngam-u-lua-giong-vu-mua Ngâm Ủ Lúa Giống Vụ… ky-thuat-trong-bap-tren-dat-lua-o-dong-bang-song-cuu-long Kỹ Thuật Trồng Bắp Trên…