Một số lưu ý trong chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm giai đoạn mưa bão
Mưa lớn kéo dài có thể gây ngập úng cục bộ hoặc lụt trên diện rộng làm phát tán mầm bệnh, nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi. Để chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia súc gia cầm giai đoạn mưa bão người chăn nuôi cần thực hiện một số vấn đề sau:
1. Về chuồng trại
- Kiểm tra kỹ lưỡng kết cấu chuồng nuôi, tu sửa lại các hệ thống không chắc chắn. Đặc biệt mái chuồng cần gia cố, chằng chống để hạn chế bị tốc mái khi có bão. Nền chuồng cần đảm bảo độ cao, độ dốc để không bị ngập úng.
- Lắp đặt thêm hệ thống mái hiên, rèm che để che chắn không cho nước mưa tạt vào chuồng nuôi.
- Dọn dẹp kho chứa thức ăn, thuốc thú y; kiểm tra hệ thống giá kê, cửa sổ, mái che đảm bảo không bị ngập nước khi có mưa lớn. Kho chứa cần có diện tích phù hợp để đảm bảo dự trữ đủ thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm khi có sự cố thiên tai.
- Khơi thông cống rãnh, tu sửa đường ống thoát nước. Đặc biệt hệ thống xử lý chất thải cần phải che chắn và thoát nước tốt không để ô nhiễm ra môi trường.
- Đối với các trang trại cần lắp đặt thêm hệ thống máy phát điện, đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho hệ thống chăn nuôi khi có sự cố mất điện.
2. Về thức ăn, nước uống
- Dự trữ đủ thức ăn cho đàn gia súc gia cầm trong mùa mưa bão, đối với đại gia súc cần dự trữ nguồn thức ăn thô xanh như rơm khô, cỏ khô, thức ăn ủ chua,… Đối với chăn nuôi lợn và gia cầm cần dự trữ thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh với lượng vừa phải để đảm bảo thức ăn không bị hết hạn, không bị ẩm mốc.
- Thức ăn cần đảm bảo chất lượng, cân đối các thành phần dinh dưỡng, đầy đủ các vitamin và khoáng chất để đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi, nâng cao sức đề kháng giúp vật nuôi thích ứng với sự thay đổi thời tiết mùa mưa bão. Đối với đàn trâu bò sau mưa bão không nên chăn thả ở những bãi cỏ ngập nước.
- Cung cấp đủ nước sạch, mát cho đàn vật nuôi. Cần có hệ thống bể chứa nước sạch để dự trữ nước uống cho đàn vật nuôi khi mưa to, bão lớn.
3. Về chăm sóc nuôi dưỡng
- Tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi, thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Thường xuyên dọn dẹp chuồng trại, cọ rửa dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun thuốc khử trùng toàn bộ chuồng nuôi và khu vực xung quanh.
- Vào những ngày có mưa, nhiệt độ và độ ẩm thay đổi cần chăm sóc tốt cho gia súc, gia cầm, cho ăn thức ăn dễ tiêu, đảm bảo chất lượng phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi. Chủ động bổ sung thêm thuốc kháng sinh và các chất bổ trợ như: Vitamin, khoáng chất vào thức ăn để phòng bệnh đường tiêu hóa và hô hấp cho đàn vật nuôi.
- Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện vật nuôi ốm, chết cách ly, xử lý tránh làm lây lan dịch bệnh.
4. Về công tác thú y
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin cho đàn vật nuôi theo đúng lịch trình khuyến cáo của cơ quan thú y. Đàn trâu, bò tiêm Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục. Đàn lợn tiêm 4 bệnh đỏ (Dịch tả, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, Đóng dấu), Tai xanh, Lở mồm long móng. Đàn gia cầm tiêm Newcastle, Cúm gia cầm, Tụ huyết trùng.
- Sau mưa bão cần thực hiện ngay việc khơi thông thoát nước, quét dọn, vệ sinh tiêu độc khử trùng. Có thể sử dụng một số hóa chất như Cloramin để xử lý nguồn nước ao bơi, bãi thả trong điều kiện ngập nước.
- Với vật nuôi ốm cần cách ly, vật nuôi chết cần chôn sâu hoặc đốt đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi xác chết ra môi trường. Khi vật nuôi chết nhiều cần báo ngay cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời tránh làm lây lan dịch bệnh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao