Tin thủy sản Một số lưu ý trong chăm sóc và quản lý thủy sản nuôi mùa nắng nóng

Một số lưu ý trong chăm sóc và quản lý thủy sản nuôi mùa nắng nóng

Author KS. Bùi Văn Trụ, publish date Tuesday. July 26th, 2022

Khi nhiệt độ tăng cao, các yếu tố môi trường trong ao nuôi thay đổi theo chiều hướng bất lợi, làm giảm sức đề kháng của ĐVTS tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh. Để nâng cao sức khỏe cho ĐVTS nuôi trong những ngày nắng nóng, người nuôi cần lưu ý thực hiện một số biện pháp trong chăm sóc và quản lý ao nuôi như sau:

1. Đối với các ao ương, nuôi cá

Chủ động bổ sung nước, đảm bảo duy trì mực nước trong ao từ 1,5 - 2m trong suốt mùa hè.

Định lượng thức ăn hàng ngày cho từng đối tượng nuôi, điều chỉnh lượng thức ăn theo diễn biến thời tiết, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường.

Trong những ngày nắng nóng không nên kéo cá vào bể ép, xuất bán hay vận chuyển cá giống, đồng thời thả bèo tây trên mặt ao chiếm khoảng 1/3 diện tích để làm chỗ trú cho cá (với các ao nuôi cá thịt).

Nâng cao sức đề kháng cho cá bằng cách sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào thức ăn với liều lượng 3 – 5 g/100kg cá/ngày; sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường (nếu có điều kiện thì sử dụng quạt nước, sục khí, máy bơm nước để nâng cao hàm lượng ôxy trong nước).

Vào những ngày nắng nóng khi nhiệt độ nước trên 350C cần giảm khẩu phần ăn xuống khoảng 50 - 60%. Trong những ngày này cá rô Phi, cá Chép và một số loại cá khác rất dễ nhiễm bệnh đốm đỏ do vi khuẩn và bệnh liên cầu khuẩn Steprococcus, khi cá mắc bệnh cần khử khuẩn nước ao nuôi sau đó mới dùng thuốc kháng sinh trị bệnh (liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất)

Lưu ý: Chỉ sử dụng các loại thuốc, hóa chất được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định.

2. Đối với các ao nuôi tôm

Cần chủ động tăng cường sục khí, quạt nước để cung cấp đủ nhu cầu ôxy và hạn chế sự phân tầng của nước.

Sử dụng men tiêu hóa, vitamin, khoáng chất trộn vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm, cải thiện môi trường nuôi bằng các chế phẩm vi sinh.

Cho tôm ăn thức ăn đảm bảo chất lượng; dừng hoặc giảm từ 20 - 70% lượng thức ăn trong những ngày thời tiết thay đổi đột ngột, nếu có điều kiện nên bố trí ao nước ngọt sẵn sàng để cấp bổ sung vào ao nuôi khi độ mặn ao nuôi vượt ngưỡng 25%o. Trong những ngày nắng nóng thường có mưa lớn đột ngột cần áp dụng các biện pháp phòng chống sự thất thoát của tôm, cần xả bớt nước tầng mặt, kiểm soát các yếu tố môi trường (pH, Kiềm, Ôxy…), sau khi mưa dứt, nắng bật lên người nuôi nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học để giải phóng khi độc ra khỏi ao nuôi.

 

3. Đối với các bãi nuôi ngao ngoài đê

Tăng cường công tác quản lý vệ sinh mặt bãi, vây cọc, tránh để ngao bị dạt vào chân vây.

Sau khi thủy triều rút để lại lớp phù sa và vũng nước đọng. Cần rửa trôi lớp bùn và san phẳng mặt bãi, tránh tồn đọng những vũng nước vì vũng nước rất dễ hấp thụ nhiệt ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của ngao.

Chủ động san thưa mật độ ngao nuôi cho hợp lý tùy theo từng giai đoạn nuôi đặc biệt chú trọng san thưa tại những bãi nuôi ở cao triều có thời gian phơi bãi quá 8h/ngày, có thể chuyển bớt sang nuôi ở bãi khác hoặc sàng lọc những cỡ ngao khác nhau để bán ra thị trường.


Related news

doanh-nghiep-thuy-san-doi-dien-dau-hieu-xuat-khau-giam-toc Doanh nghiệp thủy sản đối… mot-so-luu-y-trong-su-dung-che-pham-sinh-hoc-men-vi-sinh-trong-nuoi-trong-thuy-san Một số lưu ý trong…