Tin thủy sản Một số thông tin kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm trong lồng đặt trong ao đất

Một số thông tin kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm trong lồng đặt trong ao đất

Author Thu Trúc - Trạm Khuyến nông Tp. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, publish date Monday. May 28th, 2018

Hiện nay, mô hình nuôi lươn đang được người dân quan tâm, đồng thời việc sản xuất lươn giống bán nhân tạo thành công đã tạo nên đòn bẩy thúc đẩy phong trào nuôi lươn thương phẩm phát triển.

Mô hình nuôi lươn thương phẩm trong lồng đặt trong ao đất

Trong đó, mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn ngày càng được người nông dân ưa chuộng do đơn giản, dễ chăm sóc. Bên cạnh đó, mô hình này vẫn tồn tại nhiều bất cập như hiện tượng bệnh xảy ra do môi trường trên bể bạt biến động, tốn kém chi phí thay nước… Nhằm khắc phục nhược điểm trên, Trạm Khuyến nông thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) đã mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi lươn thương phẩm trong lồng đặt trong ao đất. Bước đầu mô hình cho thấy nhiều khả quan. 

Để người dân có thể lựa chọn hình thức nuôi lươn phù hợp, xin chia sẻ một số thông tin kỹ thuật như sau:

1. Chọn ao nuôi

Chọn ao đất không bị nhiễm phèn, tránh xa nguồn nước bị ô nhiễm, khu công nghiệp. Ao đất có diện tích tối thiểu là 100m2 trở lên.

2. Chọn và thả giống

Giống tự nhiên hoặc bán nhân tạo, nhưng để đảm bảo an toàn và chủ động thì bà con có thể chọn giống bán nhân tạo, kích cỡ giống bán nhân tạo 300-400 con/kg. Giống lươn trước khi thả nuôi nên ngâm qua nước muối 200-300g muối/10 lít nước trong 5-10 phút để sát trùng mầm bệnh, giảm sốc cho lươn.

3. Quy trình thực hiện

Khi bà con chọn giống lươn nhân tạo thì nên thuần dưỡng lươn trên bể bạt 2-3 tháng (tương tự như nuôi lươn thương phẩm không bùn trên bể bạt) khi lươn đạt kích cỡ 50-60 con/kg thì chuẩn bị cho xuống lồng trong ao đất để nuôi. Nguyên nhân là do lươn giống nhân tạo có kích cỡ nhỏ, có sức chịu đựng môi trường kém và dễ lọt ra ngoài lồng vì có tính chui, rúc.

Đối với lươn tự nhiên nên thuần dưỡng lươn trên bể bạt 1 tháng để lươn thích nghi môi trường nuôi dưỡng sẽ hạn chế tỷ lệ hao hụt khi cho xuống lồng.

Khâu chuẩn bị ao cần chú trọng vét sạch bùn đáy ao, diệt cá tạp, sinh vật gây hại. Bón vôi 8-10 kg/100m2, phơi ao 2-3 ngày sát trùng mầm bệnh trong ao. Sau đó, cho nước vào, gây màu nước bằng phân chuồng, DAP. Khi nước trong ao lên màu, tiến hành thả thêm một số loài cá như: cá sặc rằn, hường, điêu hồng… để thử nước, tận dụng thức ăn thừa và phân thải của lươn. Khi môi trường ổn định, tiến hành thả lươn vào trong lồng. Giá thể tua dây nilon để lươn ẩn nắp. Trên mặt lồng, che mát bằng lưới lan.

4. Thức ăn

Bà con có thể tập cho lươn ăn thức ăn viên công nghiệp từ giai đoạn còn nhỏ để dễ chăm sóc hoặc có điều kiện kiếm nguồn thức ăn tự nhiên thì trộn ốc bươu vàng với thức ăn viên công nghiệp (tỷ lệ 7:3) để tiết kiệm chi phí mua thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, tận dụng phân bò để nuôi trùn quế cho lươn ăn, đây là phương thức sản xuất nông nghiệp kết hợp hiệu quả.

Cho lươn ăn 1-2 lần/ngày, khẩu phần ăn 5% trọng lượng lươn. Chú ý trước khi cho ăn nên thay nước khi thuần dưỡng lươn trên bể bạt.

5. Chăm sóc, quản lý

Khi thuần dưỡng lươn trên bể bạt nên thay nước 2 lần/ngày. Thường xuyên trộn men tiêu hóa, vitamin C vào khẩu phần thức ăn cho lươn. Định kỳ xử lý nguồn nước  trong ao bằng vôi bột, muối. Chú ý nên thường xuyên quan sát hoạt động, khả năng bắt mồi của lươn để có hướng xử lý kịp thời trong quá trình nuôi.


Related news

5-yeu-to-huu-ich-thay-the-khang-sinh 5 yếu tố hữu ích… thach-thuc-cua-ca-tra-va-tom Thách thức của cá tra…