Trồng lúa Một số kinh nghiệm phòng trừ tuyến trùng hại rễ trên cây lúa

Một số kinh nghiệm phòng trừ tuyến trùng hại rễ trên cây lúa

Author Trần Thị Hoài Phương -Trung tâm Khuyến nông Nghệ An, publish date Thursday. July 18th, 2019

Trong những năm gần đây, bệnh bướu rễ (do tuyến trùng) gây hại khá phổ biến trong ruộng lúa, đặc biệt là các vùng đất giữ nước kém (đất pha cát hoặc đất nhiễm phèn). Hậu quả là nhiều ruộng lúa năng suất giảm 20 - 30% do tuyến trùng gây ra, đặc biệt là trong vụ hè thu.

Để giúp cho bà con nông dân chủ động phòng trừ đối tượng bệnh hại trên, xin giới thiệu đến bà con nông dân một số kinh nghiệm phòng trừ bệnh tuyến trùng gây hại trên cây lúa:

1. Triệu chứng bệnh:

- Tuyến trùng đục lỗ chui vào sinh sống bên trong rễ ngay từ khi mới gieo sạ và hình thành bướu trên rễ rất sớm (từ 5 ngày sau sạ).

- Cây lúa khoảng 1 tháng tuổi thường bị tuyến trùng xâm hại nếu đất ruộng có nguồn bệnh sẵn có. Cây bị lùn, lá hơi vàng, tăng trưởng chậm. Nhổ cây lúa lên, thấy rễ vẫn trắng nhưng bị ngắn lại, bướu xuất hiện ở nhiều đoạn của rễ hoặc ở chóp  rễ. Nơi có ổ tuyến trùng bị phù to tạo bướu 1 - 2mm.

Triệu chứng cây lúa bị tuyến trùng xâm hại gây bệnh bướu rễ

- Khi bị tuyến trùng ký sinh, cây lúa bị bệnh bướu rễ sẽ bị chết khi còn non (2-3 lá) và phát triển chậm khi cây lúa ở giai đoạn 4 lá trở đi. Dù bị ở giai đoạn sau, cây lúa ít bị chết nhưng tốn nhiều phân bón và cây lúa phát triển kém.

- Khi cây lúa bị bướu rễ, chất dinh dưỡng bị tắc nghẽn không vận chuyển nuôi thân lá được, do vậy sau thời gian bị nhiễm bệnh cây lúa sẽ có triệu chứng vàng lá, cháy khô từ chóp xuống, lúa phát triển kém, chồi nhiễm bệnh bị lùn, trổ sớm và có rất ít hạt, hạt bị lửng lép nhiều.

2. Đặc điểm phát sinh phát triển của tuyến trùng

- Tuyến trùng gây hại mạnh trong giai đoạn đầu của cây lúa, nhất là môi trường ruộng lúa thường xuyên bị khô hạn, chúng ngừng sinh trưởng trong môi trường ngập nước). Những ruộng đất bị chua do bón quá nhiều lân supe từ những vụ trước hoặc đất có thành phần cơ giới nhẹ (cát pha) thì mật độ tuyến trùng thường cao hơn chân ruộng khác. Các chân ruộng để ải và giữ được nước thường xuyên sau gieo cấy sẽ ít bị tuyến trùng xâm hại.  

- Tuyến trùng sau khi xâm nhiễm 4 ngày, các đại tế bào được thành hình. Vòng đời của tuyến trùng có thể từ 26-51 ngày.

- Khi tuyến trùng xâm nhập vào bộ rễ cây và làm tổ tạo thành bướu sẽ làm tắc nghẽn sự vận chuyển nước và dinh dưỡng của hệ thống rễ, làm cây biến vàng rồi chết dần khi còn nhỏ và chậm phát triển, còi cọc khi cây lớn.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh bướu rễ gây hại trên cây lúa:

- Ruộng thiếu nước thường xuyên.

- Đất pha cát hoặc đất nhiễm phèn, giữ nước kém, cây lúa dễ bị bệnh bướu rễ hơn.

- Bón thừa phân lân và phân đạm riêng rẽ hay kết hợp sẽ tăng sự sinh sản của tuyến trùng.

- Tuyến trùng thường gây hại mạnh giai đoạn lúa còn nhỏ (mạ và thời kỳ đẻ nhánh).

4. Biện pháp phòng trừ:

Để phòng trừ tuyến trùng hại rễ lúa, nông dân cần thường xuyên điều tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời theo các biện pháp kỹ thuật như sau:

- Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ.

- Để nước ngập trong ruộng vài ngày trước khi làm đất chuẩn bị gieo sạ.

- Cố gắng giữ nước trong ruộng, không để khô hạn lâu, nhất là giai đoạn lúa còn nhỏ.

- Không được để cạn nước, cần cho nước vào ruộng khoảng 3-5cm và giữ liên tục 5-7 ngày.

- Bón vôi với lượng từ 20-25kg/sào (360m2) để giảm độ chua cho đất.

- Sử dụng một số chế phẩm cải tạo đất và tăng cường khả năng ra rễ mới cho lúa như Rhizomyx 2,5G (trộn với phân chuồng hoai mục nếu có) kết hợp phun các loại phân bón hữu cơ qua lá như DS80, Humix, Biogen... để giúp lúa nhanh hồi phục ra lá, ra rễ nhanh hơn. 

 


Related news

phong-tru-oc-buou-vang Phòng trừ ốc bươu vàng chu-dong-phong-chong-benh-lun-soc-den-trong-vu-mua Chủ động phòng, chống bệnh…