Mô hình kinh tế Mùa Sắn “Đắng”

Mùa Sắn “Đắng”

Publish date Friday. November 7th, 2014

Vào thời điểm này, nông dân các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (Phú Yên) đang thu hoạch sắn chạy lũ.

Khác với tâm trạng vui mừng các vụ sắn trước, năm nay ai cũng lắc đầu trước vụ sắn “đắng”. Ngoài nắng hạn kéo dài làm sắn giảm năng suất, thì bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng tiếp tục “đeo bám”. Hơn nữa giá sắn giảm mạnh làm cho người trồng khốn đốn.

Ông Nguyễn Văn Đông, ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), thu hoạch ruộng sắn 900m2, cho biết: “Năm nay tôi nhổ sắn bán, cả vườn này thương lái chỉ mua với giá 900.000đ (năm ngoái cũng chỗ này tôi bán lên đến 1,5 triệu đồng). Trừ chi phí phân, thuốc, cày bừa, công thu hoạch…không có lãi là bao”.

Còn ông Trinh Kỳ Thanh, ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), đang tất bật thu hoạch 1.000m2 sắn. Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, ruộng sắn nằm ở vùng trũng, mùa mưa lũ nước ngâm lâu ngày gây thối, năm nay ông trồng rải vụ thu hoạch sớm, tuy nhiên củ không sai, giá sắn giảm mạnh nên không có lãi.

“Tôi bán cho thương lái tại ruộng với giá bán 1.200đ/kg, thời điểm này năm ngoái tôi bán 1.800đ/kg. Sản lượng sắn năm nay cũng giảm, cân hết đám chỉ có 1,2 tấn sắn tươi, còn mấy năm trước đạt 1,5 tấn”- ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Tri, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Niên vụ 2014-2015, nông dân toàn huyện trồng được 4.300ha sắn. Thời tiết nắng hạn kéo dài làm cây sắn còi cọc kém phát triển, một nửa diện tích sắn bị chết, người dân phải phá bỏ, chờ trời mưa để trồng lại các loại hoa màu trên vùng đất trước đây cây trồng bị chết do nắng hạn.

Dọc theo trục giao thông phía tây Phú Yên, từ xã Sơn Định qua xã Sơn Phước (huyện Sơn Hoà) đến xã Đức Bình Tây và xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), nông dân đang thu hoạch sắn với tâm trạng buồn bã. Ông Lê Văn Dũng, một nông dân ở xã Đức Bình Tây cho hay: Năm nay nhổ một bụi sắn chỉcó vài củ, thế nhưng củ nào to lắm chỉ bằng ngón chân cái người lớn.

Do đầu vụ, nắng hạn kéo dài làm cho sắn héo lá kém phát triển, sau khi trời mưa thì sắn đã ra củ non, mặc dù bón phân nhưng sắn không lại sức phát triển tốt như các năm trước”.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, đầu vụ trồng sắn trên địa bàn huyện không có mưa, nên diện tích gieo trồng bị nắng hạn làm chết khoảng 3.463ha. Hiện nay, trên địa bàn huyện bệnh chổi rồng tiếp tục gây hại diện tích sắn trồng giống KM 94.

Năng suất sắn ước đạt 20 tấn/ha, sản lượng ước đạt 199.740 tấn. Với giá trung bình các năm trước từ 2000-2.100đ/kg, thì mỗi ha sắn nông dân sẽ lãi từ 20-25 triệu đồng, nhưng hiện nay, một phần sắn giảm năng suất do nắng hạn lại bị bệnh chổi rồng, hiện sắn củ tại địa bàn có hàm lượng 30 độ bột là rất hiếm, thông thường chỉ vào khoảng 20 đến 25 chữ bột vàgiá dưới 1.500đ/kg nên thu nhập thấp hơn các năm.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, niên vụ sắn 2014-2015, toàn tỉnh trồng 14.700ha sắn, giảm 20,5% so cùng kỳ. Nguyên nhân dẫn đến diện tích gieo trồng các loại cây đều giảm là do thời tiết từ đầu năm đến nay nắng nóng liên tục kéo dài, khô hạn cục bộ, nhất là ở khu vực miền núi, gây bất lợi cho việc xuống giống các cây trồng cạn.


Related news

kiem-dich-thuc-vat-bo-ngo-den-bao-gio Kiểm Dịch Thực Vật… Bỏ… vasep-kien-nghi-thue-nhap-khau-ca-hoi-nam-2015-la-0 VASEP Kiến Nghị Thuế Nhập…